Đó là lời bày tỏ chân tình của doanh nhân Thái Hương- Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE), Chủ tịch Hội đồng chiến lược tập đoàn TH phát biểu tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với giới doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam diễn ra ngày 12.10. Phát biểu này cũng cho thấy cá nhân bà Thái Hương nói riêng và giới doanh nhân nói chung luôn dõi theo và đồng hành cùng Chính phủ chống dịch.
Chính phủ đã làm mọi cách trong điều kiện có thể
Cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương và 72 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện giới doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 2021.
Mở đầu phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Trên phạm vi cả nước, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo các tiêu chí của Bộ Y tế, dù trải qua thời gian hết sức khó khăn, nhất là tại các tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số tỉnh phía nam.
Đây là sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự cố gắng và đóng góp rất quan trọng của đội ngũ doanh nhân. Xin gửi lời cảm ơn, tri ân tới tất cả hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân có mặt hôm nay cũng như nhiều người vì nhiều lý do khác nhau không có mặt tại Hội trường này", Thủ tướng nói.
Là doanh nhân đại diện cho Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam, bà Thái Hương chia sẻ: "Chúng ta vừa trải qua những ngày giãn cách căng thẳng nhất để phòng chống dịch Covid 19. Dịch bệnh này chính là một đại dịch toàn cầu gây ra sự khủng hoảng chưa từng có".
Theo bà Thái Hương, khủng hoảng Covid-19 không dừng lại ranh giới quốc gia mà có phạm vi cả thế giới. Chính vì vậy, sự ra đời của Ủy ban xử lý các vấn đề khẩn cấp là đặc biệt quan trọng, trong đó có xử lý các vấn đề khẩn cấp trong nền kinh tế. Bà bày tỏ: "Dịch bùng phát nhanh và nghiêm trọng, phức tạp chưa có tiền lệ, do vậy, chưa có các bài học từ trước để rút ra kinh nghiệm, nhưng Chính phủ đã làm mọi cách trong điều kiện có thể".
Thủ tướng với vai trò như một Tổng tư lệnh, là Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt để xử lý nhanh các vướng mắc, ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.
Liên tiếp trong tháng 8 và 9 vừa rồi, Thủ tướng đã tổ chức 2 Hội nghị trực tuyến lớn để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chỉ đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.
Chiếc áo đẫm mồ hôi và những giấc ngủ chưa tròn
Đánh giá đúng tình hình cấp bách trong từng thời điểm, Chính phủ và các bộ ngành đã đưa ra các giải pháp tối ưu nhất. Đây là yếu tố mấu chốt để Việt Nam luôn có được những bước đi kịp thời mỗi đợt bùng phát dịch. Sự ổn định trở lại của TP.HCM khi đưa lực lượng quân đội, công an vào cuộc chính là minh chứng cho những giải pháp này.
Theo thống kê của Bộ Công an, công an các địa phương phía Nam đã huy động tối đa lực lượng tham gia chống dịch, với hơn 100.000 lượt chiến sĩ đã tham gia phòng chống dịch trên tất cả các trận tuyến. Còn Bộ Quốc phòng cũng đưa ra con số, các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ, quân y đã chi viện tăng cường cho TPHCM 135.000 cán bộ, chiến sĩ.
Lực lượng quân đội vận chuyển hàng hóa thiết yếu tiếp tế tới các khu dân cư TP Hồ Chí Minh.
Với góc nhìn tinh tế, bà Thái Hương đã cảm nhận nỗ lực của người đứng đầu Chính phủ: "Đến giờ trong đầu tôi vẫn nhớ như in về hình ảnh chiếc áo sơ mi đẫm mồ hôi của Thủ tướng khi thị sát tình hình chống dịch ở Bình Dương".
Bà cũng chia sẻ sự đồng cảm với các chiến sĩ tuyến đầu. Bà nhấn mạnh, hình ảnh đó đã đánh thức và tiếp sức cho doanh nhân nỗ lực ứng biến trước khó khăn, thách thức, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh doanh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
"Số lượng doanh nghiệp Việt Nam do nữ làm chủ tăng nhiều trong những năm qua, từ 4% năm 2009, lên 21% năm 2011, và đến nay đạt tỷ lệ 25% (cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân). Nữ doanh nhân Việt Nam ngày nay được cộng đồng doanh nghiệp ví như người thuyền trưởng vững vàng, chèo lái doanh nghiệp, đạt thành quả tốt trên thương trường."
Trích báo cáo của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam