Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4h ngày 18/10, vị trí tâm bão số 7 (Sarika) ở 18,4 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Bắc Tây Bắc.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 4h ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, trên khu vực vịnh Bắc Bộ, cách đảo Bạch Long Vĩ 60km về phía Tây.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 13-14.
Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 160N và phía Tây Kinh tuyến 114,50E). Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên: phía Bắc Vĩ tuyến 170N và phía Tây Kinh tuyến 114,00E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14; sóng biển cao 4-6m, biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 16h ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11-12.
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ tiếp tục có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 13-14; sóng biển cao từ 3-5m, biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền Quảng Ninh-Hải Phòng và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4h ngày 20/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên đất liền Lạng Sơn. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/h), giật cấp 9-10.
Cảnh báo từ chiều tối và đêm nay (18/10) đến gần sáng 20/10 sẽ xuất hiện mưa to trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ, riêng Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn: 200-300mm/cả đợt.
Trước diễn biến của cơn bão số 7, UBND TP Hà Nội đã có công điện khẩn gửi các sở, ngành, địa phương yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức trực 24h/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 7, triển khai phương án phòng, chống lụt bão...
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ để đảm bảo xử lý kịp thời các sự cố xảy ra, tổ chức sơ tán nhân dân ở các khu vực sạt lở nguy hiểm, các khu nhà không đảm bảo an toàn...
Sở Xây dựng chỉ đạo chủ động triển khai phương án phòng chống úng, ngập khu vực nội thành; phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận kiểm tra, rà soát các khu nhà ở đã xuống cấp, nguy hiểm để sơ tán nhân dân đến nơi an toàn, chỉ đạo kiểm tra phòng chống cây đổ.
Kiểm tra, bảo đảm an toàn các thiết bị thi công, các công trình đang xây dựng trên địa bàn Thành phố.
Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh: Kiểm tra, tổ chức cắt tỉa cây và cành cây có nguy cơ bị đổ gãy khi có mưa, bão; tổ chức lực lượng giải tỏa các sự cố về cây đổ đảm bảo an toàn giao thông đi lại, cảnh báo các vị trí nguy hiểm...