Ý tưởng “chiến dịch hồ ly tinh”
Trong làn sóng của Nhật Bản tấn công vào Trân Châu Cảng, ông William “Wild Bill” Donovan, thủ lĩnh của Cục tình báo chiến lược (OSS, cơ quan tình báo thời chiến của Mỹ) đã nói với các nhà khoa học của mình rằng phải tìm ra cách thức nào đó để giành thế thượng phong trước các kẻ thù Trục phát xít. Phản hồi lại, các nhà khoa học đã tạo ra rất nhiều mưu chước bẩn thỉu bao gồm cả bánh kẹp chứa chất nổ, bom cháy được buộc vào những con dơi sống, “thuốc sự thật” để moi thông tin từ tù chiến tranh, và cả loại thuốc xịt có mùi thối nhằm mô tả mùi phân...
Trong số các ý tưởng lạ đời đó thì Chiến dịch Hồ Yêu (Hồ Ly Tinh) là kỳ dị nhất và tuyệt vọng nhất. Nó là ý tưởng độc đáo của chiến lược gia về chiến tranh tâm lý của OSS, ông Ed Salinger, một doanh nhân lập dị, người từng làm chủ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Tokyo trước chiến tranh.
Chiến lược gia chiến tranh tâm lý của OSS, ông Ed Salinger, tác giả của ý tưởng kỳ lạ về “Chiến dịch Hồ Ly Tinh”. Ảnh nguồn: Los Angeles Times
Nhờ các giao dịch thương mại mà doanh nhân Salinger có được sự hiểu biết sơ lược về văn hóa Nhật Bản: học tiếng Nhật, sưu tầm nghệ thuật, và nghiên cứu về thế giới huyền bí học, đó cũng là lý do chính để OSS thuê ông. Chiến dịch Hồ Ly Tinh do Salinger đề xuất vào năm 1943 với sự tin chắc rằng nó sẽ tiêu diệt tinh thần binh lính và thường dân Nhật bằng cách dọa họ bằng một biểu tượng linh thiêng của Thần Đạo: kitsune (thần cáo / hồ ly tinh). Trong một bản ghi nhớ phác thảo về ý tưởng của mình gửi cho OSS, Salinger đã viết: “Nền tảng khiến tôi đề xuất ý tưởng này là bởi dân Nhật hiện đại thường rất hay bị mê hoặc chuyện hoang đường, tin vào ma quỷ, yêu quái. Do đó họ rất dễ bị thu hút và kích thích”.
Ông Vince Houghton, sử gia kiêm quản lý Bảo tàng Gián điệp quốc tế (ISM, Washington D.C, Mỹ) tác giả của cuốn sách Nuking the Moonđã viết rằng: “Chiến dịch Hồ Yêu” đã thể hiện bề rộng của sự phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa vị chủng và tâm lý coi thường văn hóa Nhật Bản của nhiều người, nếu không muốn nói là của nhiều thành phần tướng lĩnh chóp bu của quân đội, tình báo và giới lãnh đạo chính trị Mỹ”.
Vì không mấy quen thuộc với các tôn giáo Đông Á thế nên OSS cho rằng người Nhật mê tín nặng hơn người Âu Châu. Trong thực tế, văn hóa Yokai của người Nhật khi cho rằng các loài động vật có tính siêu nhiên, huyền bí đã đi vào chuyện thần thoại dân gian và các dạng văn hóa khác. Học giả Michael Dylan Fostertừng viết: “Nghĩ về căn nguyên của Yokai, thực sự là một đề tài triết học: nó giúp hiểu về cách loài người đã cố gắng nắm bắt, giải thích và kiểm soát thế giới quanh họ”.
Kỳ công lên kế hoạch
Nghĩ đến cách thức tạo rakitsune giả, OSS đã nảy sinh độc kế. Trước hết, nhân viên OSS sẽ tạo ra những con cáo bằng bong bóng rồi thả bay trên khắp các làng mạc khắp đất Nhật nhằm hù dọa người dân bên dưới. OSS cũng nhờ một công ty chế ra những cái còi giả tiếng kêu của loài cáo khi bong bóng bay.
Trong một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên lập kế hoạch của OSS, Ed Salinger ra chỉ thị: “Những cái còi có thể dùng trong chiến đấu, và dùng một lượng lớn còi có thể phát ra thứ âm thanh rợn tóc gáy khiến cho người Nhật tin hồ yêu đang “hiển linh”. Ngoài bong bóng và còi, OSS còn thuê một công ty khác nhằm tạo ra mùi cáo nhân tạo. Salinger cho rằng có lẽ một số ít người Nhật đã biết hoặc quen với mùi cáo, và nếu như họ ngửi thấy mùi này thì lập tức sẽ trốn trong nhà, sợ hãi. Nhưng dù Salinger lên kế hoạch tinh vi, thì những quả bóng, còi và mùi cáo vẫn bị loại bỏ do bị cấp trên cho là chúng không thực tế.
William "Wild Bill" Donovan, thủ lĩnh của OSS. Ảnh nguồn: Underwood And Underwood / The LIFE Images Collection via Getty Images
Thay vào đó OSS vẫn giữ kế hoạch ban đầu của Salinger bằng cách lùng bắt cáo sống ở Trung Quốc và Australia, sau đó phun sơn phát sáng lên mình chúng rồi thả xuống các ngôi làng Nhật. Đề cập đến sơn cũng có nhiều lời bàn tính. Dùng loại sơn nào thì phù hợp và hiệu quả? Tập đoàn Radium Mỹ (1914-1970) đã mang đến một câu trả lời về một dạng sơn có tác dụng phát sáng trong bóng tối và thành phần của nó có chứa Radium.
Không thấy đả động vấn đề sức khỏe liên quan đến sơn. Hồi đầu năm 1917, những công nhân nữ làm mặt đồng hồ có sơn phản quang đã mắc bệnh thiếu máu, gãy xương, hoại tử xương hàm vốn là hậu quả do họ dùng môi mình để cố định các đầu cọ vào một điểm chính xác trên mặt đồng hồ. Bất chấp nguy hiểm, OSS vẫn quyết chí tiến hành Chiến dịch Hồ Ly Tinh.
Bước tiếp theo là dùng sơn phóng xạ để phun vào lông cáo. Nhằm thử xem sơn có đủ độ bám dính và phát sáng hay không, OSS đã nhờ đến ông Harry Nimphius, một bác sĩ thú y tại Sở thú Trung Viên (New York). Ông Nimphius đã dùng một con gấu trúc Mỹ để phun sơn thử nghiệm và tăng khẩu phần ăn hàng ngày cho nó. Con gấu bị nhốt ở nơi biệt lập tránh ánh mắt của quan khách tham quan sở thú.
Sau vài ngày, lớp sơn vẫn dính trên lông gấu. Để thẩm tra xem loài cáo có thực sự khiến dân Nhật sợ hay không, OSS đã quyết định thả 30 con cáo phát sáng xuống khu vực Rock Creek ở Washington D.C nhằm theo dõi phản ứng của dân tình sở tại. Nếu lũ cáo thực sự có thể khiến người Mỹ hoảng vía thì lô gic là hợp lý, chắc chắn chúng cũng sẽ làm dân Nhật phát khiếp.
Vào một đêm hè năm 1945, nhân viên OSS đã thả lũ cáo trong công viên, chúng men theo các lối mòn với không khí đầy hứa hẹn. Những cái bóng trắng thoắt ẩn thoắt hiện trên đường khiến dân Mỹ sợ hãi la hét. Một người dân chứng kiến sự việc đã run lẩy bẩy gọi ngay cho Cảnh sát vườn quốc gia: “Chúng tôi sợ lắm, có cái gì đó thình lình vọt ra, chúng nhảy ra từ các góc tối, xe cộ kẹt cứng, ai nấy chết khiếp”.
Thử nghiệm thành công, nhưng vẫn còn không ít nỗi trăn trở. Làm thế nào đưa lũ cáo đến Nhật Bản? Lúc đầu OSS lên kế hoạch thả chúng xuống đại dương và để các con vật bơi vào bờ, nhưng không rõ liệu có bao nhiêu con sống sót để kế hoạch diễn ra suôn sẻ? Những con vật này có thể bơi đường dài không?
Bác sĩ thú y Nimphius chắc chắn lũ cáo có thể bơi tốt, nhưng nhóm của Salinger quyết định làm thí nghiệm để kiểm tra xem đúng hay sai. Trong màn sương mù dày đặc một buổi sớm mai, các sĩ quan OSS đã đưa một cái lồng cáo lên thuyền và thẳng tiến vịnh Chesapeake.
Các con cáo được nhốt trong những cái chuồng nhỏ, vì khi tắt động cơ thuyền, lũ động vật trở nên cuống cuồng. Các sĩ quan tha? từng con một ném xuống làn nước biển lạnh giá, lúc đầu chúng chìm và sau đó bơi đi. Lũ cáo sống sót trước sự reo hò vui mừng của các sĩ quan OSS. Tuy nhiên, vào thời điểm lũ cáo lên bờ, phần lớn sơn trên lông chúng đã trôi sạch, cũng trong vòng vài phút lên bờ biển, các con vật đã liếm sạch phần sơn còn sót lại. Rốt cuộc, khái niệm “cáo thủy sinh” đã bị phá sản.
Nếu chiến dịch Hồ Ly Tinh được tiến hành thì lũ cáo phải được thả lên bờ biển Nhật. Nhưng thách thức lớn nhất mà Ed Salinger dự đoán là muốn thành công lũ cáo phải đi thành bầy. Theo kiến thức mà Salinger biết: chưa từng ai huấn luyện loài cáo cả. Cái gì sẽ giúp lũ cáo ở gần con người và ngăn chúng chạy tán loạn khi xảy ra giao tranh vang tiếng súng? Giải pháp của Salinger rất đơn giản: càng đông càng lợi thế. Trong bản ghi nhớ gửi cho OSS, Salinger viết: “Nếu lũ cáo được thả theo bầy lớn chí ít một số con sẽ đạt mục đích”.
Nhưng nếu lũ cáo bị thất bại, thì Salinger sẽ thả lũ chồn, chuột xạ, gấu trúc Mỹ và chó sói đồng để tiếp tục nhiệm vụ. Ý tưởng của Salinger càng trở nên quái đản hơn. Trong một bản ghi nhớ của OSS mới được tìm thấy tại Trung tâm giáo dục và di sản quân sự ở Pennsylvania, Salinger viết rằng “nếu cần kíp thì có thể áp dụng truyền thuyết Hồ Tinh để khiến người Nhật khiếp vía”.
Theo ý tưởng của Salinger thì “Hồ Tinh là một con cáo đội đầu Thần Chết trên vương miện của nó”. Salinger viết: “Chúng tôi đã tạo ra một con cáo nhồi bông có sọ người, và một loại máy có thể nâng lên hạ xuống quai hàm nhằm mô phỏng cơ chế đóng, mở miệng người. Con cáo sẽ được đưa đi sơn phát sáng nhằm tạo hiệu ứng như những con cáo sống”.
Salinger gợi ý quấn quanh thân con cáo bằng một thứ vải đen có kèm hình vẽ những khúc xương phát sáng, và treo con cáo giả dưới bong bóng khi bay trên trời hoặc treo dưới con diều, khi bay lên chúng sẽ gây sự khiếp đảm với người Nhật bên dưới. Từ dưới mặt đất, người Nhật ngước mắt lên trời sẽ thấy nhửng con cáo bay phát sáng hình bộ xương người, với cái đầu và hàm răng đóng mở như đang nói.
Kế hoạch bị hủy
Trong một bản ghi nhớ mang tựa đề “Người mang hồn cáo” gửi cho OSS, Salinger viết “Trong trường hợp nhìn thấy những con cáo phát sáng, người dân Nhật có thiện cảm với phe Đồng Minh cũng có thể giả vờ hùa theo có ai đó đang “nhập hồn” cáo, người này sẽ tụng những câu kinh kỳ lạ như lời cáo “mách nước”.
Salinger từng cảnh báo với Bộ phận lập kế hoạch của OSS rằng việc tạo ra hiện tượng “đoàn quân người nhập hồn cáo” mới chỉ đang ở giai đoạn lập kế hoạch: “Có nhiều khó khăn cần phải vượt qua trước khi kế hoạch đưa vào triển khai thực tiễn”. Nhưng, vào ngày 24 tháng 9 năm 1943, ông Stanley Lovell, người đứng đầu Nhánh phát triển và nghiên cứu của OSS – đơn vị chịu trách nhiệm giám sát việc triển khai Chiến dịch Hồ Ly Tinh, đã tuyên bố trong một cuộc họp rằng đã chấm dứt kế hoạch.
Lovell đang rất hoài nghi khi không tài nào hiểu nổi việc không có bất kỳ ai đặt ra tính logic, tính khả thi hay sự hợp lý của chiến dịch. Lovell đã phát biểu với các đồng nghiệp của mình: “Tôi tin rằng đây là bài phê bình cho tất cả chúng ta về lĩnh vực lý luận thuần túy”.
Ông Lovell đã tạo nên danh tiếng cho mình ở OSS khi theo đuổi các ý tưởng lập dị chẳng hạn làm cho bộ ria của Adolf Hitler rụng trụi bằng cách trộn hormone sinh dục nữ vào rau củ mà ông ta ăn, vì ý tưởng này là Lovell còn có biệt danh là “Giáo sư Moriarty”, nhưng độ phi lý của Chiến dịch Hồ Ly Tinh đã vượt qua sức chịu đựng của ông.
Biên bản kết thúc cuộc họp của OSS đã diễn ra gần lúc kết thúc chiến tranh, hé lộ một trạng thái nhẹ nhõm đối với những người tham dự, bao gồm cả Lovell, khi OSS hủy dự án kỳ lạ. OSS kết luận: “Vấn đề Chiến dịch Hồ Ly Tinh đã kết thúc thích hợp”. Khi Wild Bill Donovan nói với OSS về cách thức để “đánh bại Đức Quốc xã và quân phiệt Nhật”, theo nghĩa đen, phải chăng ông ta đã có một suy nghĩ khác?