Công an làm việc với người đại diện Ngân hàng về một vụ việc lừa đảo qua điện thoại
Chị T. thắc mắc vì điện thoại bàn của gia đình chị chỉ sử dụng để gọi trong nội thành, không thể nợ số tiền cước lớn đến như vậy.
Nữ nhân viên kia không giải thích gì mà ngay lập tức nối máy cho chị T. nói chuyện với một người đàn ông tự xưng tên Kiên (đang công tác tại phòng lưu trữ thuộc Toà Án nhân dân TP. Vũng Tàu).
Người tên Kiên tiếp tục thông tin với chị T. rằng, chị T. có đăng ký số điện thoại cố định với tổng đài điện thoại ở tận ngoài Hà Nội.
“Cán bộ Toà án” tên Kiên sau đó lại tiếp tục nối máy tiếp cho chị T. trao đổi qua điện thoại với một người xưng tên Phạm Tuấn Anh – cán bộ Công an TP. Hà Nội.
Tuấn Anh cho biết chị T. đang phạm tội rất nguy hiểm và yêu cầu chị phải tuyệt đối hợp tác điều tra.
Để chứng minh những lời nói của mình có căn cứ, Tuấn Anh xin số điện thoại cá nhân của chị T. rồi gửi một ảnh chụp văn bản có ghi “Lệnh bắt khẩn cấp” đối với chị T., khiến chị vô cùng hoang mang và lo lắng.
Sau đó, Tuấn Anh liên tục tra hỏi các thông tin cá nhân của chị T., trong đó có các khoản tiền tiết kiệm ở ngân hàng. Chị T. “khai” rằng mình có một tài khoản tiết kiệm 500 triệu đồng tại Ngân hàng Vietcombank.
Tuấn Anh nói rằng, cơ quan công an đang nghi ngờ số tiền này của chị T. có nguồn gốc mờ ám và yêu cầu chị chuyển vào tài khoản ngân hàng của một đối tượng có tên Bùi Văn Hà, số tài khoản: 020059211014 để cơ quan công an kiểm tra.
Khi kiểm tra xong, sẽ có người chuyển trả lại cho chị T. ngay. Ngay trong chiều 20/7, chị T. liền ra ngân hàng chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng Bùi Văn Hà để “công an kiểm tra tài chính”.
Ba ngày sau, sáng 23/7, một người phụ nữ gọi đến cho chị T. và xưng là nhân viên Ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Vũng Tàu.
“Nhân viên ngân hàng” này nói rằng, có người chuyển lại vào tài khoản của chị T. số tiền 1 tỷ đồng nhưng vì hệ thống tin nhắn thông báo số dư tài khoản của Vietcombank đang bị lỗi nên nhân viên này xin phép chỉ gọi điện thoại thông báo với chị T.
Mừng rỡ vì đã được “minh oan”, lại được nhận gấp đôi số tiền đã chuyển trước đó, chị T. ra ngay ngân hàng kiểm tra số dư thì thấy trong tài khoản hoàn toàn không có tiền.
Chột dạ, chị T. gọi điện thoại, nhắn tin cho người tên Tuấn Anh để đòi tiền rất nhiều lần nhưng điện thoại luôn trong tình trạng tắt máy. Lúc này, chị T. mới tá hoả biết rằng mình đã bị lừa và tới cơ quan công an để trình báo.
Cùng cảnh ngộ với chị T., ngày 25/7, hai nạn nhân khác bị lừa đảo qua điện thoại là ông T. (56 tuổi, ngụ tại phường 3, TP. Vũng Tàu) và chị H. (ngụ tại phường 9, TP. Vũng Tàu) cũng đã đến trình báo tại cơ quan công an. Phương thức mà nhóm lừa đảo sử dụng cũng tương tự như đối với chị T.
Bọn chúng gọi điện thoại tới số máy cố định của gia đình nạn nhân rồi tự xưng là cán bộ công an, hù doạ rằng nạn nhân đang bị điều tra về hành vi phạm tội nghiêm trọng, phải chuyển tiền cho công an để tiến hành điều tra nguồn gốc số tiền.
Chỉ khác ở chỗ, có nạn nhân bị dọa liên quan đến đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, có nạn nhân lại bị doạ là liên quan đến việc trốn thuế tiền tỷ…
Được biết, ông T. đã chuyển cho nhóm đối tượng lừa đảo 900 triệu đồng, chị H. chuyển 500 triệu đồng.
Ngày 31/7, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC45, Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, trong khoảng hơn 10 ngày cuối tháng 7/2018, hàng chục người đã thông tin tới cơ quan chức năng về việc bị một nhóm đối tượng gọi điện thoại dàn cảnh lừa đảo để chiếm đoạt tài sản với những số tiền lớn, từ vài trăm triệu đồng cho tới hàng tỷ đồng.
Ít nhất đã có ba nạn nhân vì cả tin mà chuyển tổng số tiền 1,9 tỷ đồng qua tài khoản ngân hàng cho nhóm lừa đảo.
Cũng theo Lãnh đạo PC45, thủ đoạn lừa đảo như trên không mới, đã từng xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước.
Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từng phối hợp với các địa phương khác tổ chức bắt giữ, truy tố, xét xử một nhóm người (trong đó có cả đối tượng người Trung Quốc) về hành vi này.
Gần đây, các vụ lừa đảo như trên lại có dấu hiệu tiếp diễn và gia tăng với thủ đoạn tinh vi hơn. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi tương tự.
Bởi nếu cơ quan công an làm việc sẽ có thư mời ghi thời gian, địa điểm rõ ràng và người dân tới trực tiếp trụ sở, chứ công an không bao giờ yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.