Chính phủ Đức sụp đổ: Hàng loạt khủng hoảng ập tới vào thời điểm nguy nan, thách thức nhất của EU

Thi Anh |

"Thời điểm này thực sự kinh khủng đối với EU", học giả Jana Puglierin của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) nhận định.

Chính phủ của ông Scholz sụp đổ

Chính phủ Đức đã sụp đổ ngày 16/12 sau khi Thủ tướng Olaf Scholz không vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Diễn biến này được New York Times (NYT) đánh giá là sẽ khiến cuộc khủng hoảng lãnh đạo khắp châu Âu trở nên sâu sắc hơn trong thời điểm lục địa già đang gặp ngày càng nhiều thách thức về kinh tế và an ninh. 

Các nghị sĩ Đức đã bỏ phiếu giải tán Chính phủ hiện tại với tỷ lệ 394 phiếu thuận, 207 phiếu trống và 116 phiếu trắng. 

Diễn ra chỉ 9 tháng trước kỳ bầu cử quốc hội dự kiến, cuộc bỏ phiếu lần này là một khoảnh khắc đặc biệt với nước Đức. 

Cuộc bầu cử, dự kiến được tổ chức ngày 23/2, sẽ là cuộc bầu cử sớm thứ 4 trong 75 năm kể khi nước Đức hiện đại được thành lập. Khoảnh khắc này phản ánh một kỷ nguyên mới với nền chính trị bất ổn và khó kiểm soát hơn tại một quốc gia lâu nay vốn được biết đến là có những liên minh bền vững, xây dựng trên sự đồng thuận. 

Chính phủ của ông Scholz phải đối mặt với những thách thức về ngân sách, cùng những lo ngại ngày càng tăng về cách tái thiết quân đội Đức. Nền kinh tế Đức trì trệ, suýt soát tránh được suy thoái vào mùa thu này và các đảng sẽ phải đưa ra cách tốt nhất để phục hồi trong chiến dịch tranh cử của mình.

Những bất đồng về cách cân đối ngân sách - và về việc nên tăng vay nợ của Chính phủ hay thực hiện thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng - đã làm sâu sắc những rạn nứt trong Chính phủ của ông Scholz trước khi tan rã.

Ông Scholz không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện 1 bước đi bất thường là yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm sau khi liên minh của ông tan vỡ hồi tháng 11, chấm dứt nhiều tháng tranh cãi nội bộ gay gắt và khiến ông không còn giữ thế đa số tại nghị viện để thông qua luật hoặc ngân sách.

Tuy nhiên, bất ổn chính trị của Đức có khả năng sẽ kéo dài ít nhất 1 tháng. Chính phủ mới sẽ không được thành lập cho tới khi các đảng đạt được thỏa thuận về liên minh, có thể vào tháng 4 hoặc tháng 5. 

Thời điểm tồi tệ nhất

Đây thực sự không phải thời điểm thuận lợi cho Đức bởi nước này đang phải đối mặt với một chiến dịch bầu cử gian khổ và tình trạng đóng băng chính trị có thể sẽ kéo dài cho đến khi một Chính phủ mới nắm quyền.

"Thời điểm này thực sự kinh khủng đối với EU - cơ bản là, những khủng hoảng này đang ập đến vào giai đoạn tồi tệ nhất, bởi vì cỗ máy truyền thống của khối đang bận rộn", học giả Jana Puglierin của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) nhận định.

Cả Đức và Pháp đều đang mắc kẹt với nan đề liên quan tới cách phục hồi nền kinh tế đang gặp khó, xoa dịu tình trạng chia rẽ xã hội ngày càng gia tăng và giảm bớt lo ngại của cử tri về vấn đề di cư và củng cố quốc phòng quốc gia.

Đức và các đối tác Liên minh Châu Âu (EU) đang thận trọng với Nga. Họ cũng lo lắng về mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc - đối thủ mạnh trong nhiều ngành công nghiệp thuộc vào hàng quan trọng nhất nhưng lại không phải là thị trường tiêu dùng bùng nổ cho các sản phẩm châu Âu mà các nhà lãnh đạo kỳ vọng từ lâu. 

Ngoài ra, họ cũng phải chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump, người đã đe dọa phát động chiến tranh thương mại và chấm dứt cam kết của Mỹ với NATO.

Xung đột Ukraine được dự đoán là một trong những vấn đề bao trùm chiến dịch tranh cử tại Đức. Ảnh: Tyler Hicks/The New York Times

Hàng loạt thách thức cho thấy mức độ bất ổn về mặt chính trị. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải bổ nhiệm Thủ tướng thứ tư chỉ trong vòng một năm và đang chịu áp lực yêu cầu từ chức ngày càng gia tăng. Macron nói rằng ông sẽ tiếp tục tại nhiệm và nỗ lực sửa chữa những rạn nứt sâu sắc trong Chính phủ của mình về ngân sách 2025.

Liệu Đức có xây dựng được 1 liên minh bền vững?

Theo kết quả thăm dò ý kiến, sẽ có 7 đảng tham gia chiến dịch tranh cử nghị viện có cơ hội đáng kể giành được ghế và một số đảng cực hữu được dự báo có kết quả tốt. Ông Scholz được dự đoán sẽ bị loại khỏi vị trí thủ tướng trong khi các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ nhiều khả năng sẽ về nhất, vượt xa Đảng Dân chủ Xã hội của ông Scholz.

Ông Scholz đã sử dụng bài phát biểu ngay trước cuộc bỏ phiếu hôm 16/12 như một thông điệp vận động, trong đó ông nói rằng ông đã hứa với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ tiếp tục hỗ trợ, nhưng cũng bày tỏ sự cẩn trọng của mình về những gì Berlin sẽ cung cấp cho Kiev.

"Chúng tôi không làm bất cứ điều gì đe dọa đến an ninh của chính chúng ta", ông nói trong bài phát biểu, "Và đó là lý do tại sao chúng tôi không cung cấp tên lửa hành trình, một vũ khí tầm xa có thể tiếp cận sâu vào Nga".

Ông Olaf Scholz tại cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 16/12. Ảnh: Reuters

Chiến lược này dường như đang phát huy tác dụng. Kể từ khi liên minh 3 đảng sụp độ, mức độ chấp nhận đối với cá nhân ông Scholz đã tăng lên đôi chút. Tuy nhiên, đảng của ông vẫn chỉ có 17% phiếu bầu, khoảng một nửa so với những gì phe bảo thủ được dự đoán sẽ giành được. Ông Scholz sẽ phải chiến đấu hết sức để thuyết phục cử tri cho ông một cơ hội khác.

Hiện nay, theo các cuộc thăm dò, Friedrich Merz - lãnh đạo đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo bảo thủ, đồng thời là một nhân vật lâu năm trên sân khấu chính trị được dự đoán sẽ trở thành tân thủ tướng.

Hai đảng chính trị chủ chốt khác cũng được dẫn dắt bởi những chính trị gia nổi tiếng đã giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ: Christian Lindner, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do thân doanh nghiệp, người đã phần nào gây ra sự đổ vỡ của liên minh khi bất đồng với thủ tướng, và Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế - ứng cử viên hàng đầu cho Đảng Xanh theo xu hướng thiên tả.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị rối ren ở Đức, không có đảng nào có khả năng giành được đa số tuyệt đối, và điều này có thể dẫn đến những cuộc đàm phán phức tạp để xây dựng một liên minh bền vững hơn liên minh đã thất bại.

Tất cả các đảng chính trị lớn đều tuyên bố họ sẽ từ chối hợp tác với Đảng cực hữu Con đường khác cho Nước Đức (AfD). Một phần của đảng này đang bị cơ quan an ninh nội địa Đức giám sát như một mối đe dọa với hiến pháp. Tuy nhiên, AfD có vẻ đang chiếm ưu thế với 18% phiếu bầu. 

Trong các cuộc bầu cử hồi tháng 9 ở khu vực miền Đông đất nước, AfD và Đảng cực tả Liên minh Sahra Wagenknecht (BSW) có kết quả tốt nhất từ trước đến nay nhưng các đảng chính trị lớn vẫn coi họ là cấm kị, khiến việc thành lập liên minh chính phủ trở nên khó khăn ở các bang này. 

Kết quả này có thể là dấu hiệu dự báo cho khả năng diễn ra các cuộc tranh đấu liên minh hỗn loạn ở Berlin sau bầu cử quốc hội mặc dù các đảng chính trị bên lề không phổ biến ở cấp nhà nước bằng khu vực miền Đông. 

Theo NYT, nhiều nhà quan sát dự đoán rằng liên minh trung dung lớn giữa Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo và Đảng Xã hội Dân chủ sẽ quay trở lại. Trong 20 năm qua, liên minh này đã giữ vị trí cầm quyền ở Đức suốt 12 năm. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại