Ngày 17/3, tại trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), báo Tiền Phong tổ chức cuộc tọa đàm “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”. Tọa đàm nhằm nhận diện những dấu hiệu lừa đảo, đồng thời đưa ra những giải pháp ngăn chặn, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong học đường.
Nhà báo Lý Thành Tâm – Trưởng cơ quan Đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Lý Thành Tâm – Trưởng cơ quan Đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM cho biết, chỉ trong thời gian ngắn nhiều phụ huynh ở TPHCM liên tục nhận được những cuộc điện thoại mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế, nhân viên bệnh viện báo tin học sinh bị tai nạn đang ở bệnh viện và yêu cầu chuyển tiền gấp để cấp cứu. Không ít phụ huynh đã mắc bẫy và hiện tại cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra.
Không chỉ xảy ra tại TPHCM, tình trạng lừa đảo còn lan rộng ra nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Long An, Đà Nẵng… và nhiều địa phương khác, gây hoang mang trong môi trường học đường vốn an lành, trong trẻo. Trong những ngày qua, Công an TPHCM và Bộ Công an đã liên tục phát đi nhiều thông tin nhằm cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác. Bộ Công an cho biết, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp, có nhiều thủ đoạn tinh vi gây thiệt hại lớn về tài sản và gây bức xúc trong nhân dân.
Quang cảnh tọa đàm
Trong bối cảnh đó, báo Tiền Phong phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh trong trường học”, nhằm nhận diện những dấu hiệu lừa đảo, đồng thời đưa ra những giải pháp ngăn chặn, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong học đường, an ninh trong xã hội.
Chia sẻ tại tọa đàm, Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số, đối tượng lừa đảo tìm nhiều cách như dùng những lời nói, hình ảnh… Tội phạm này trước dịch bệnh COVID-19 có nhưng ít, sau dịch bệnh càng gia tăng nhanh.
Đại úy Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh - Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM
“Mỗi ngày Phòng Cảnh sát hình sự tiếp nhận từ 20- 30 đơn tố cáo, phản ánh... Vụ việc nóng nhất gần đây là dùng điện thoại để gọi cho phụ huynh thông tin con em bị tai nạn nhập viện để lừa đảo lấy tiền. Đối tượng lừa đảo đưa ra thông tin không đúng sự thật, lấy danh học sinh, người thân; mượn danh cơ quan nhà nước, thậm chí giả danh cơ quan chức năng, giả danh giáo viên, bác sĩ. Tất cả sự lừa đảo đều có sự chuẩn bị kỹ từ trước” – Đại úy Thịnh nói.
Cũng theo Đại úy Thịnh, lỗ hổng thông tin bị đối tượng lừa đảo khai thác bằng nhiều cách. Trong đó, có 20% do các doanh nghiệp tự lộ thông tin. 80% do chính cá nhân đó tự lộ thông tin.
Học sinh chia sẻ tại tọa đàm
Chia sẻ tại tọa đàm, bạn Thái Bình (học sinh lớp 11A13 trường THPT Nguyễn Du) cho biết, từ thông tin trên báo chí, biết đến câu chuyện một trường quốc tế có trường hợp đối tượng giả danh giáo viên báo về gia đình có học sinh bị té lầu cần số tiền lớn để cấp cứu. Do quá lo lắng nên người nhà cả tin chuyển 70 triệu đồng cho đối tượng lừa đảo. Sau đó phụ huynh chạy đến bệnh viện tìm thì không thấy và gọi cho con em thì mới biết con em mình không bị gì.
Một em học sinh khác ở lớp 11A7 Trường THPT Nguyễn Du kể một trường hợp được chia sẻ trên mạng xã hội TikTok cho biết vụ việc kẻ xấu gọi về cho phụ huynh cũng với chiêu thức báo tin con em họ bị tai nạn giao thông cần tiền để cứu chữa gấp và gia đình này đã mất 200 triệu đồng.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du khẳng định, rất quan tâm đến thông tin về vấn nạn lừa đảo. “Ngay từ ngày đầu trường đã làm thư khẩn trước khi có chỉ đạo từ cấp trên để cảnh báo cho phụ huynh và học sinh tránh nguy cơ bị lừa. Tôi đã cảnh báo cho phụ huynh thấy tại sao lại có những cú lừa ngoạn mục và chỉ ra chúng thường tấn công vào nhóm phụ nữ thường rất dễ mất bình tĩnh. Bên cạnh đó là tâm lý tình mẫu tử, đặc biệt là nhóm gia đình có kinh tế khá, nhóm học sinh trường tư thục” – thầy Thanh Phú nói.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du
Cũng theo thầy Phú, thực trạng của xã hội hôm nay ở các bệnh viện đang thiếu thuốc, trang thiết bị điều trị cho bệnh nhân nên khi nghe nói cần tiền mua thuốc phụ huynh sẽ rất lo lắng. Thầy Thanh Phú cho rằng, khi nhận cuộc điện thoại lừa đảo cần chủ động kết nối video call để xem người gọi có quen hay không từ đó nhận diện được mức độ chính xác của thông tin ban đầu. Trên thực tế, tình trạng thiếu thông tin là vấn đề chung các phụ huynh đang gặp phải.
“Các trường cũng thiếu sự liên kết với phụ huynh. Khi học sinh hay bất kỳ công dân nào gặp nạn, không bệnh viện nào bỏ bệnh nhân mà không cứu vì thiếu tiền. Ở bệnh viện có bác sĩ, ở ngoài đường có công an, tất cả đều có hỗ trợ để giúp bảo vệ sức khỏe mọi người. Phụ huynh không nắm thông tin, không đọc thông tin là kẻ hở cho các đối tượng lừa đảo” – thầy Thanh Phú nhấn mạnh.
Chú trọng đạo đức nghiệp vụ thông tin
Thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân cho biết việc bảo mật thông tin rất được nhà trường coi trọng. Trường chỉ giao một nhân viên được phép nhập hoặc lấy thông tin và quán triệt mức độ quan trọng của các thông tin cá nhân này. "Việc lộ lọt thông tin là do chúng ta sơ suất, nếu đề cao cảnh giác, làm tốt khâu bảo mật thì hoàn toàn có thể phòng ngừa. Do đó, phụ huynh cần tỉnh táo, cảnh giác trước những sự việc nghi ngờ"- thầy Độ chia sẻ.