Ảnh minh họa. Nguồn: AP
Kiếm soát chặt chẽ các "gã khổng lồ công nghệ"
Hãng AP dẫn tin, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch chống độc quyền và bảo mật dữ liệu từ cuối năm 2020 – động thái gây bất ngờ cho ngành công nghệ nước này sau hai thập kỷ nới lỏng. Các doanh nhân, luật sư và nhà kinh tế đều cho rằng chính quyền Trung Quốc đang đi đúng hướng ngay cả khi tăng trưởng kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi quy định này.
"Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc được xem là những công ty hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực đổi mới, tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn sẵn sàng áp dụng các biện pháp nghiêm khắc nhất", ông Mark Williams – chuyên gia kinh tế hàng đầu châu Au tại Capital Economics nói.
Vào tháng Tư năm nay, Alibaba - tập đoàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ bán hàng đã bị phạt 18,3 tỷ nhân dân tệ (tương đường 2,8 tỷ đô la) bởi cáo buộc "đại gia công nghệ" này đã có nhiều động thái lạm dụng quyền thống trị thị trường từ năm 2015. Trong khi đó, công ty cổ phần đầu tư Trung Quốc - Tencent, trang phát trực tuyến Kuaishou, nền tảng tiểu blog Sina Weibo và trang truyền thông xã hội Xiaohongshu cũng bị phạt vì phát tán các nhãn dán hoặc video ngắn không phù hợp cho trẻ em. Dịch vụ âm nhạc của Tencent đã được lệnh chấm dứt hợp đồng độc quyền với các nhà cung cấp.
Ông Lester Ross – người đứng đầu văn phòng công ty luật WlimerHale cho rằng, chiến dịch cho thấy Trung Quốc kỳ vọng các công ty tư nhân tuân thủ với quy định mà chính phủ đặt ra.
Ngành công nghệ Trung Quốc đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và điều đó không thể không nhắc đến sự thành công của hai tỷ phú là nhà sáng lập Alibaba Group – Jack Ma hay Pony Ma của Tencent Holdings. Trong khi Alibaba là công ty thương mại điện tử lớn nhất thì Tencent lại phổ biến với dịch vụ nhắn tin Wechat.
Trong kế hoạch mới, Trung Quốc đặt ra yêu cầu các "gã khổng lồ công nghệ" phải tập trung phát triển robot, chips và các phần cứng khác, vì vậy, nhiều công ty công nghệ lớn, trong đó có Alibaba và Tencent đều phải tham gia vào quy trình này. Chiến dịch phần nào phản ánh sự độc lập, giảm phụ thuộc của Trung Quốc đối với thị trường công nghệ của thế giới như Mỹ hay châu Âu. Và Mỹ cũng đã hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc vào công nghệ viễn thông và công nghệ khác.
Động thái từ phía công ty công nghệ
Sau khi phát động chiến dịch, Alibaba lên tiếng đầu tư 28 tỷ đô la vào phát triển phần mềm hệ điều hành, chip xử lý và công nghệ mạng. Công ty này cũng cam kết hỗ trợ 1 tỷ đôla vào chương trình đào tạo 100.000 nhà phát triển và công ty khởi nghiệp công nghệ trong 3 năm tới.
Trong khi đó, Tencent bày tỏ sẵn sàng đầu tư 70 tỷ đôla vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong năm ngoái. Còn Meituan – một nền tảng thương mại điện tử, giao hàng và dịch vụ đã hỗ trợ 10 tỷ đôla vào chương trình phát triển phương tiện tự lái và robot. Đối với các nhà đầu tư, nhiều người đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi giá cổ phiếu giảm mạnh sau động thái này. Giá trị vốn hóa thị trường của Tencent giảm từ 575 tỷ đô la xuống còn 350 tỷ đô la. Giám đốc điều hành của Tập đoàn Softbank Group, nhà đầu tư ban đầu cho Alibaba - Masayoshi Son khẳng định sẽ thực hiện giao dịch mới tại Trung Quốc. Softbank đã đầu tư 11 tỷ đô la vào dịch vụ gọi xe Didi Global.
Mặt khác, các doanh nghiệp giao hàng và gọi xe được yêu cầu phải giảm phí với tài xế, cải thiện lợi ích và bảo mật của họ. Giám đốc điều hành Meituan – Wang Xing hứa sẽ hỗ trợ 2,3 tỷ đô la cho các sáng kiến môi trường và xã hội. Và Tencent cam kết hỗ trợ 2 tỷ đô la cho hoạt động từ thiện. Aliaba đã chi 100 tỷ nhân dân tệ (15,5 tỷ đô la) vào hỗ trợ việc làm, phát triển nông thôn và các sáng kiến khác trong chiến dịch "Thịnh vượng chung" do Chủ tịch Tập Cận Bình đã đề xuất.
Theo AP, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch kiểm soát công nghệ vào tháng 11 khi Bắc Kinh yêu cầu Ant Group – công ty phát triển từ dịch vụ thanh toán Alipay của Alibaba hoãn ra mắt thị trường chứng khoán ở Hong Kong và Thượng Hải. Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tiết kiệm và đầu tư trực tuyến, đã được yêu cầu phải thu hẹp quy mô kế hoạch và thiết lập các hệ thống ngân hàng để kiểm tra người vay và quản lý rủi ro.
Chính phủ Trung Quốc cũng thực hiện chiến dịch thắt chặt kiểm soát dữ liệu do các công ty tư nhân thu thập, chủ yếu là hai gã khổng lồ Alibaba và Tencent. Vào ngày 20/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã bỏ phiếu thông qua một đạo luật mới về bảo mật thông tin cá nhân của người dùng Internet, có hiệu lực từ ngày 1/11 tới. Trung Quốc đã yêu cầu các tập đoàn công nghệ đảm bảo tăng cường việc lưu trữ an toàn dữ liệu của người dùng, trong đó có thiết lập các tiêu chuẩn bảo mật, cấm các công ty tiết lộ thông tin mà không có sự cho phép của khách hàng và yêu cầu hạn chế số lượng thu thập.
"Trung Quốc hiện trở thành một trong những quốc gia tích cực và mạnh mẽ nhất trong nỗ lực điều chỉnh nền kinh tế kỹ thuật số", bà Angela Zhang – chuyên gia chống độc quyền tại trường luật Đại học Hong Kong nhận định./.