Chiến lược nào giúp Xiaomi lật đổ Samsung chỉ sau 3 năm tại Ấn Độ?

Du Lam |

Từ 3% thị phần năm 2016 tới 30% thị phần hiện tại, Xiaomi đã bắt kịp và thậm chí vượt qua gã khổng lồ Samsung ở Ấn Độ.

5 năm trước, không ai có thể nghĩ tới việc Samsung – gã khổng lồ Hàn Quốc, niềm yêu thích của người dân Ấn Độ - lại có thể bị tước “ngôi vương” smartphone. Tuy vậy, Xiaomi – một công ty Trung Quốc ít tên tuổi – tiến vào thị trường này và “đóng quân” từ năm 2016. Người Ấn Độ vẫn chưa biết nhiều về Xiaomi và thậm chí, nó còn bị chế giễu là “iPhone cho người nghèo”.

Con bài mà Xiaomi sử dụng là giảm giá chớp nhoáng “flash sale” trực tuyến. Ngoài ra, những mẫu điện thoại Redmi giá chỉ từ 100 tới 200 USD có đầy đủ tính năng của smartphone 500 USD cũng nhanh chóng trở thành hiện tượng tại Ấn Độ. Năm 2016, thị phần của hãng đạt 3% nhưng vẫn còn quá nhỏ so với 25% của Samsung. Do chưa nhiều người dân nước này online cũng như mua sắm qua Internet, Xiaomi chỉ được xem như một công ty thú vị: nổi loạn, rẻ nhưng không nằm cùng bảng với Samsung.

Định kiến ấy đã thay đổi. Ngày nay, Xiaomi sở hữu khoảng 28% thị phần smartphone Ấn Độ, đẩy Samsung xuống vị trí thứ hai với 25-26%. Tất nhiên, ai đang đứng đầu còn phụ thuộc vào tiêu chí: số lượng hay doanh thu. Người lãnh đạo hiện tại hoàn toàn có thể trở thành kẻ đi sau ngày mai. Dù vậy, Xiaomi vẫn đang gặm nhấm thị phần như cỗ máy không ngơi nghỉ, trong khi thị phần Samsung lúc tăng lúc giảm. Màn soán ngôi của Xiaomi diễn ra như thế nào trong thời gian ngắn ngủi như vậy?

Câu trả lời chính là giá trị. Ngày nay, hơn 66% thị phần Ấn Độ là của điện thoại Trung Quốc nhưng Xiaomi là hãng đầu tiên cung cấp các mẫu máy hấp dẫn với giá tới mức khó tin. Họ “ăn dầm nằm dề” trên các trang như Flipkart với hi vọng bấm chuột đủ nhanh để được sở hữu một trong các smartphone này. Hàng chục ngàn điện thoại biến mất khỏi các kệ hàng ảo chỉ trong chưa đầy 8 giây.

Các thương hiệu trong nước như Micromax, Intex không có cơ hội dù có bứt phá ở giai đoạn đầu cuộc chiến smartphone. Có hai nguyên nhân: đầu tiên, họ không thể sáng tạo như người Trung Quốc và người Nhật; tiếp theo, họ bỏ lỡ cuộc đua 4G.

Sau khi “gây bão” trên mạng, Xiaomi giải quyết miếng ghép tiếp theo là thị trường ngoại tuyến. Một trong hai điện thoại bán ra qua Internet là của Xiaomi. Năm 2017, công ty bắt đầu bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ điện tử lớn rồi tới các cửa hàng “đối tác ưa thích” và cuối cùng là cửa hàng Mi Home. Bằng cách này, họ giành được thị phần tại các thị trấn cấp 2, cấp 3 mà không tốn quá nhiều tiền cho chiến dịch phân phối độc quyền như Samsung.

Với 36,9 triệu điện thoại bán ra trong quý II/2019 và tỉ lệ tăng trưởng cao, Xiaomi dường như đã làm được những điều tuyệt vời. Tất nhiên, thị trường smartphone không đứng yên, sau một năm, bức tranh có thể đã khác. Các đối thủ đồng hương của Xiaomi như Oppo, Vivo, Huawei cũng đang tràn vào Ấn Độ dù không ấn tượng như Xiaomi. Nhiều hãng tập trung vào thị trường ngách hơn là đại chúng.

Ngoài ra, Samsung vẫn là “tượng đài” sừng sững ở Ấn Độ và không thể bốc hơi nhanh chóng. Thực tế, hãng giành thêm 3% thị phần trong năm 2018, từ 23% lên 26% và mạng lưới bán lẻ cũng như hậu mãi cùng thương hiệu truyền cảm hứng vẫn là lợi thế lớn. Điều đó đồng nghĩa Xiaomi phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ “ngai vàng” của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại