Chính phủ Nga được trao quyền áp đặt tình trạng khẩn cấp

Duy Trinh-Kim Chung |

Trong phiên họp bất thường ngày 31/3, Hội đồng Liên bang tức Thượng viện Nga đã thông qua dự luật cho phép chính phủ Nga áp đặt tình trạng khẩn cấp và chế độ cảnh báo cao trên toàn quốc hoặc các vùng riêng lẻ.

Trước đó vài giờ, dự luật đã được Duma Quốc gia tức Hạ viện thông qua trong cả ba lần xem xét.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Moskva, dự luật được soạn thảo để cải thiện khả năng ứng phó với đại dịch COVID-19. Trước đây, tình trạng khẩn cấp có thể do Tổng thống Nga áp đặt trong trường hợp khẩn cấp ở quy mô quốc gia, trong khi chính quyền khu vực và địa phương có quyền áp đặt ở một số vùng lãnh thổ. Với dự luật mới, chính phủ có thể thiết lập các quy tắc bắt buộc khi áp đặt tình trạng khẩn cấp hoặc cảnh báo cao. Chính phủ cũng có thể điều phối công việc của hệ thống nhà nước thống nhất để ngăn ngừa và loại bỏ tình trạng khẩn cấp.

Văn kiện này quy định Nội các Nga có thể áp đặt chế độ đặc biệt trong cả nước hoặc ở các vùng riêng lẻ. Chính phủ có thể đưa ra các quy định ứng xử bắt buộc đối với công dân trong tình trạng khẩn cấp. Ngoài ra, Chính phủ có quyền hạn chế bán một số thiết bị y tế nhất định trong 3 tháng, cũng như ra lệnh cấm phá sản. Văn kiện cũng đưa ra cơ chế đóng góp cho quỹ trách nhiệm cá nhân của các công ty lữ hành và sử dụng quĩ này để trả lại tiền cho du khách bị hủy tour du lịch do bị chính phủ hạn chế. Chính phủ cũng được trao thêm quyền mua sắm công từ một nhà cung cấp duy nhất, cũng như khả năng thay đổi thời hạn của hợp đồng, trong trường hợp bị đại dịch tác động.

*Trong khi đó, với 705 ca tử vong đến ngày 31/3, Bỉ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 9 trên thế giới bởi đại dịch COVID-19, đang tấn công mạnh vào các nước lớn ở châu Âu và ngày càng trầm trọng ở Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Brussels, nếu tính theo tỉ lệ tử vong trên tổng dân số thì tỷ lệ này ở Bỉ là 61 ca/1 triệu dân, có thể ở vị trí nghiêm trọng thứ 3 thế giới sau Italy (195 ca/1 triệu dân) và Tây Ban Nha (176 ca/1 triệu dân). Đây cũng là hai quốc gia châu Âu có nhiều ca tử vong do dịch nhất.

Châu Âu hiện trải qua những giờ phút vô cùng đen tối với hơn 24.000 ca tử vong liên quan đến đại dịch COVID-19. Chỉ trong ngày 31/3, Italy thông báo có 810 trường hợp tử vong còn Tây Ban Nha là 812. Số người thiệt mạng tại châu Âu đã nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, kể cả ở Trung Quốc - nơi khởi phát dịch.

Theo các chuyên gia, tỉ lệ tử vong tại châu Âu cao hơn những nơi khác có thể liên quan đến độ tuổi trung bình của dân số hoặc do bị tính lẫn với các bệnh khác như tiểu đường hay tăng huyết áp. Ngoài ra, một số quốc gia cập nhật số liệu muộn, ví dụ trường hợp của Bỉ ngày 31/3 đã cộng thêm 94 trường hợp tử vong từ những ngày trước đó (từ 11/3).

Các chuyên gia muốn tính được con số thống kê về tỷ lệ tử vong trên tổng số người nhiễm bệnh (CFR), tuy nhiên hầu hết các quốc gia không thực hiện việc xét nghiệm sàng lọc dân số một cách có hệ thống.

Bên cạnh đó, một thông tin mà các chuyên gia đang rất quan tâm, đặc biệt là nhóm Thế giới dữ liệu của chúng ta (Our World in Data), đó là số ngày để số nạn nhân thiệt mạng tăng gấp đôi. Theo đó, tình hình có vẻ khả quan hơn một chút đối với hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch khi thời gian để số nạn nhân tăng gấp đôi là 8 ngày ở Italy và 5 ngày tại Tây Ban Nha. Trong khi đó, các quốc gia như Bỉ, Đức, Anh và Mỹ đang có tốc độ tăng nhanh hơn, 4 ngày.

Đồ thị về tình hình dịch bệnh được chính quyền Bỉ ghi nhận và công bố cho thấy sự gia tăng số trường hợp nhập viện đang chậm lại. Brussels cũng kỳ vọng sự giảm tốc của đồ thị này trong vài ngày tới. Nhưng việc chậm lại không có nghĩa là tình trạng nguy hiểm đã chấm dứt. Emmanuel André - người phát ngôn chính phủ liên bang trong chiến dịch chống COVID-19, khẳng định: "Dịch vẫn chưa đạt đỉnh".

Chính phủ Nga được trao quyền áp đặt tình trạng khẩn cấp - Ảnh 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại