Chiến thuật trì hoãn không hiệu quả, Trump xoay xở ra sao khi sắp hầu tòa?

Diệp Thảo |

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa, ông Donald Trump sẽ trở thành cựu Tổng thống đầu tiên phải ra hầu tòa. Tuy nhiên, khi chiến thuật trì hoãn không còn hiệu quả, có lẽ ông chủ cũ của Nhà Trắng sẽ phải xoay xở để tìm ra một giải pháp khác.

Điều gì sẽ xảy ra vào ngày 15/4?

Sau những chiến thắng tạm thời về mặt pháp lý hồi tháng trước, ông Donald Trump đã không gặp may trong phòng xử án hôm 8/4 khi nỗ lực trì hoãn phiên tòa hình sự vào ngày 15/4 hoàn toàn thất bại. Thất bại này có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng thắng cử của cựu Tổng thống vào tháng 11 tới.

Trong vụ án này, ông Trump bị cáo buộc 34 tội làm giả hồ sơ kinh doanh để che giấu việc chi tiền cho diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông Trump đã từ chối nhận tội dù có vẻ như mọi bằng chứng đang chống lại ông.

Theo các chuyên gia, thay vì cố gắng chứng minh rằng khoản tiền bịt miệng mà ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels nhận được vào năm 2016 là bất hợp pháp, các công tố viên trong buổi xét xử hôm 15/4 sẽ tập trung vào hành vi làm giả hồ sơ kinh doanh nhằm đánh lừa cử tri của cựu Tổng thống. Nếu điều này xảy ra, khả năng ông Trump thắng cử sẽ vô cùng ít ỏi, bởi niềm tin của công chúng về sự trong sạch của cựu Tổng thống vốn đã ở mức thấp. Theo một khảo sát xã hội được Politico thực hiện vào tháng 3, có đến 50% cử tri Mỹ tin rằng ông phạm tội.

Chiến thuật trì hoãn không hiệu quả, Trump xoay xở ra sao khi sắp hầu tòa?- Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Trump tại phiên tòa New York hồi tháng 10/2023. Ảnh: Getty.

Từ trước đến nay, ông Trump và đội ngũ luật sư luôn thực hiện chiến thuật trì hoãn nhằm ngăn tòa đưa ra phán quyết cuối cùng, đồng thời kéo dài thời gian cho việc tranh cử. Ông Trump đã tận dụng triệt để quyền kháng cáo và chấp nhận nộp khoản bảo lãnh không lồ để tòa án buộc phải lùi ngày xét xử, đơn cử như khoản bảo lãnh trị giá 175 triệu USD hôm 1/4. Đồng thời, đội ngũ luật sư của ông cũng yêu cầu tòa cho thêm thời gian nghiên cứu khoảng 200.000 trang tài liệu về bằng chứng mà công tố viên liên bang đưa ra hồi giữa tháng 3. Tuy nhiên, trì hoãn không phải là một giải pháp lâu dài.

Nếu không thể trì hoãn phiên tòa hình sự vào tuần tới, ông Trump sẽ bị giam bốn ngày một tuần trong phòng xử án để phục vụ các phiên xét xử, trong khi đối thủ Joe Biden có thể tận dụng khoảng thời gian này nhằm chiếm ưu thế trên đường đua vào Nhà Trắng.

“Ông Trump đang gặp rắc rối lớn, và ông ấy biết điều đó”, Tổng thống Biden nói về buổi hầu tòa sắp tới của đối thủ Trump, đồng thời nhấn nhấn mạnh rằng bên cạnh phán quyết của tòa án, tiếng nói cử tri cũng “sẽ buộc ông ấy (chỉ Trump) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Chiến thuật trì hoãn của cựu Tổng thống bị vô hiệu hóa

Trong phiên điều trần kéo dài 30 phút tại tòa phúc thẩm New York hôm 8/4, công tố viên đặc biệt Jack Smith kiến nghị Tòa án Tối cao bác bỏ yêu cầu của ông Donald Trump về quyền miễn trừ và từ chối trì hoãn phiên tòa xét xử cựu tổng thống với cáo buộc cố tìm cách lật lại kết quả cuộc bầu cử năm 2020. Cựu Tổng thống Trump trước đó đã đệ trình các lập luận bằng văn bản lên tòa, cho rằng các Tổng thống tương lai sẽ dễ bị “tống tiền khi không còn đương chức” nếu tòa án từ chối quyền miễn trừ của ông.

Ông Smith đã bác bỏ lập luận này, cho rằng các ông chủ Nhà Trắng không nắm giữ quyền lực tuyệt đối. Theo ông Smith, đề nghị miễn trừ này là vô căn cứ khi nó có khả năng "giải phóng Tổng thống khỏi hầu như tất cả luật hình sự, thậm chí cả những tội như hối lộ, giết người, phản quốc và nổi loạn”.

Chiến thuật trì hoãn không hiệu quả, Trump xoay xở ra sao khi sắp hầu tòa?- Ảnh 3.

Công tố viên đăc biệt Jack Smith. Ảnh: Getty.

Trong bản tường trình trước tòa, công tố viên Smith viết: “Việc thực hiện hiệu quả của nhiệm vụ tổng thống không đòi hỏi cựu tổng thống phải được miễn trách nhiệm đối với những cáo buộc vi phạm luật hình sự liên bang. Ngược lại, nguyên tắc nền tảng của hiến pháp Mỹ là không ai đứng trên luật pháp - kể cả tổng thống”.

Đội ngũ pháp lý của ông Trump đã chuẩn bị sẵn một phương án dự phòng để trì hoãn cuộc bầu cử đến tháng 11 trong trường hợp tòa không chấp nhận thực hiện quyền miễn trừ. Theo đó, Tòa án Tối cao có thể trả lại hồ sơ để tòa án cấp dưới tiến hành thêm thủ tục tố tụng để xác định xem liệu có thể áp quyền miễn trừ đối với ông Trump tới mức độ nào.

Ông Smith sau đó đã thẳng thừng bác bỏ lập luận này và cho rằng nếu Tòa án Tối cao đồng ý thực hiện một số quyền miễn trừ với các cựu tổng thống, vụ việc sẽ được chuyển trở lại tòa án cấp dưới và ông Trump sẽ tiếp tục bị xét xử hình sự.

Chiến thuật trì hoãn không còn hiệu quả, ông Trump sẽ làm gì?

Kết thúc phiên điều trần, Thẩm phán Lizbeth González đã bác bỏ đề nghị dừng phiên tòa của ông Trump và cho biết sẽ không có tranh luận gì thêm về đề nghị này. Gần như chắc chắn, ông Trump sẽ có mặt tại phiên tòa hình sự đầu tiên trong 4 vụ án hình sự mà ông đang phải đối mặt.

Trong chiến dịch tranh cử sơ bộ đầy sóng gió, ông Trump đã thành công trong việc biến bốn cáo trạng thành lợi thế truyền thông, tuyên bố mình là nạn nhân chính trị nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn của Đảng Cộng hòa và sự ủng hộ của cử tri. Ngay cả khi tình hình không còn thuận lợi, có vẻ như cựu Tổng thống vẫn trung thành với những chiến lược truyền thông kiểu "Trump".

Khả năng trì hoãn phiên tòa hình sự càng về “0”, cựu Tổng thống lại càng hoạt động tích cực trên các nền tảng xã hội. Trong một bài gần đây trên tài khoản Truth Social, ông Trump cáo buộc các thẩm phán đã ra lệnh xét xử hình sự là những “kẻ tham nhũng”. Cũng trong một email gây quỹ, cựu Tổng thống Mỹ lên tiếng chỉ trích các “phiên tòa giả tạo” đang cố gắng kìm chân ông trong việc huy động các nguồn vốn tranh cử. Sau khi nhận được lệnh cấm ngôn từ Thẩm phán Juan Mercan, người sẽ chủ trì phiên tòa hình sự vào hôm 15/4 tới, ông Trump lại tuyên bố rằng tòa án đã tước đi quyền tự do ngôn luận của ông.

Chiến thuật trì hoãn không hiệu quả, Trump xoay xở ra sao khi sắp hầu tòa?- Ảnh 4.

Thẩm phán Juan Mercan. Ảnh: The New York Times.

Bên cạnh đó, hôm 8/4, ông Trump cũng đưa ra tuyên bố rằng việc phá thai - một vấn đề có khả năng định đoạt kết quả bầu cử tháng 11 - nên được giao cho các bang toàn quyền quyết định. Điều này đi ngược với chính sách của ông Biden, khi Tổng thống Mỹ mong muốn quyền tự do sinh sản được thông qua trên toàn quốc. Điều này làm bùng nổ một cuộc tranh luận mới giữa lòng nước Mỹ, và ông Trump hi vọng cuộc tranh luận này sẽ giữ cho đối thủ Biden bận rộn trong thời gian ông phải ra hầu tòa.

Chiến lược của ông Trump không phải là mới. Trong các phiên toàn trước đây, ông Trump đều kêu gọi được xét xử công bằng. Điều này, theo ý cựu Tổng thống, đồng nghĩa với việc một nhân vật chính trị như ông được xét xử tại một phiên tòa mà đội ngũ bồi thẩm đoàn tiềm năng chỉ bao gồm những người có khả năng bỏ phiếu cho họ. Một kịch bản như vậy sẽ chính trị hóa toàn bộ hệ thống pháp luật và đe dọa nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.

Ngoài vụ việc trên, cựu Tổng thống Mỹ hiện đang đối mặt với các cáo buộc hình sự trong 3 vụ việc khác, gồm cáo buộc âm mưu đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2020, can thiệp bầu cử bang Georgia và cất giữ trái phép tài liệu mật sau khi rời nhiệm sở. Cử tri đang tự hỏi ông Trump sẽ làm gì tiếp theo để trụ vững trên đường đua vào Nhà Trắng trong bối cảnh đang bị cầm chân trong những rắc rối pháp lý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại