Chiến dịch của ông Tập Cận Bình lập kỷ lục: Con số đặc biệt làm các "hổ" Trung Quốc ngày càng khiếp sợ

Hữu Hiển |

Cuộc chiến chống tham nhũng của Trung Quốc đã lập kỷ lục mới vào năm ngoái, khi cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành điều tra 45 quan chức cấp cao.

Trung Quốc điều tra 45 quan chức cấp cao năm 2023

Theo thống kê của tờ South China Morning Post (SCMP), con số kỷ lục 45 quan chức cấp cao bị điều tra trong năm 2023 xuất hiện 5 năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố "chiến thắng vang dội" trong chiến dịch chống tham nhũng (2018) - một cuộc trấn áp sâu rộng được phát động từ năm 2013.

Những cuộc điều tra đang diễn ra cho thấy ông Tập vẫn không ngừng nỗ lực chống tham nhũng, làm sạch bộ máy quan chức của Trung Quốc.

Số cuộc điều tra quan chức cấp cao được tiến hành vào năm 2023 đã tăng 40% so với năm 2022, khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) - cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ghi nhận 32 cuộc điều tra nhằm vào các quan chức cấp cao, dựa trên các thông báo chính thức của CCDI.

Chiến dịch của ông Tập Cận Bình lập kỷ lục: Con số đặc biệt làm các "hổ" Trung Quốc ngày càng khiếp sợ- Ảnh 1.

Con số kỷ lục 45 quan chức cấp cao của Trung Quốc đã bị điều tra trong năm 2023. Ảnh: SCMP

Quan chức về hưu vẫn không thoát

Theo SCMP, hầu hết các đối tượng bị điều tra - đôi khi được gọi là "hổ" - thuộc nhóm quan chức được gọi là "cán bộ thuộc diện trung ương quản lý", nghĩa là họ có chức vụ từ cấp thứ trưởng trở lên. Một số ít hơn trong số họ giữ chức vụ thấp hơn một chút nhưng lại đảm nhiệm những vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực quan trọng.

Không giống như các cấp thấp hơn được quản lý và giám sát bởi các chi bộ tổ chức đảng và cơ quan kỷ luật ở địa phương, nhóm quan chức cấp cao chịu sự quản lý trực tiếp của Ban Tổ chức Trung ương Đảng - cơ quan nhân sự cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu phát hiện bất kỳ hành vi sai trái nào, các quan chức này sẽ phải đối mặt với các cuộc điều tra cấp cao nhất từ CCDI.

Theo nghiên cứu sâu hơn của SCMP, 27 trong số 45 cán bộ cấp cao Trung Quốc bị CCDI bắt giữ trong năm 2023 đã nghỉ hưu tại thời điểm bị điều tra, chiếm tỷ lệ đến 60%.

Ông Deng Yuwen - cựu phó tổng biên tập của Study Times, tờ báo chính thức của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, cơ quan đào tạo cán bộ lãnh đạo của nước này - cho biết, thực tế là hầu hết các cuộc điều tra của CCDI tập trung vào các quan chức đã nghỉ hưu báo hiệu rằng các cuộc điều tra đã phát hiện ra nhiều hành vi sai trái hơn từ trước khi ông Tập lên nắm quyền, và rằng việc nghỉ hưu như vậy sẽ không giúp các cá nhân tránh bị điều tra thêm.

"Trong số những quan chức bị bắt những năm gần đây, không có nhiều người bị bắt vì tham nhũng khi đang đương chức. Hầu hết các vấn đề đều xảy ra trong vài năm trở lại đây, thậm chí hơn 10, 20 năm trước. CCDI không còn tuân theo luật bất thành văn trước đó rằng các quan chức đã nghỉ hưu sẽ không bị điều tra", Deng nói.

"Bây giờ, không ai được an toàn. Khi ông Tập điều tra sâu hơn, ông ấy phát hiện thêm nhiều vấn đề tích tụ trong ba thập kỷ qua do kinh tế phát triển nhanh chóng và kỷ luật đảng lỏng lẻo. Và không có dấu hiệu nào cho thấy ông ấy sẽ dừng việc điều tra", Deng nói thêm.

Chiến dịch "đả hổ" sẽ còn mở rộng

Theo thống kê của SCMP, tổng cộng 294 quan chức cấp cao đã bị CCDI bãi nhiệm trong 11 năm kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng được phát động tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, con số này không bao gồm hầu hết các cuộc điều tra tham nhũng trong quân đội Trung Quốc, vốn tiến hành các cuộc điều tra riêng thông qua Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) do ông Tập đứng đầu và hoạt động cực kỳ bí mật.

Theo SCMP, Bắc Kinh công bố những trường hợp như vậy một cách rất chọn lọc, giống như họ đã làm với các cuộc điều tra cựu phó chủ tịch CMC Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập. Họ là những sĩ quan cấp cao nhất trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trở thành mục tiêu điều tra kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu.

Chiến dịch của ông Tập Cận Bình lập kỷ lục: Con số đặc biệt làm các "hổ" Trung Quốc ngày càng khiếp sợ- Ảnh 2.

Hầu hết các cuộc điều tra tham nhũng trong quân đội Trung Quốc được tiến hành bởi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) do ông Tập đứng đầu. Ảnh: AP

Trước năm 2023, các quan chức cấp cao nhất bị CCDI điều tra trong một năm là vào năm 2014, khi 38 cá nhân bị nhắm tới.

Năm 2020, 18 quan chức cấp cao bị điều tra. Nhưng kể từ đó, số lượng ngày càng tăng: 25 quan chức cấp cao bị điều tra vào năm 2021 và 32 người vào năm 2022.

Hôm 30/12/2023, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua quyết định bãi nhiệm 9 tướng lĩnh.

5 sĩ quan trong số đó đều là chỉ huy cấp cao trong quá khứ hoặc hiện tại của Lực lượng Tên lửa thuộc PLA - thành phần chủ chốt của kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Trong số đó bao gồm Lý Ngọc Siêu, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa từ tháng 1/2022 đến khi bị cách chức vào tháng 7/2023, và cấp phó cũ của ông ta là Trương Chấn Trung.

Bắc Kinh chưa xác nhận liệu có ai trong số 9 người này đang bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng hay không, mặc dù một số người được cho là đã bị điều tra từ đầu năm ngoái.

Một nhà nghiên cứu chính trị giấu tên tại Đại học Bắc Kinh cho biết, có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy chiến dịch "đả hổ" của Trung Quốc sẽ còn mở rộng hơn nữa vào năm 2024.

"Chúng ta đã sa thải [cựu ngoại trưởng] Tần Cương và [cựu bộ trưởng quốc phòng] Lý Thượng Phúc. Chúng ta cũng thấy Quốc hội [Trung Quốc] vừa chính thức bãi nhiệm 9 tướng lĩnh PLA, cho thấy một cuộc điều tra sâu rộng trong quân đội đã có kết quả sơ bộ", nhà nghiên cứu nói.

Theo SCMP, CCDI sẽ bắt đầu phiên họp toàn thể lần thứ ba từ ngày 8/1 tới để đưa ra các ưu tiên công việc trong năm mới cho hàng chục triệu thanh tra kỷ luật trên khắp Trung Quốc.

Báo Ukraine: Elon Musk ra lệnh ngắt Starlink, đòn tập kích của Kiev vào chiến hạm Nga bị "bẻ gãy"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại