Chiến lược “giương đông kích tây” của Nga khiến Mỹ và Ukraine rối bời

Hồng Anh |

Theo giới quan sát, không có lý do gì để Nga công khai tiến hành một cuộc tấn công Ukraine ở thời điểm hiện tại, thay vào đó, Điện Kremlin có thể gửi thông điệp rằng họ sẵn sàng bảo vệ “các lằn ranh đỏ” đã đặt ra đối với Ukraine.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nhiều xe quân sự xuất hiện ở thị trấn Yelnya của Nga. Ảnh: Reuters

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nhiều xe quân sự xuất hiện ở thị trấn Yelnya của Nga. Ảnh: Reuters

Trong những tuần gần đây, các xe tăng và binh sỹ của Nga một lần nữa tiến về phía Tây theo hướng biên giới với Ukraine , làm dấy lên những cảnh báo mới, thậm chí nghiêm trọng hơn từ giới tình báo Mỹ cho rằng, Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công xuyên biên giới. Nga đã bác bỏ cảnh báo này và tuyên bố đây là “tâm lý cuồng loạn chống Nga”.

Chiến lược giương đông kích tây

Diễn biến nói trên tương tự với những gì diễn ra vào tháng 4/2021. Ở thời điểm đó Nga đã tăng cường triển khai binh sỹ tại khu vực biên giới với Ukraine khi muốn Mỹ tiến đến bàn đàm phán. Chiến lược phô trương lực lượng đã có kết quả: Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi điện cho Tổng thống Nga Putin và vào tháng 6/2021, hai bên tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneva, Thụy Sĩ.

Theo giới quan sát, không có lý do gì để Nga công khai tiến hành một cuộc tấn công Ukraine ở thời điểm hiện tại, thay vào đó, Điện Kremlin có thể gửi thông điệp rằng họ sẵn sàng bảo vệ “các lằn ranh đỏ” đã đặt ra đối với Ukraine, mà trước hết là không muốn nước này gia nhập NATO.

Nhà phân tích chính trị Tatiana Stanovaya tại R.Politik nhận định: “Tôi nghĩ với Tổng thống Putin, điều đó thực sự quan trọng. Ông ấy cho rằng phương Tây đã bắt đầu mang lại cho giới tinh hoa Ukraine hy vọng gia nhập NATO. Nhưng việc NATO hỗ trợ huấn luyện, đào tạo và cung cấp vũ khí cho Ukraine giống như hành động khiêu khích đối với Tổng thống Putin, khiến ông nghĩ nếu Nga không hành động ngay lập tức thì ngày mai sẽ có các căn cứ của NATO ở Ukraine và ông cần phải chấm dứt điều đó”. Nga lo ngại Ukraine có thể được chuyển đổi thành một tiền đồn để NATO xâm nhập vào trong không gian hậu Xô Viết và vùng của lợi ích của mình, nhà phân tích này lưu ý.

Ý định của Ukraine muốn gia nhập NATO và việc Nga một mực phản đối không phải điều mới lạ. Tuy nhiên, Nga đã bị xáo trộn bởi việc quân đội Ukraine sử dụng máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các lực lượng đối lập được cho là do Nga hậu thuẫn ở miền Đông nước này. Chưa hết, chuyến bay của 2 máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Mỹ ở gần Bán đảo Crimea cũng là nguyên nhân khiến Nga giận dữ hơn.

Ngoài ra, Nga có thể lo ngại rằng thỏa thuận Minsk – một khuôn khổ nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 7 năm ở Ukraine, vốn gây nhiều tranh cãi, sẽ bị loại bỏ để mang lại lợi ích cho Kiev.

Thông điệp ông Putin muốn đến phương Tây

Nhận thấy việc triển khai lực lượng ở gần biên giới với Ukraine đã mang lại hiệu quả vào tháng 4/2021, nên Nga có thể muốn lặp lại chiến lược này. Điều đó được thể hiện một phần qua tuyên bố của Tổng thống Putin với các nhà ngoại giao Nga vào tuần trước: “Những cảnh báo gần đây của chúng ta đã được chú ý và có tác dụng nhất định. Dù sao thì căng thẳng đã gia tăng”. Ông cho rằng căng thẳng cần phải được duy trì để buộc phương Tây phải chú ý thay vì phớt lờ Nga.

Ông Andrei Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga nhận xét: “Việc Nga tăng cường triển khai quân tại biên giới với Ukraine nhiều khả năng không phải là chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Đó là thông điệp ông Putin muốn gửi đến Mỹ và phương Tây”.

Nga có lẽ muốn cảnh báo chính quyền Tổng thống Lukashenko chớ hành động quá vội vàng, chẳng hạn như giành lại quyền kiểm soát vùng Donbass do phe đối lập Ukraine nắm giữ.

Đối với phương Tây, chuyên gia Andrei Kortunov lưu ý, thông điệp của Nga là họ hãy chấm dứt “thâm nhập” Ukaine thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng của NATO, trong đó có việc cung cấp các loại vũ khí mới.

Tuần này, Cơ quan tình báo đối ngoại của Nga (SVR) đã viện dẫn cuộc chiến của Nga ở Gruzia năm 2008 trong một tuyên bố về Ukraine. Nga cho rằng cuộc chiến đã khiến Tổng thống Gruzia lúc đó là ông Mikheil Saakashvili phải trả giá đắt khi cố giành lại quyền kiểm soát khu vực lý khai Nam Ossetia.

“Kịch bản của Gruzia đã sẵn có trên bàn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Nga đang chuẩn bị áp dụng kịch bản này đối với Ukraine. Tôi nghĩ đây chỉ là một vấn đề cần xem xét chứ không phải là một quyết định”, nhà phân tích Tatiana Stanovaya nhấn mạnh.

Chuẩn bị cho tình huống xấu

Ukraine ban đầu hạ thấp đánh giá về các hoạt đông triển khai quân của Nga, nhưng khi nhận được các cảnh báo của Mỹ, nước này đã bày tỏ lo ngại rõ ràng hơn. Ông Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine cho biết, khoảng 90.000 binh sỹ Nga đã được triển khai tại khu vực gần biên giới nước và lưu ý Moscow có thể phát động một tấn công từ nhiều hướng. Trước đó ngày 26/11, Tổng thống Ukraine cho biết chính quyền của ông không có ý định tấn công Donbass.

“Nga chắc chắn muốn muốn gửi tín hiệu rằng nếu buộc phải chiến đấu, họ sẽ chiến đấu", ông Kortunov giải thích. "Nhưng tôi không thấy họ có thể đạt được gì với một cuộc tấn công quân sự trực tiếp nhằm vào Ukraine. Bất kể cuộc xung đột diễn ra như thế nào thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều so với lợi ích mà họ nhận được”.

Cùng chung quan điểm này, Mark Galeotti - một chuyên gia Mỹ về an ninh Nga nhận định: “Tôi cho đây là kế hoạch dự phòng”. Ông giải thích, Điện Kremlin đang “chuẩn bị cho tất cả các tình huống” và vẫn chưa có quyết định chắc chắn nào được đưa ra.

Chiến lược “giương đông kích tây” của Nga khiến Mỹ và Ukraine rối bời - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến tháng 6/2021. Ảnh: Reuters

Dùng xe tăng để đàm phán

Cũng có những dấu hiệu cho thấy, điều mà Nga thực sự muốn đạt được khi tăng cường điều động binh sỹ và khí tài tới biên giới với Ukraine là muốn có thêm các cuộc đối thoại với Mỹ, chẳng hạn một cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Putin với Tổng thống Biden.

Ngoại giao theo cách này ẩn chứa đầy rủi ro, nhưng với nhà lãnh đạo Nga thì dường như sẽ có rất nhiều lợi ích. Chuyên gia Kortunov lập luận: “Trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneva, Thụy Sỹ hồi tháng 6/2021, Tổng thống Putin và Tổng thống Biden không đưa ra bất cứ cam kết nào rõ ràng, nhưng có lẽ hai bên đã ngầm hiểu về mức độ hỗ trợ quân sự mà Mỹ sẵn sàng dành cho Ukraine".

Một số nguồn tin của Nga cho biết, những cuộc đàm phán như vậy có thể diễn ra trong vài tuần tới. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn chưa lên tiếng xác nhận thông tin này.

Chuyên gia Tatiana Stanovaya cảnh báo: "Khi ông Putin có một chút hy vọng rằng ông ấy có thể đạt được một thỏa thuận với ông Biden, ông ấy sẽ không thực hiện bất kỳ bước đi vội vã nào”. Bà tin tưởng, chừng nào nhà lãnh đạo Nga còn hy vọng này, thì chừng đó tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại