Tổng thống Venezuela Maduro. Ảnh: PRI.
Hai bên cùng kêu gọi Liên Hợp Quốc giải phóng số tiền của chính phủ Venezuela tại nước ngoài bị đóng băng, trước mắt là hơn 3 tỷ USD.
Thế giới lập tức đánh giá tích cực về lần đàm phán này giữa các bên Venezuela, hy vọng cuộc khủng hoảng tại quốc gia Mỹ Latin này sẽ sớm được giải quyết.
Cuộc đàm phán giữa Chính phủ Venezuela và phe đối lập hôm qua (26/11) được nối lại tại thủ đô Mexico City của Mexico, do Na Uy làm trung gian, sau hơn 1 năm bế tắc.
Tại cuộc đàm phán, hai bên đã đạt được thỏa thuận “bảo trợ xã hội”, kêu gọi Liên Hợp Quốc giúp giải phóng số tiền 3 tỷ USD của Chính phủ Venezuela tại nước ngoài bị đóng băng, để giải quyết các cuộc khủng hoảng nhân đạo cho người dân.
Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Venezuela – Chủ tịch Quốc hội Jorge Rodriguez cho biết: “Khi hơn 20 tỷ USD bị giữ và phong tỏa, bị hệ thống tài chính của các ngân hàng nước ngoài chiếm đoạt một cách không công bằng dựa trên các biện pháp trừng phạt thô bạo vi phạm trật tự quốc tế; chúng tôi muốn thông báo rằng thông qua thỏa thuận này, chúng tôi đang giải cứu hơn 3 tỷ USD để đầu tư trực tiếp cho giáo dục, y tế, điện và hỗ trợ các nạn nhân lũ lụt thảm khốc đã phải gánh chịu tại Venezuela.”
Việc phá băng dần số tiền thuộc sở hữu của Venezuela ở nước ngoài - từng bị các ngân hàng Mỹ và Châu Âu đóng băng, được coi là một bước tiến đáng kể.
Đổi lại, thông qua thỏa thuận này, phê đối lập Venezuela được phương Tây hậu thuẫn, muốn hướng tới các cuộc đàm phán tích cực hơn, trong đó có mục tiêu cuối cùng là tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống tự do, công bằng vào năm 2024.
Ông Gerardo Blyde – trưởng đoàn phe đối lập nói: “Với rất nhiều hy vọng, giờ đây chúng tôi chuyển sang chương trình nghị sự phù hợp để tạo ra các điều kiện cho phép thực hiện và đảm bảo các cuộc bầu cử tự do cho người dân Venezuela; quyền bỏ phiếu phải được tôn trọng. Trong quá trình đàm phán, chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm việc tôn trọng các quyền chính trị và nhân quyền tại Venezuela”.
Ngay sau diễn biến tích cực từ bàn đàm phán, Tổng thống Venezuela Maduro cho biết, chính phủ sẽ luôn cố gắng đối thoại với toàn thể xã hội Venezuela, mong muốn tiếp tục thực hiện các bước quan trọng vì sự thịnh vượng của đất nước.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã lên tiếng hoan nghênh, khẳng định thỏa thuận là bước đi quan trọng nhằm khôi phục dân chủ tại Venezuela.
Cùng với lời hoan nghênh ấy, Bộ Tài chính Mỹ cùng ngày quyết định nới lỏng thêm các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt đối với ngành dầu mỏ của quốc gia Mỹ Latin này, bằng cách cho phép tập đoàn dầu mỏ lớn thứ 2 Mỹ Chevron nối lại các hoạt động sản xuất và nhập khẩu dầu thô của Venezuela vào Mỹ. Quyết định này cho phép hồi sinh các dự án dầu mỏ hiện có ở Venezuela và mang lại nguồn cung cấp dầu mới cho các nhà máy lọc dầu ở Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có các điều khoản hạn chế thanh toán bằng tiền mặt cho Venezuela và điều này có thể làm giảm lượng dầu cung cấp cho Chevron.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu cho rằng, thỏa thuận giữa các bên Venezula đặt nền móng cho sự đảm bảo các tiến bộ sẽ tiếp tục đạt được tại quốc gia Mỹ Latin này./.