Kênh CNN (Mỹ) đánh giá quyết định này của Trung Quốc có thể được coi là nỗ lực nhằm giảm căng thẳng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) tại Argentina, nơi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến gặp gỡ bên lề.
Theo đó, ngày 21/11, tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville và hai khu trục hạm USS Benfold, USS Curtis Wilbur đã cập cảng Hong Kong (Trung Quốc).
Cách đây 2 tháng, căng thẳng giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc đã nảy sinh sau khi chiến hạm hai nước tiếp cận sát nhau ở khoảng cách hơn 40 m. Phía Mỹ đã gọi động thái của chiến hạm Trung Quốc là không an toàn.
Trong một diễn biến khác, Đô đốc Phil Davidson, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ trong phát biểu ngày 17/11 đã chỉ trích động thái quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông vi phạm quyền của nhiều quốc gia khác hoạt động dựa trên luật quốc tế.
Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea ngày 17/11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence còn lên tiếng chỉ trích trực tiếp Trung Quốc.
Trước những diễn biến đầy căng thẳng như vậy thời gian qua, sự kiện ngày 21/11 được coi là cử chỉ thân thiện trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20.
Ngày 1/11, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã điện đàm, thống nhất cùng gặp gỡ tại Argentina. Giới quan sát nhìn nhận việc thời điểm này nhóm tàu chiến Mỹ cập cảng Hong Kong, hoạt động vốn mang nhiều ý nghĩa biểu tượng, được coi là tín hiệu hạ nhiệt căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Nhóm tàu tác chiến sân bay Mỹ tới Hong Kong (Trung Quốc) sau một tuần luyện tập tới tàu sân bay USS John C. Stennis tại Biển Philippines.
Link tin gốc tại đây