Chiến lược ‘thần tốc’ nào giúp Nga dẫn đầu trong cuộc đua vaccine phòng Covid-19?

T.H |

Ba công ty của Nga đang chuẩn bị công tác sản xuất hàng loạt với 'số lượng vài trăm nghìn liều vaccine mỗi tháng và tăng lên vài triệu liều/tháng vào đầu năm sau'.

Trong cuộc đua vaccine Covid-19 toàn cầu, Nga không hề giấu giếm ý định giành chiến thắng. Sáng 11/8 (giờ địa phương), Tổng thống Putin tuyên bố Nga đã có vaccine phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới.

Tại một cuộc phỏng vấn với NBC News, ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), đơn vị tài trợ cho các thử nghiệm vaccine cho biết: "Nga có truyền thống rất mạnh về vaccine. Loại vaccine mà chúng tôi tạo ra lần này là ‘bản sao’ của vaccine Ebola từng được Nga phát triển cách đây 5 năm bởi Viện Gamaleya ở Moscow".

Theo ông Dmitriev, vaccine của Nga sở dĩ được tạo ra trong thời gian ngắn như vậy là vì đây là phiên bản cải tiến của vaccine chống lại virus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) xuất hiện lần đầu ở Ả Rập Xê-út năm 2012 và có mối liên hệ khá mật thiết với Covid-19. Bản thân vaccine MERS được tạo ra bằng cách sử dụng virus Ebola làm nền tảng.

Bộ trưởng Thương mại Nga, ông Denis Manturov nói rằng việc sản xuất vaccine "sẽ bắt đầu sớm nhất vào tháng 9". Ba công ty của Nga đang chuẩn bị công tác sản xuất hàng loạt với "số lượng vài trăm nghìn liều vaccine mỗi tháng và tăng lên vài triệu liều/tháng vào đầu năm sau". Đây được nhận định là một kế hoạch đầy tham vọng của Nga.

Vaccine của quốc gia này dường như đang đi trước các sản phẩm tương tự một đoạn khá xa. Ví dụ như vaccine được phát triển bởi Đại học Oxford và AstraZeneca vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba và dự kiến sẽ được tung ra vào đầu năm sau.

Chiến lược ‘thần tốc’ nào giúp Nga dẫn đầu trong cuộc đua vaccine phòng Covid-19? - Ảnh 1.

Một tình nguyện viên đang được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Mặc dù Nga đã tuyên bố có vaccine phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới nhưng nhiều chuyên gia lo ngại rằng người Nga đang chấp nhận rủi ro cao và xem nhẹ các tiêu chuẩn về an toàn. Ông Anthony Fauci, cố vấn chống dịch Covid-19 của Chính phủ Mỹ nói rằng sự phát triển thần tốc như vậy (từ giữa tháng 6, vaccine của Nga đã được thử nghiệm với 38 người) ẩn chứa không ít rủi ro.

Ông chia sẻ: "Tôi hy vọng Trung Quốc và Nga sẽ thử nghiệm vaccine kỹ càng trước khi đưa ra sử dụng trong công chúng. Việc tuyên bố vaccine sẵn sàng để phân phối trước khi xét nghiệm có thể sẽ gây ra vấn đề".

Trong khi đó, ông Dmitriev cho biết: "Điểm mạnh của vaccine của Nga so với các loại khác là chúng tôi sử dụng công nghệ đã được phê duyệt của cơ quan quản lý từ trước còn họ thì không".

Các quan chức y tế Nga trước đó thông báo rằng việc tiêm chủng hàng loạt có thể tiến hành ngay từ tháng 10 năm nay. Ông Mikhail Murashko, Bộ trưởng Bộ Y tế Nga cho biết những người thuộc nhóm rủi ro cao như nhân viên y tế sẽ được ưu tiên tiêm phòng ngay trong tháng này.

Bất chấp rủi ro liên quan khi "đốt cháy giai đoạn" trong thử nghiệm vaccine mới, việc phát triển và đăng ký vaccine phòng Covid-19 (có vẻ sẽ đem lại hiệu quả) dường như là cách tốt nhất để Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng virus corona.

Thời điểm hiện tại, Nga đang đứng thứ tư trong số những quốc gia có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 nhất trên thế giới với gần 900.000 bệnh nhân. Gần hai tháng sau khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được dỡ bỏ, sự sụt giảm của tỷ lệ gia tăng các ca mắc hàng ngày ở Nga đã chậm lại. Vài tuần qua, thủ đô Moscow đã chứng kiến số ca nhiễm mới tăng trở lại. Do đó, chính quyền Moscow đã tăng cường khuyến khích người dân đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách để đảm bảo an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại