Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, trong đó rác thải ra biển chiếm số lượng 0,28 triệu – 0,73 triệu tấn. Do đặc thù đường bờ biển dài, vấn đề ô nhiễm nhựa do rò rỉ từ các hoạt động trên đất liền ra biển và đại dương tại Việt Nam hiện nay đặc biệt nghiêm trọng.
Lộ trình để đạt phát thải ròng bằng 0
Trên toàn cầu, Nestlé đã có những cam kết, hành động mạnh mẽ nhằm chung tay bảo vệ hành tinh xanh, với lộ trình cắt giảm phát thải tiến tới phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào 2050, trong đó bao gồm các cam kết về Bao bì bền vững.
"Đến năm 2025, 100% bao bì của Nestlé sẽ có thể tái chế hoặc tái sử dụng". Đây là cam kết đi cùng với tầm nhìn "Không bao bì nào của Nestlé, kể cả bao bì nhựa, bị chôn lấp hoặc trở thành rác thải" nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và định hình một tương lai không rác thải.
Là một tập đoàn hàng đầu thế giới gắn kết và thấu hiểu địa phương, trong suốt thời gian qua tại Việt Nam, Nestlé đã triển khai nhiều sáng kiến về bao bì bền vững, bao gồm 3 trọng tâm chính:
- Phát triển bao bì của tương lai thông qua việc: giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng - Phát triển bao bì tiên phong.
- Xây dựng tương lai không rác thải thông qua việc tăng cường thu gom và tái chế.
- Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thông qua việc tuyên truyền, giáo dục quản lý chất thải nhựa, chất thải rắn.
Cụ thể hóa hành động của mình, đầu tháng 12/2021, tại Lễ Công bố thỏa thuận hợp tác với Tổng Cục Môi trường – Bộ TN&MT, Nestlé tại Việt Nam đã chính thức đưa ra Cam kết Trung hòa nhựa đến năm 2025.
Theo ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, ngay cả khi đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều thách thức hơn, cam kết của Nestlé về việc thúc đẩy bao bì bền vững vẫn không thay đổi. Trên phạm vi toàn cầu và địa phương, Nestlé tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong việc hợp tác với các bên liên quan khác nhau nhằm giải quyết vấn đề thách thức chất thải nhựa và tạo ra những tác động tích cực đến môi trường.
Trung hòa nhựa – khởi đầu tất yếu
Trung hòa nhựa là phương án hành động trong ngắn hạn để Nestlé ngăn chặn việc rác thải nhựa bị thải ra đại dương hoặc bị chôn lấp ra môi trường. Về lâu dài, doanh nghiệp ủng hộ và đóng góp phát triển cơ sở hạ tầng cho một hệ thống khép kín có thể xử lý, tái chế và đưa rác thải nhựa trở thành đầu vào cho một chu kỳ sản phẩm mới, hướng đến kinh tế tuần hoàn.
"Cam kết Trung hòa nhựa đến năm 2025 của Nestlé tại Việt Nam nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới một tương lai không có rác thải. Đây cũng là một khởi đầu quan trọng của chặng đường hiện thực hóa tầm nhìn về phát triển bao bì bền vững của Nestlé. Chúng tôi đã bắt đầu một số sáng kiến trong năm 2021 và sẽ phát triển cũng như nhân rộng các dự án này trong các năm tới", ông Binu Jacob cho biết.
Để đạt được mục tiêu Trung hòa nhựa đến năm 2025, các thành viên của tập đoàn Nestlé tại Việt Nam, bao gồm công ty La Vie Việt Nam, đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác và tổ chức tập trung thực hiện các sáng kiến và dự án sau:
- Giảm nhựa nguyên sinh thông qua đổi mới và cải tiến bao bì.
- Thực hiện mô hình tuần hoàn đối với chai nước Lavie 19 lít.
- Tạo cơ chế khuyến khích nhà sản xuất trong nước thu gom và tái chế nhựa rPET đủ tiêu chuẩn dùng cho ngành thực phẩm.
- Hợp tác với đối tác thu gom vỏ hộp sữa đã sử dụng để tái chế.
- Tăng cường thu gom bao bì nhựa và vỏ hôp đã sử dụng để tái chế thông qua Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Vietnam).
- Hỗ trợ máy phân loại rác thải nhựa cho đối tác để cải thiện việc thu gom và phân loại nhựa có giá trị thấp, khó tái chế và chất thải nhựa không thể tái chế.
- Thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thiện và tham gia vào cơ chế Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Phía công ty đã bắt đầu triển khai những dự án đầu tiên này từ 2021 và sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trong thời gian tới. Theo ông Binu Jacob, Nestlé tin rằng với sự chung tay, đồng hành và hợp tác của các cơ quan, đơn vị, chúng ta sẽ cùng nhau hành động vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp!