Chiến thuật 'Mục tiêu Giả' được áp dụng thế nào?

Tiến Thành |

 Theo Reuters, lực lượng Nga đã triển khai nhiều cách, trong đó có UAV tự sát Geran-2 kèm nhiều UAV mồi nhử đang vắt kiệt phòng không Ukraine.

Chiến thuật mục tiêu Giả của Nga thách thức phòng không Ukraine trong cuộc chiến UAV - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine cạnh một chiếc Geran mang đầu đạn nhiệt áp.

Ngày 24 tháng 11, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố rằng Nga đã phóng 460 máy bay không người lái (UAV) tầm xa nhằm vào nước này chỉ trong một tuần qua.

Bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine trước đó cũng cho biết phải đối mặt với 2.023 UAV tự sát tầm xa dòng Geran và một loại phi cơ chưa xác định trong tháng 10, gấp gần ba lần mức 700 chiếc trước đó một tháng.

Thông tấn Anh cho rằng, đây có thể là một phần chiến dịch có mật danh "Mục tiêu Giả" được Nga triển khai gần đây, trong đó kết hợp số ít UAV mang đầu đạn sát thương với hàng chục phi cơ giá rẻ đóng vai mồi nhử.

Loạt UAV làm mồi nhử thường chế tạo từ vật liệu nhẹ như gỗ ép và xốp, nhằm đơn giản hóa sản xuất và giảm giá thành. Mỗi chiếc được gắn thêm các quả bóng bọc kim loại để tăng diện tích phản xạ radar, có đặc điểm nhận dạng tương tự UAV tự sát Geran-2 trên màn hình radar.

"Chiến thuật Mục tiêu Giả được áp dụng kiểu bầy đàn nhằm khiến phòng không Ukraine thêm rối loạn khi phải quyết định bắn hạ mục tiêu nào trong thời gian ngắn.

Các kíp trắc thủ Ukraine không thể phân biệt được mồi nhử gần như vô hại với những chiếc Geran-2 mang đầu đạn sát thương thật sự", một chỉ huy đơn vị phòng không Ukraine thừa nhận.

Cựu phát ngôn viên không quân Ukraine, Yuri Ignat thừa nhận: "Mỗi chiếc UAV chỉ là một chấm sáng kèm dữ liệu hướng bay và độ cao trên màn hình radar.

Chúng tôi không có cách nào nhận diện chính xác tính chất của chúng, nên phải hạ toàn bộ mục tiêu. Đối phương thường dùng mồi nhử để thu hút sự chú ý".

Một người lính Ukraine có biệt danh Rosmaryn tuyên bố đã bắn rơi hàng chục UAV tự sát Nga trong gần hai năm qua, trong đó có cả mồi nhử bằng xốp.

"Chúng tôi không thể nắm được chủng loại UAV khi chúng còn đang bay, chỉ có thể xác định bản chất thực sự sau khi hạ được mục tiêu", binh sĩ này nói.

Chuyên gia quân sự về lĩnh vực công nghệ vô tuyến của Ukraine, Serhii Beskrestnov ước tính mồi nhử hiện chiếm hơn một nửa số UAV Nga nhắm vào nước này.

Chiến thuật triển khai song song hai dòng UAV không chỉ vắt kiệt lưới phòng không Ukraine, mà còn giúp Nga tiết kiệm chi phí quốc phòng và tăng tối đa sản lượng.

Nguồn tin giấu tên tiết lộ mỗi nhà máy ở đặc khu Alabuga xuất xưởng được 10 UAV vũ trang Geran-2 với giá 50.000 USD, cùng 40 UAV mồi nhử rẻ hơn trong một ngày.

Quân đội Nga cũng liên tục thay đổi phương án công kích, điển hình là cho UAV bay trước để buộc phòng không Ukraine khai hỏa và hết đạn trực chiến, sau đó phóng tên lửa đạn đạo và hành trình vào mục tiêu trọng yếu.

Cùng với việc gây rối loạn và thu hút hỏa lực, một số UAV mồi nhử cũng trở thành tai mắt cho lực lượng trinh sát. UAV có thể mang theo cảm biến quang - điện tử và đường truyền dữ liệu kết nối trực tiếp với kíp điều khiển, giúp họ xác định vị trí các trận địa phòng không và xây dựng bản đồ mạng lưới phòng thủ đối phương.

Quân đội Ukraine từng nhiều lần phát hiện UAV trở về không phận Nga trong các đòn tấn công quy mô lớn, dường như chính là những phi cơ chỉ điểm mục tiêu đang bay về căn cứ để tái sử dụng.

Lực lượng Nga lần đầu sử dụng Geran-2 trong loạt trận không kích cuối năm 2022, nhắm mục tiêu vào hạ tầng năng lượng và cơ sở trọng yếu của Ukraine.

Nhiều chỉ huy Ukraine thừa nhận, các kỹ sư Nga vẫn liên tục thử nghiệm, ứng dụng những công nghệ mới để đưa Moscow lên vị trí hàng đầu trong chế tạo UAV.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại