Nếu bạn muốn hiểu mối quan hệ "nguội lạnh" giữa Mỹ và Trung Quốc đang thay đổi môi trường kinh doanh toàn cầu như thế nào thì Alibaba là ví dụ điển hình.
Trong 5 năm qua, công ty này là mối liên hệ kết nối 2 siêu cường với nhau, bởi cổ phiếu của Alibaba chỉ được niêm yết ở Mỹ. Nhưng hiện tại, "gã khổng lồ" này đang cân nhắc việc huy động thêm 20 tỷ USD tại Hồng Kông, trong bối cảnh động thái trả đũa của Mỹ ngày càng gắt gao ảnh hưởng tới cả lợi ích của Trung Quốc đại lục và sự phát triển của thị trường vốn Hồng Kông.
Việc niêm yết trên sàn Hồng Kông của Alibaba là một dấu hiệu cho thấy các công ty Trung Quốc đang chọn phương án an toàn hơn, giảm sự phụ thuộc vào thị trường tài chính phương Tây.
Bối cảnh thế giới năm 2014 rất khác so với hiện tại, khi Alibaba lần đầu "lên sàn". Dù có trụ sở tại Hàng Châu và 91% doanh thu đến từ thị trường trong nước, nhưng Alibaba vẫn lựa chọn sàn New York để niêm yết. Các ngân hàng tại Phố Wall đã bảo lãnh cho đợt IPO này. Ông chủ của Alibaba, Jack Ma , cực kỳ nổi tiếng ở Trung Quốc, đã được giới thượng lưu ở Manhattan ca ngợi như một người theo chủ nghĩa tư bản phóng khoáng mà người Mỹ có thể hợp tác.
Không chỉ có Jack Ma, tới nay đã có 174 công ty Trung Quốc khác niêm yết tại Mỹ, với tổng vốn hoá là 394 tỷ USD, bao gồm cả 2 "ngôi sao" công nghệ là Baidu và JD.com. Một màn "ra mắt" đáng chú ý gần đây là Luckin Coffee, đối thủ của Starbucks ở Trung Quốc, đã đạt mức định giá 4 tỷ USD vào tháng 5.
Tuy nhiên, Alibaba nhận thấy rằng người Mỹ đang dần bớt thân thiện hơn. Lợi nhuận của công ty đã tăng vọt và các nhà đầu tư đã tận dụng được sự khởi sắc đó. Nhưng trong tháng 1/2018, Ant Financial, chi nhánh fintech của Alibaba, đã không được phép mua lại MoneyGram với lý do an ninh quốc gia.
Tháng 11, "vầng hào quang" ở nước Mỹ của Jack Ma đã mờ dần khi ông được kết nạp Đảng. Những người quyền lực ở Thung lũng Silicon rỉ tai nhau rằng kinh doanh trên nền tảng đám mây toàn cầu của Alibaba là mối đe doạ tới lợi ích của nước Mỹ.
Nếu Alibaba đầu tư vào những công ty start-up, họ có thể vi phạm một luật mới, có tên FIRRMA, yêu cầu phải mua "công nghệ quan trọng" của nước ngoài thì mới được chấp thuận. Alibaba vẫn chưa bị "tấn công" như Huawei, nhưng vẫn nơm nớp lo sợ.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã lan rộng từ mặt trận thuế quan sang cả yêu cầu dẫn độ pháp lý, đầu tư mạo hiểm và cả hệ thống thanh toán bằng USD trên toàn cầu. Nếu Trung Quốc tẩy chay Apple hoặc Boeing, Mỹ có thể đáp trả bằng cách đình chỉ giao dịch của các công ty Trung Quốc và không cho phép họ huy động vốn.
Trung Quốc đại lục là một thị trường vốn lớn nhưng vẫn chưa đủ mạnh để thay thế cho Phố Wall. Hồng Kông, trung tâm ngoài lục địa của Trung Quốc, lại càng không phải sự lựa chọn hoàn hảo nhất là do những vấn đề chính trị nhạy cảm. Tuy nhiên, thị trường này lại là địa điểm thay thế hợp lý cho các công ty toàn cầu của Trung Quốc.
Giờ đây, nước này đã chào đón nhiều công ty với cơ chế cổ phiếu đa quyền sau khi thay đổi quy định vào năm 2018. Trung Quốc đã mở rộng vai trò là một "cầu nối" giữa những nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Năm ngoái, số vốn huy động được của các công ty niêm yết trên sàn Hồng Kông còn lớn hơn Nasdaq hay NYSE, với con số là 37 tỷ USD.
Sự nổi lên của Hồng Kông đã đi kèm với sự suy giảm quyền lực bá chủ của phương Tây trong giới tài phiệt châu Á. Một thập kỷ trước, các ngân hàng Trung Quốc chỉ đóng vai trò là những "nhân vật phụ". Còn giờ đây, những công ty của Phố Wall không còn quan trọng như trước.
Năm 2018, 7 trong số 20 nhà bảo lãnh phát hành cổ phiếu đứng đầu châu Á đều là những công ty Trung Quốc. Các ngân hàng Trung Quốc cũng là một trong những nhà cho vay xuyên biên giới lớn nhất châu Á. Mỹ vẫn kiểm soát hệ thống thanh toán bằng USD, nhưng điều này cũng có thể sẽ dần thay đổi.
Niêm yết ở Hồng Kông, Alibaba sẽ có một địa điểm khác để huy động vốn. Công ty này vẫn đang chứng kiến doanh số bán hàng tăng mạnh, đạt mức 51% vào năm ngoái. New York vẫn tiếp tục phát triển như một trung tâm tài chính, dù các công ty Trung Quốc bắt đầu né tránh nơi này.
Tuy nhiên, một thông điệp lớn hơn đó là, khi cuộc chiến thương mại nổ ra, mạng lưới kết nối tài chính và thương mại toàn cầu vốn rất phức tạp đang dần thay đổi. Những công ty phần cứng lớn đang điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ.
Các nhà bán lẻ thì đang dịch chuyển nguồn cung ứng để hàng hoá bán ở Mỹ không còn được sản xuất ở Trung Quốc. Các ngân hàng đang cắt giảm sự hợp tác với các đối tác có thể phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ.
Và ngay cả những công ty thành công nhất thế giới, như Alibaba, cũng cảm thấy cần phải có một kế hoạch dự phòng. Đó là một viễn cảnh rất khác khi Jack Ma rung chuông khai mạc phiên giao dịch đầu tiên của Alibaba tại NYSE vào năm 2014.