Hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam đang cử lực lượng tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, tham gia cứu hộ nạn nhân trận động đất thảm khốc, biến đây trở thành một trong những chiến dịch cứu nạn có sự tham gia của nhiều nước nhất từ trước đến nay.
Thảm họa xảy ra sáng sớm 6/2 khi trận động đất mạnh 7,8 độ làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Cơn địa chấn dữ dội tàn phá một khu vực rộng lớn có làng mạc, thành phố dày đặc nên đã gây ra thương vong đặc biệt lớn về người và vật chất, với con số cập nhật đến ngày 14/2 là gần 40.000 người chết và con số này vẫn chưa dừng lại.
Riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, thống kê có hơn 24.000 tòa nhà lớn nhỏ bị sập hoàn toàn, biến nơi từng là nhà của người dân trở thành những nấm mồ bê tông chôn vùi cả những người chết và bị thương bên trong.
Quy mô của thảm họa này quá lớn, vượt khả năng ứng phó của lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Do đó, đồng loạt nhiều quốc gia trên thế giới đã cử lực lượng của mình tới hỗ trợ hai nước này.
Hầu hết, trong số lực lượng của hơn 70 quốc gia tham gia cứu hộ được cử tới Thổ Nhĩ Kỳ, vì khả năng tiếp cận thuận lợi hơn, trong khi hiện trường động đất tại Syria nằm trong khu vực do phiến quân kiểm soát nên không đảm bảo về an ninh.
Việt Nam cũng thể hiện trách nhiệm quốc tế khi cử hai đoàn công tác của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tới Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cứu trợ các nạn nhân động đất.
Một số quốc gia như Pakistan, Indonesia, El Salvador, Tây Ban Nha, Qatar, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Đức… đã điều máy bay vận tải quân sự riêng đưa lực lượng cứu hộ sang Thổ Nhĩ Kỳ và có mặt tại đây chỉ sau trận động đất khoảng một ngày.
Riêng tại khu vực chịu động đất của Syria, lực lượng cứu hộ quốc tế chủ yếu là Nga, Belarus và cơ quan nhân đạo Liên Hợp Quốc, do bối cảnh an ninh phức tạp tại quốc gia vốn chìm trong xung đột này.
Theo thống kê của Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp và thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), hiện có hơn 233.000 nhân viên cứu hộ của nước này và hơn 70 nước đang tham gia hỗ trợ tại 10 tỉnh phía Nam gồm Kahramanmaras, Adana, Adiyaman, Diyarbakir, Gaziantep, Hatay, Kilis, Malatya, Osmaniye và Sanliurfa.
Các nhân viên cứu hộ đang phải làm việc trong điều kiện khó khăn của vùng xảy ra thảm họa, đồng thời đối mặt với nguy cơ các cơn dư chấn vẫn còn. Tại một số nơi an ninh cũng xuất hiện tình trạng bất ổn do sự phẫn nộ của người dân đối với chính quyền vì các cáo buộc phản ứng chậm trễ. Tình trạng này khiến một số nước như Áo và Đức phải tạm hoãn hoạt động cứu hộ để đánh giá tình hình an ninh.
Trong khi đó, hoạt động cứu hộ quốc tế tại Syria hạn chế hơn nhiều do nước này vốn bị “chia năm sẻ bảy” trong nội chiến, với các khu vực do chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad kiểm soát và một số khu vực khác do phe đối lập, phiến quân người Kurd hoặc các chiến binh Hồi giáo Sunni kiểm soát.
Các nước đồng minh thân cận với Syria cũng đang đối diện với nhiều lệnh trừng phạt quốc tế dẫn đến viện trợ quốc tế cho Syria không được như Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện nay, giờ vàng để cứu những nạn nhân còn sống trong đống đổ nát của trận động đất gần như không còn. Nhưng quy mô tàn phá của thảm họa này tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hậu quả sẽ còn kéo dài nhiều năm và hai nước đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.