Để có thể gọi điện, nhắn tin hay vào mạng, chiếc điện thoại mà bạn đang cầm luôn được kết nối với “sợi dây” vô hình – tần số. Sợi dây này kết nối điện thoại đến trạm phát sóng lân cận. Các trạm phát sóng tiếp tục kết nối với nhau và với tổng trạm, tạo thành mạng lưới truyền và nhận dữ liệu – xuất hiện trở lại trên thiết bị đầu cuối dưới dạng giọng nói người thân hay những video ngắn.
Trong không gian của mỗi quốc gia, chỉ có số lượng hữu hạn những sợi dây vô hình này. Do đó, quyền sử dụng đắt đỏ và mỗi nhà mạng viễn thông chỉ có thể mua được quyền khai thác một số lượng nhất định. Chẳng hạn, vào tháng 3 năm nay Viettel đã phải chi hàng nghìn tỷ đồng để được khai thác một “sợi” – tần số 2500-2600 Mhz cho mạng 5G.
Chi phí này là bắt buộc. Thiếu đi tài nguyên tần số đồng nghĩa với việc nhà mạng không còn không gian để phục vụ khách hàng mới hoặc đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu lớn hơn.
Có quyền sử dụng tần số, nhà mạng phải quyết định cách khai thác hiệu quả nhất: tần số nào sẽ dành cho mạng 2G, 3G, 4G và 5G?
Thế hệ mạng càng hiện đại thì khả năng truyền tải dữ liệu càng cao, cuộc gọi “trong” và rõ hơn, các trang web và ứng dụng tải nhanh hơn, nhưng cũng đòi hỏi cao hơn về số lượng trạm, mạng lưới truyền dẫn, khả năng xử lý dữ liệu. Đây cũng là lý do nhiều nhà mạng lựa chọn duy trì công nghệ cũ.
Chiến lược tốt nhất cho mạng di động
Kể từ 2008 Viettel là nhà vận hành mạng di động lớn nhất tại Việt Nam, với số trạm gấp 2 lần nhà mạng đứng thứ hai, phủ đến cả các vùng hải đảo và biên giới. Lần lượt vào các năm 2010 và 2017, Viettel tiếp tục là nhà mạng triển khai mạng lưới 3G và 4G rộng nhất. Ngay khi 4G xuất hiện, các nhà quy hoạch mạng lưới của Viettel nhận thấy vấn đề: 3G tiêu tốn tài nguyên mạng lưới và không cần thiết.
“Hãy hình dung 2G và 4G là hai thái cực. 2G cung cấp dịch vụ thoại và gần như không cung cấp dữ liệu, còn 4G thì cung cấp dữ liệu rất hiệu quả và không có thoại. 3G nằm ở giữa, vừa cung cấp thoại vừa có khả năng cung cấp dữ liệu, nhưng chất lượng dữ liệu không thể so sánh với 4G, trong khi chiếm nhiều băng tần”, chị Nguyễn Thị Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks) phụ trách quy hoạch, người trực tiếp xây dựng lộ trình tắt công nghệ cũ từ năm 2018, kể lại.
“Băng tần của 2G thì vốn rất ít rồi và không đủ để sử dụng cho 4G. Rất cần băng tần để mở rộng mạng lưới 4G, Viettel quyết định cắt 3G trước”.
Chiến lược này cũng phù hợp với tình trạng thiết bị đầu cuối trên thị trường. Có hai loại điện thoại chính, điện thoại “cục gạch” chỉ hỗ trợ 2G và điện thoại thông minh 4G hỗ trợ cả 2G, 3G do tương thích ngược. Khi Viettel thử nghiệm tắt 3G vào năm 2021, các thiết bị hỗ trợ 3G và 2G còn rất ít và thực tế cho thấy đến nay gần như không còn. Đến nay, Viettel là nhà mạng duy nhất ở Việt Nam đã tắt 3G thành công.
Tắt 3G mở ra tần số bổ sung cho 4G trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dữ liệu tăng trưởng hơn 20% mỗi năm. Cột anten được giải phóng thiết bị 3G cũng giúp giảm tải trọng, giảm điện tiêu thụ, mở ra không gian cho các thiết bị 4G, 5G. Viettel đã bắt đầu thử nghiệm cắt 3G từ năm 2021 và hoàn thành tắt công nghệ này vào năm 2023.
Khi 2G biến mất sớm hơn dự tính
“Tại thời điểm tính toán tắt mạng 3G, vùng phủ thoại của 3G nhỏ hơn so với 2G, vùng phủ data của 3G tương đương với 4G. Do đó, khi tắt 3G, dịch vụ thoại vẫn đảm bảo, mạng 4G chỉ cần nâng cấp bổ sung để phủ sâu hơn và đảm bảo về dung lượng data”, chị Tâm nhận định.
Khách hàng có nhu cầu dữ liệu sẽ được hưởng lợi về chất lượng dịch vụ vì nhà mạng có thêm tài nguyên, trong khi khách hàng có nhu cầu liên lạc cơ bản - một nhóm khách hàng lớn ở Việt Nam, đặc biệt là với Viettel - không bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, với việc có hàng chục triệu khách hàng 2G only và đã tắt 3G, Viettel rơi vào tình huống khó khăn hơn hẳn so với các nhà mạng khác trước yêu cầu ngừng phục vụ thiết bị 2G only vào ngày 15/10/2024 và tắt sóng 2G hoàn toàn vào 15/9/2026 từ cơ quan quản lý.
“Viettel là nhà mạng phủ sóng rộng nhất đến từng thôn, xã, vùng sâu vùng xa, số lượng khách hàng chỉ nghe gọi sử dụng 2G only rất nhiều, khoảng 10 triệu tính đến đầu năm 2024”, anh Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động, Viettel Telecom, chia sẻ.
Khác biệt với 3G, vùng phủ thoại của 2G rất lớn, khoảng 99% dân số. Vì thế tắt 2G đòi hỏi khối lượng công việc lớn và cần đáp ứng kịp thời nếu không thì sẽ để ‘hổng’ khoảng dịch vụ mà 2G đang đáp ứng.
Đặt mục tiêu cao để xây dựng mạng di động vượt trội
“Lúc này, mục tiêu phải là 4G Viettel đạt được độ phủ dân số tương đương 2G”, chị Tâm cho biết.
Viettel đặt mục tiêu phát sóng hơn 7.000 trạm mới trong năm 2024, số lượng gấp rưỡi năm 2023. Khi bổ sung thêm trạm đồng nghĩa phải nâng cấp toàn bộ hệ thống truyền dẫn, cơ điện, mạng lõi.
“Thực tế, quá trình triển khai trạm mới còn khó hơn những gì số liệu cho thấy, vì những vị trí chưa triển khai cũng là những vị trí khó nhất về khả năng thuê hoặc địa hình phức tạp như núi cao, hiểm trở”, anh Nguyễn Xuân Anh, kỹ sư tối ưu dịch vụ di động, Viettel Networks chia sẻ.
Mục tiêu lớn, xây dựng mạng lưới 4G với vùng phủ toàn dân số, được chia nhỏ thành hàng loạt dự án trên khắp cả nước. “Chúng tôi đã huy động toàn bộ các nhân sự có năng lực tại 3 khu vực và các đơn vị liên quan tham gia quá trình thiết kế, xây dựng phần cứng, tối ưu”, anh Xuân Anh cho biết.
Từng dự án được lập kế hoạch đến từng ngày, thậm chí từng giờ và xác định các mốc then chốt. Các kỹ sư sẵn sàng đánh giá kết quả “mọi thời điểm” để đẩy nhanh tiến độ triển khai trạm mới. Cùng lúc, nhóm tối ưu đảm bảo chất lượng dịch vụ thông qua một bộ tham số lớn để Viettel duy trì chất lượng mạng cao nhất trong quá trình chuyển đổi.
Tính đến tháng 9, Viettel đã hoàn thành hơn 5.000 trạm, đưa vùng phủ 4G lên khoảng 95% dân số. Số trạm 4G Viettel hiện chiếm khoảng 40% tất cả số trạm 4G ở Việt Nam.
“Chỉ trong 2024, có thêm hơn 4 triệu khách hàng vùng sâu vùng xa và vùng nông thôn có sóng 4G”, anh Văn Sơn cho biết. Theo dữ liệu mới nhất của Umlaut thu thập trên người dùng di động, Viettel tiếp tục đứng vị trí số một về chất lượng mạng với 919 điểm chất lượng tổng thể, cao hơn vị trí thứ hai khoảng 60 điểm. Do đã tắt 3G trong năm 2023 và toàn bộ data do 4G đảm nhiệm, tốc độ data Viettel đo qua hệ thống speedtest tăng 15%.
“Ban đầu chuyển đổi 2G-4G là mục tiêu thực sự thách thức, nhưng khi Bộ Thông và Truyền thông đưa ra chủ trương, Viettel hoàn toàn ủng hộ vì việc này đem lại nhiều lợi ích lâu dài”, chị Tâm nói. “Khi tắt 2G, Viettel có thể dồn tài nguyên tần số cho các công nghệ mới, và khách hàng có chất lượng di động, data tốt hơn và tiếp cận được các dịch vụ số, Internet”.