Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Ngọc Dung, hiệu trưởng trường THCS Minh Khai (Hà Nội) cho biết, trường nhận được thông báo từ Sở GD&ĐT Hà Nội thông báo về việc cảnh giác với thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
"Ngay sau khi nhận được công văn của Sở GD&ĐT Hà Nội chiều 14/3, chúng tôi đã triển khai lại tới từng giáo viên. Giáo viên sẽ nhắn trên nhóm của phụ huynh các lớp cũng như trên Facebook của trường để mọi người cũng biết để tránh. Nếu không thông tin sớm thì rất lo lắng vì nếu phụ huynh không cập nhật thông tin trên báo, đài hoặc từ hội nhóm lớp sẽ dễ bị các kẻ xấu mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhắn tin và tưởng thật" - bà Dung nói.
Ông Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THCS &THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, ngay khi rộ thông tin lừa đảo "con đang nằm viện, chuyển tiền gấp để nhập viện/ phẫu thuật" ở nhiều thành phố, nhất là ở TP.HCM, nhà trường có ngay thông báo gửi tới cha mẹ học sinh, để cha mẹ học sinh biết có thông tin và có việc lừa đảo đó để nếu gặp trường hợp đó có thể xác định lại thông tin thông qua việc liên hệ với nhà trường, thông qua tin nhắn điện tử và có kênh qua liên hệ với giáo viên chủ nhiệm.
Trước việc nhiều phụ huynh tỏ ra hoang mang và cho rằng, đã đến lúc phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an để giải quyết triệt để, ngăn chặn kịp thời hiện tượng kẻ xấu lừa phụ huynh chuyển tiền cho con cấp cứu, ông Bình cho rằng, trước hết cha mẹ học sinh phải nâng cao cảnh giác nắm bắt thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. "Trường học cần có quy ước về thông tin, xử lý thông tin để giảm thiểu sự việc đáng tiếc xảy ra, tiền mất tật mang ảnh hưởng tới trật tự an ninh xã hội. Mỗi một công dân đều phải có tinh thần cảnh giác chứ không thể sự việc nào công an cũng vào cuộc ngay" - ông Bình nói.
Các chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo, phụ huynh, học sinh không nên để lộ, lọt thông tin cá nhân lên mạng xã hội. Cha mẹ cần thường xuyên cần cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin, nếu nhận được tin nhắn cần bình tĩnh xác minh trước khi chuyển tiền.
Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu trường hợp mới xuất hiện ở TP.HCM mà chưa có thông tin, chưa được cảnh báo thì phụ huynh rất dễ mắc lừa. Tuy nhiên, ở thời điểm này khi thông tin đã tràn lan sang các tỉnh, thành thì cần tỉnh táo để không "mất tiền oan". Chính phụ huynh học sinh cũng là một kênh lan tỏa thông tin nhanh cho nhiều người biết và cảnh giác.
Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội thông báo về việc cảnh giác trước hành vi lừa đảo của kẻ xấu.
Trước đó, hai phụ huynh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) bị kẻ xấu mạo danh giáo viên, nhân viên y tế nhắn tin: "Con gặp tai nạn đang ở bệnh viện cấp cứu, cần chuyển tiền ngay để nhập viện".
Theo Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, hai phụ huynh nhận được cuộc gọi nói trên đều đã biết hành vi lừa đảo này xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) trong những ngày gần đây nên cảnh giác gọi điện để xác minh và không bị lừa.
Cũng theo Hiệu trưởng nhà trường, sau khi nhận được thông tin việc đầu tiên nhà trường yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm lập tức thông báo đến phụ huynh của tất cả các lớp trên toàn trường và sẽ báo cáo với cơ quan chức năng để ngăn chặn kịp thời tình trạng này.
Trước đó, nhiều phụ huynh tại TPHCM đã bị kẻ gian lừa chuyển khoản hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Các đối tượng đánh trúng tâm lý lo lắng cho con của các bậc cha mẹ, sử dụng chiêu thức nhắn tin vào số điện thoại của phụ huynh là các em học sinh phải nhập viện cấp cứu, cần số tiền lớn để lo viện phí.
Trong đó, một phụ huynh có con đang học tại một trường quốc tế tại quận 7 (TPHCM) nhận được liên hệ từ người xưng là giáo viên. Do tin tưởng, vị phụ huynh này đã chuyển ngay 200 triệu đồng cho người lạ để "kịp thời cấp cứu cho con".