Chiến lược đại đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Đại tá Nguyễn Huy Toàn, Nhà nghiên cứu Tư tưởng - Văn hóa quân sự |

Sau 30 năm đi tìm con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về nước. Việc đầu tiên, người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, cùng với Tổng Bí thư Trường Chinh quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng. Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, trước hết, động viên lực lượng toàn dân tộc, lấy công nhân, nông dân làm nền tảng, tập trung mũi nhọn đánh vào kẻ thù chính là đế quốc xâm lược và phong kiến tay sai, để giành độc lập cho Tổ quốc, tạo tiền đề để tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Để tập hợp lực lượng toàn dân tộc, ngay sau Hội nghị Trung ương, ngày 19 tháng 5 năm 1941, theo đề nghị của Nguyễn Ái Quốc, Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) chính thức được thành lập và đề ra 10 chính sách hợp lòng dân, được mọi tầng lóp nhân dân hưởng ứng.

Tại Cao Bằng - căn cứ địa đầu tiên của cách mạng, chỉ một thời gian ngắn ba châu Hoà An, Nguyễn Bình và Hà Quảng đã trở thành châu hoàn toàn Việt Minh - một hình thức chính quyền đầu tiên của cách mạng, đã vô hiệu hoá chính quyền địch ở đây.

Cứ như vậy, phong trào Việt Minh nhanh chóng lan rộng ra cả nước tập họp được lực lượng toàn dân tộc hướng vào nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

Hồ Chí Minh từng viết: "Sử dạy cho ta bài học này:

Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do.

Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn".

Người nêu cao khẩu hiệu đoàn kết như một chân lý có ý nghĩa sống còn quyết định thành bại của cách mạng, nó là phương pháp tập hợp, tổ chức lực lượng và trở thành nội dung trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng.

Khẩu hiệu: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết.

Thành công, thành công, đại thành công", đã trở thành một trong những nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Người đã dày công xây dựng tinh thần đoàn kết toàn dân tộc một cách tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo trong các Mặt trận và đoàn thể quần chúng.

Mặt trận Việt Minh, sau đó là Mặt trận Liên Việt, đã hoàn thành sứ mệnh là một hình thức tổ chức để đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh phi thường giúp cho Đảng ta lãnh đạo, tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta phải lãnh đạo thực hiện hai chiến lược cách mạng. Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng Dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Tháng 1 năm 1959, Ban chấp hành Trung ương họp Hội nghị Trung ương lần thứ 15.

Nghị quyết 15 đáp ứng được nguyện vọng bức thiết của đồng bào miền Nam, đó là đường lối có tính nguyên tắc cho cách mạng miền Nam và đặt cơ sở để tiến tới đề ra nhiệm vụ chiến lược một cách chính xác và toàn diện.

Nghị quyết 15 đã động viên mạnh mẽ tinh thần cách mạng của toàn dân, tăng cường hơn nữa sự nhất trí trong Đảng về đường lối cách mạng miền Nam, tạo nên một chuyển biến căn bản và nhảy vọt của phong trào cách mạng miền Nam trong những năm 1959-1960 mà đỉnh cao là phong trào "Đồng Khởi".

Khác với thời kỳ Mặt trận Việt Minh, "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam" (Mặt trận DTGPMNVN) ra đời trong bối cảnh nhân dân miền Nam đã trưởng thành về bản lĩnh chính trị sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, không cam chịu sự đàn áp tàn bạo của kẻ thù, đã nổi dậy tiến hành khởi nghĩa từng phần ở khắp nơi. 

Từ Bác Ái tỉnh Ninh Thuận (2/1959) đến Trà Bồng (8/1959) một số nơi ở Tây Nguyên và Nam Bộ (10/1959), và đặc biệt là cuộc "đồng khởi" của nhân dân Bến Tre (1/1960).

Ở đây, quần chúng khởi nghĩa đã sáng tạo ra những hình thức đấu tranh hết sức phong phú theo tinh thần: chính trị là chủ yếu, vũ trang là đòn xeo và giữ thế hợp pháp của quần chúng.

Trước phong trào sục sôi của quần chúng như vậy, lúc đó Đảng chưa công khai, ta chưa có chính quyền, các lực lượng vũ trang mới hình thành, thì Mặt trận là hình thức thích hợp nhất để tập hợp lực lượng đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân.

Mặt trận DTGPMNVN được thành lập ngày 20/12/1960. Mặt trận chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, đảng phái, tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ dân chủ, thân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị nhằm đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai Ngô đình Diệm.

Chương trình 10 điểm của Mặt trận giải quyết một cách đúng đắn những vấn đề cơ bản của cách mạng miền Nam Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề dân tộc độc lập, dân chủ và chính sách hoà bình trung lập.

Chính vì vậy Mặt trận DTGPMNVN đã có sức hút mạnh mẽ mọi tầng lóp nhân dân cả trong vùng giải phóng và các đô thị lớn, không chỉ có uy tín trong nước mà còn có vị thế trên trường quốc tế. Trong Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương, họp tháng 3/1965, Mặt trận DTGPMNVN là đại biểu chính thức của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Tháng 6/1967, Mặt trận DTGPMNVN thiết lập cơ quan đại diện tại Phnôm- Pênh; Ngày 30/6, Chính phủ Cu-ba cử đại sứ đặc mệnh toàn quyền, bên cạnh uỷ ban Trung ương Mặt trận DTGPMNVN.

Đến cuối năm 1967, đã có 41 chính phủ, 12 tổ chức quốc tế, năm tổ chức có tính chất khu vực lên tiếng ủng hộ cương lĩnh của Mặt trận.

Mặt trận cũng đã cử phái đoàn đại diện ở Hà Nội, các cơ quan thường trú ở các nước Trung Quốc, Liên Xô, Cu Ba, Hunggari, Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Ba Lan, Tiệp Khắc, Campuchia, Cộng hoà Ả-rập thống nhất (Ai Cập), Angiêri, Indonesia.

Ngày 10 tháng 12 năm 1968, Mặt trận DTGPMNVN đã cử đoàn đại biểu tham dự Hội nghị bốn bên ở Pa-ri do đồng chí Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn.

Buộc phải thừa nhận Mặt trận DTGPMNVN dự hội nghị về Việt Nam, đế quốc Mỹ đã phải chấp nhận thất bại bước đầu của chủ trương "thương lượng trên thế mạnh", buộc phải công nhận sức mạnh của phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam, mà Mặt trận là người đại diện.

Đó là thắng lợi của nhân dân cả nước ta, nó khẳng định vị thế của Mặt trận trên trường quốc tế.

Từ ngày 6/6 đến 8/6 năm 1969, Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam quyết định thành lập chế độ Cộng hoà miền Nam Việt Nam, bầu ra Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam do đồng chí Huỳnh Tấn Phát (Phó Chủ tịch uỷ ban Trung ương Mặt trận DTGPMNVN) làm chủ tịch.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (Chủ tịch uỷ ban Trung ương Mặt trận DTGPNMVN) làm chủ tịch hội đồng cố vấn bên cạnh Chính phủ.

Tháng 8 năm 1972, Hội nghị ngoại trưởng các nước không liên kết họp ở Gioóc-giơ-tao, bao gồm 54 nước (vào thời điểm đó là gần một nửa tổng số nước trên thế giới, gồm hơn 1.000 triệu người) đã công nhận địa vị hợp pháp của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Đây là một thắng lợi chính trị của nhân dân Việt Nam.

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pa-ri về Việt Nam được ký chính thức giữa bốn bên tham gia hội nghị. Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đến ký văn bản Hiệp định.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc, tại Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất toàn quốc (tháng 2/1977), đã quyết định thống nhất các tổ chức mặt trận đó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.

70 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã thực hiện xuất sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong một tổ chức mặt trận dân tộc thống nhất, dưới nhiều tên gọi khác nhau, qua từng thời kỳ lịch sử đó là: Mặt trận Dân chủ, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt; trong Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp: Mặt trận Tổ quốc và Mặt trận DTGPMNVN trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày nay, kế thừa truyền thống và kinh nghiệm của các tổ chức mặt trận trước đây, Mặt trận tổ quốc Việt Nam đang là nơi tập hợp sức mạnh của cả dân tộc, quy tụ sức mạnh thời đại - để nhân dân ta - dưói sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại