"Con cưng" tại Trung Quốc trở thành "con ghẻ" tại Mỹ
Chiến Lang 2 đang trở thành bộ phim có doanh thu lớn nhất nhất mọi thời đại tại Trung Quốc khi đang dẫn đầu doanh thu mọi phòng vé. Chiến lang 2 đã chính thức trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại của Trung Quốc vào cuối ngày thứ hai tuần qua (7/8) sau 12 ngày ra rạp.
Tính đến ngày 13/8, phim đã đạt được 4.4 tỷ NDT (15 nghìn tỷ VNĐ).
Hiện tại, Chiến Lang 2 đang có cơ hội xếp trong danh sách những bộ phim có doanh thu cao nhất thế giới nếu chạm mốc doanh thu 5 tỷ NDT (17 nghìn tỷ VNĐ).
"Chiến Lang 2" lập kỷ lục doanh thu phòng vé mọi thời đại, vượt mặt Mỹ Nhân Ngư của Châu Tinh Trì.
Đây là một thành tích không chỉ khiến thị trường điện ảnh Trung Quốc nức lòng, mà còn khiến cả giới phân tích, quan sát doanh thu điện ảnh thế giới phải kinh ngạc.
Phân tích thành công của Chiến Lang 2 tại thị trường Trung Quốc, ông Yu Yusan - giám đốc phụ trách phân phối phim của hãng phim Dadi Film Group (Trung Quốc) đã có bài phỏng vấn khá dài về vấn đề này.
Ông cho biết, nguyên nhân khiến bộ phim đạt được thành tựu như vậy là do đây là phim hành động đầu tiên do Trung Quốc sản xuất lại khắc họa một nhân vật anh hùng màn bạc theo phong cách của phim hành động Hollywood.
Phim sử dụng rất nhiều lời thoại ngắn nhưng giá trị nhằm khơi gợi chủ nghĩa anh hùng của người Trung Quốc. Đặc biệt, nó xây dựng hình ảnh nhân vật Lãnh Phùng, đánh trúng tâm lý người xem.Theo ông, "Chiến lang 2 vừa được ưu ái bởi là phim bản địa, vừa có nét mới lạ, hấp dẫn đối với người xem quê nhà".
Ấy vậy nhưng, tại thị trường Bắc Mỹ, nơi được xem là kinh đô điện ảnh lớn nhất thế giới, Chiến Lang 2 lại có thành tích không mấy khả quan. Trái ngược lại với sự bùng nổ tại quê nhà, ở các rạp nước ngoài, Chiến Lang 2 ra mắt vô cùng lặng lẽ.
Theo đánh giá của các rạp chiếu phim tại Bắc Mỹ thì khán giả của Chiến Lang 2 chủ yếu là những người Hoa sinh sống bên nước ngoài.
Lời bình luận cay đắng của Simon Abrams dành cho Chiến Lang 2.
Theo thống kê tại nhiều cụm rạp ở Bắc Mỹ, đa phần các rạp ở đây chỉ có 2 suất chiếu Chiến Lang 2/ngày. Tính tới thời điểm hiện tại, doanh thu của Chiến Lang 2 tại Bắc Mỹ chỉ đạt 1,5 triệu USD, một con số vô cùng khiêm tốn. Và tất nhiên, với doanh thu này, Chiến Lang 2 không thể nào lọt vào bảng xếp hạng doanh thu tại phòng vé Bắc Mỹ.
Có một sự thật nhận ra khá dễ dàng đó là người xem điện ảnh phương Tây hoàn toàn thờ ơ với bộ phim đang "làm mưa làm gió" tại thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới.
Không chỉ có doanh thu ảm đạm, phản ứng của các nhà phê bình thế giới dành cho Chiến Lang 2 cũng khá trái chiều. Nhiều nhà phê bình cho rằng, Chiến Lang 2 chỉ nên chiếu ở Trung Quốc bởi nó ca ngợi chủ nghĩa dân tộc quá nhiều khiến quốc tế xem bị mệt mỏi.
Theo thông tin được đăng tải trên rất nhiều trang báo lớn như Hollywood Reporter, Latimes... thì phản ứng của nhiều nhà bình luận khá tiêu cực.
Nhiều nhà phê bình Mỹ cho rằng Chiến Lang 2 có chất lượng kỹ thuật tốt với những cảnh hành động ấn tượng. Tuy nhiên, điểm không ổn của Chiến Lang 2 khi "công phá" thị trường quốc tế chính là việc phô trương lộ liễu tinh thần Đại Hán. Bộ phim cũng được so sánh nhiều với loạt phim hành động hạng B Rambo của Sylvester Stallone thời thập niên 1980
Simon Abrams, cây bút phê bình của trang RogerEbert.com khá gay gắt khi nhận xét về Chiến Lang 2: "Chiến Lang 2 là một bộ phim vừa phi logic, vừa thiếu kịch tính. Các nhà sản xuất phim muốn người xem chỉ hiểu lời thoại và hành động trong phim theo nghĩa bề mặt, không có ẩn ý sâu xa gì cả".
Cây bút này còn không ngần ngại chấm điểm Chiến lang 2 với số điểm ¼ sao.
"Chiến Lang 2 có khá hơn phiên bản lần trước, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức phim hạng B", Noel Murray.
Không những thế, Simon Abrams còn cho rằng: "Chiến lang 2 dành cho những ai mong muốn phim hành động hiện đại phải trở thành bản copy tệ hại của loạt phim Rambo. Và nó chỉ thiếu sự quyến rũ của Stallone và một chút đạn khói từ Michael Bay".
Noel Murray, nhà phê bình của Latimes có phần nhẹ nhàng hơn nhưng không quên khẳng định Chiến Lang 2 chỉ là phim hạng B: "Phần credit cuối phim có nhắc đến Chiến binh Sói phần III, cùng với đó là các trích đoạn hài hước và cảnh quay lỗi đúng thương hiệu Jackie Chan. Chiến Lang 2 có khá hơn phiên bản lần trước, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức phim hạng B".
Trên các diễn đàn phim ảnh uy tín, khán giả Mỹ hài hước chia sẻ quan điểm của mình: "Nhiều người Trung Quốc tấm tắc khen cảnh chiến đấu và pha mạo hiểm trong Chiến Lang chẳng khác gì chất lượng Hollywood, như cảnh những chiếc xe tăng xoay vòng quanh giống những chiếc xe đua trong phim Fast and Furious. Phải chăng họ đang xem quá ít phim Hollywood?"
"Chẳng qua Mỹ không muốn người phương Đông đóng vai anh hùng"
Ngô Kinh từng ở chương trình "Voice" của CCTV hùng hồn tuyên bố: "Nước ngoài có Tom Cruise, Sylvester Stallone, Arnold Schwarzenegger. Trung Quốc chúng ta trên màn ảnh cũng có những người chuẩn đàn ông như thế, tôi muốn quay một bộ phim chuẩn men".
Ở cuối phim, đạo diễn Ngô Kinh đã truyền tới khán giả thông điệp ngắn: "Các công dân của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, khi gặp nguy hiểm ở vùng đất xa lạ, đừng từ bỏ. Hãy nhớ rằng phía sau bạn là đất mẹ kiên cường".
Đây chính là yếu tố đắt giá giúp Chiến Lang 2 trở thành bộ phim thu phục trái tim hàng triệu người Trung Quốc.
Chuyện Chiến Lang 2 có doanh thu ảm đạm tại thị trường quốc tế là điều dễ dự đoán. Tuy nhiên, những lời chê bai gay gắt của các nhà phê bình Mỹ khiến khán giả Trung Quốc bị tự ái. Họ cho rằng người Mỹ không chịu chấp nhận anh hùng là người Trung Quốc.
Chủ đề này cũng nhanh chóng được bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội Trung Quốc. Các bài viết đều phân tích rằng, sở dĩ Chiến Lang 2 không được lòng khán giả Mỹ bởi từ lâu họ đã quen với hình ảnh những anh hùng cơ bắp đậm chất Mỹ trên màn ảnh thay vì một người hùng từ phương Đông như Lãnh Phùng.
Trong một chủ đề được Ruoyu Liu, một nhà nghiên cứu phim ảnh đăng tải trên Quora đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Chủ đề chỉ có tên đơn giản là "Tại sao phim Trung Quốc Chiến Lang 2 lại nhận được sự đánh giá thấy từ các nhà phê bình Mỹ". Người này cũng trích dẫn những lời nhận xét của nhà phê bình Simon Abrams để phản bác.
Ruoyu Liu cho biết, người Trung Quốc thường hay nói với nhau một câu đại ý rằng: "nơi mà bạn ngồi xác định quan điểm của bạn". Vì thế, theo Rouyn Liu, việc để khán giả Mỹ hiểu được thông điệp mà Chiến Lang 2 mang đến hoàn toàn xa vời bởi họ không thể cảm nhận được chất Trung Quốc. Ruoyu Liu chia sẻ: "Chiến Lang 2 được thiết kế riêng cho khán giả Trung Quốc - sự hiện diện ở nước ngoài của nó sẽ là món tráng miệng chứ không phải là món chính".
Một bình luận nhận được khá nhiều lượ "vote up" của mọi người đó chính là quan điểm cho rằng với quan niệm của khán giả phương Tây, phim hành động Châu Á có những khuôn mẫu nhất định. Và Chiến Lang 2 đã vượt ra ngoài khuôn mẫu đó, và họ tức giận vì Trung Quốc đang thay thế vai trò của họ làm anh hùng của Hollywood.
Một bài viết khác thì tỏ ra khá lạc quan về chuyện Chiến Lang 2 không được nhiều khán giả Mỹ đón nhận. Người này cho rằng: "Tôi không ngạc nhiên về nó cả. Phim Trung Quốc luôn được đón nhận khá "nghèo nàn" tại Bắc Mỹ và các diễn viên cũng vậy".
Theo cư dân mạng, lâu nay, người Mỹ biết đến những bộ phim Trung Quốc chủ yếu qua những cái tên như Lý An, Ngọa hổ tàng long, Thành Long, Lý Liên Kiệt...
Ngọa hổ tàng long không phải là tất cả ở điện ảnh Trung Quốc.
Và từ sau Ngọa hổ tàng long, người Mỹ đã xây dựng một định kiến về phim Trung Quốc. Người Phương Tây thành kiến với phim võ thuật của Trung Quốc. Họ chỉ thích những bộ phim mang bối cảnh cổ trang, thời đàn ông để tóc đuôi sam và xã hội bị đàn áp bởi phong kiến.
Trong bài viết của mình, một nhà phê bình nổi tiếng tại Trung Quốc đã có những phản bác khá bực bội: "Nếu Ngọa hổ tàng long không lấy bối cảnh thời nhà Thanh, khi các nhân vật còn thắt tóc đuôi sam đánh nhau trên không thì liệu người Phương Tây có ngó ngàng tới?".