Chiến trường Idlib thách thức Ankara

Văn Trương |

Những vụ đụng độ giữa quân đội chính phủ Syria với quân Thổ Nhĩ Kỳ khi truy quét tàn quân đối lập tại tỉnh Idlib thuộc miền Bắc Syria đang làm dấy lên lo ngại xung đột giữa hai nước láng giềng. Vai trò của nước Nga tại Syria cũng đang bị thách thức bởi tham vọng của Ankara.

Cuộc đụng độ vũ trang giữa quân đội Chính phủ Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra vào ngày 3-2 tại khu vực thị trấn Saraqeb thuộc Tây Bắc tỉnh Idlib. Quân đội Syria bắn pháo vào các vị trí chốt kiểm soát dã chiến của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ quanh thị trấn Saraqeb trong khi đang truy quét lực lượng phiến quân đối lập cuối cùng còn cố thủ tại Idlib. Phía Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả. Vụ đấu pháo làm chết 8 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và 13 binh sĩ Syria.

Vụ việc đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận, cho rằng hành động tấn công của quân đội Syria là cố tình gây hấn. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho rằng những hành động tương tự như vụ nã pháo tại thị trấn Saraqeb là một sai lầm của Damascus và có thể khiến xung đột vũ trang giữa hai nước bùng phát.

Theo giới quan sát, vụ đụng độ giữa quân đội Chính phủ Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một sự cố nhưng cũng có thể là một “đốm lửa” chập cháy giữa cuộc chiến tranh 9 năm ở Syria. Nó có thể làm phức tạp và kéo dài thêm cuộc chiến. Đốm lửa dễ xảy ra ở một khu vực nhạy cảm về an ninh được dàn xếp theo một thỏa thuận năm 2018 nhằm kiểm soát căng thẳng tại tỉnh Idlib.

Theo thỏa thuận đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì 12 chốt kiểm soát ở tỉnh Idlib. Đã 3 lần Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào miền Bắc Syria để “chống IS” và chống người Kurd nhưng đây là lần đầu tiên họ bị nã pháo trực tiếp từ quân Chính phủ Syria. Rất có thể sau vụ việc này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có những động thái trả đũa mạnh tay hơn với Syria, bất chấp sự hậu thuẫn của Nga bấy lâu nay.

Một câu hỏi đặt ra là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có ngang nhiên “bỏ qua” vai trò của Nga để đơn phương hành động ở Syria hay không?

Fahrettin Altun, cố vấn truyền thông của Tổng thống Erdogan đã viết trên Twitter rằng Ankara sẵn sàng đáp trả hành động của Damascus nếu Moscow không kiểm soát được họ. Bản thân Tổng thống Erdogan tiếp tục đưa ra cảnh báo đối với Moscow và khẳng định quân đội nước ông vẫn tiếp tục chiến dịch tại Idlib.

Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhúng tay khá sâu vào cuộc chiến tại Syria thông qua việc hậu thuẫn một số lực lượng phiến quân chống Chính phủ Syria. Việc này đã từng gây lo ngại về khả năng xảy ra va chạm giữa Moscow với Ankara. Giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang có những mối quan hệ hai bên cùng có lợi trên các lĩnh vực kinh tế thương mại, năng lượng, quốc phòng, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc Nga trong các chiến dịch quân sự ở Bắc Syria. Nhưng gần đây, giới quan sát cho rằng giữa hai bên đang có những rạn nứt nhất định.

Đã từng có một vài sự cố xảy ra trong những năm qua, như vụ máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga trên bầu trời Bắc Syria vào năm 2015. Tháng 10-2019, Ankara đưa quân đội tấn công vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria, gây ra một đợt giao chiến quyết liệt khiến hàng trăm người thương vong và hàng ngàn người mất nhà cửa. Cuộc giao chiến chỉ dừng lại sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin “khuyên can” người đồng cấp Erdogan tại một cuộc họp song phương tại Moscow ngày 22-10.

Trong vụ việc ngày 3-2, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga lại có quan điểm trái ngược nhau. Ankara cho rằng việc mình triển khai các chốt kiểm soát tại Idlib là phù hợp theo thỏa thuận an ninh năm 2018, trong khi Moscow cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không thông báo trước với quân đội Nga trước khi chuyển quân đến khu vực trên. Vụ nã pháo của quân đội Syria có thể được xem là sự cố ngoài ý muốn vì lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đứng về phía phiến quân đang giao chiến với quân đội Chính phủ Syria.

“Đốm lửa” tại Bắc Syria là một trong những “điểm nóng” mà Ankara đang tích cực tham gia trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Nó cho thấy Ankara đang nuôi tham vọng khẳng định vai trò cường quốc khu vực đã được Tổng thống Erdogan phát động kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây 5 năm. Một trong những “điểm nóng” khác ngoài Syria đang được Tổng thống Erdogan tham gia một cách quyết liệt là cuộc nội chiến tại Libya. Thổ Nhĩ Kỳ đứng về nhóm các quốc gia hậu thuẫn Chính phủ liên hiệp (GNA) do Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc bảo trợ tại Tripoli.

Từ đầu tháng 1-2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu đưa một số lực lượng quân đội sang Libya để tham gia chiến đấu bên cạnh quân đội GNA. Libya cũng là nơi mà Ankara tiếp tục đứng ở phía đối đầu với Moscow, khi người Nga là một trong những quốc gia đứng sau ủng hộ tướng Khalifa Haftar chống lại chính quyền GNA. Song song đó, Tổng thống Erdogan cũng tích cực thực hiện các hoạt động ngoại giao con thoi tại châu Âu, một số quốc gia châu Phi để vận động xây dựng mạng lưới đồng minh ngoại giao ủng hộ cho hành động can thiệp quân sự của mình.

Tháng 11-2019, Ankara ký kết một hiệp định phân định biên giới biển với chính quyền GNA, gây ra những phản ứng gay gắt từ các quốc gia Đông Địa Trung Hải có lợi ích trong vùng biển liên đới. Hiệp định đã trao cho Thổ Nhĩ Kỳ quyền khai thác dầu khí trong vùng biển xung quanh đảo Crete, vốn vẫn được Hy Lạp tuyên bố chủ quyền và phía Nam đảo quốc Síp. Điều này đã khiến cả Síp, Hy Lạp và Ai Cập phản đối. Hy Lạp là nước đối đầu mạnh mẽ nhất.

Athens không chỉ trực tiếp cảnh báo Ankara về những hậu quả đối đầu căng thẳng trong khu vực mà còn tích cực vận động ngoại giao để tìm đồng minh gây sức ép lên Ankara. Athens có nhiều lý do khác ngoài vấn đề khai thác dầu khí trong cuộc đối đầu với Ankara. Cuối tháng 1-2020, Athens đã nhận được sự hậu thuẫn của Pháp trong việc triển khai tàu chiến ứng phó đe dọa của Ankara.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại