Trong một thông báo đưa ra hôm 21-5, Bộ chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) nói rằng các máy bay tàng hình F-22 của Mỹ đã chặn bốn máy bay ném bom Tupolev Tu-95 và hai máy bay chiến đấu Su-35 của Nga sau khi chúng bay vào Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Mỹ, vốn trải rộng khoảng 320km ngoài khơi bờ biển phía tây Alaska .
"Ưu tiên hàng đầu của NORAD là bảo vệ Canada và Mỹ. Khả năng của chúng tôi để ngăn chặn và đánh bại các mối đe dọa đối với công dân và cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi bắt đầu bằng việc phát hiện, theo dõi và tích cực nhận dạng máy bay trong không phận của chúng tôi", chỉ huy NORAD, Tướng Terrence O'Shaughnessy nói.
"Chúng tôi cảnh giác 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần, 365 ngày một năm", ông nói thêm.
Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận vụ việc trên trong một bài tweet hôm 21-5, nói rằng máy bay ném bom Tu-95 "đã thực hiện các cuộc xuất kích theo lịch trình trên khu vực trung lập của vùng biển Chukotka, Bering và Okshotsk, cũng như dọc theo bờ biển phía tây Alaska và bờ biển phía bắc của quần đảo Aleut".
"Tại một số giai đoạn nhất định của tuyến bay, các máy bay Nga đã được hộ tống bởi các máy bay chiến đấu F22 của Không quân Mỹ. Tổng thời gian bay vượt quá 12 giờ", cơ quan trên cho biết thêm.
NORAD được giao nhiệm vụ tuần tra và các vùng nhận dạng phòng không cũng như không phận của Mỹ và Canada.
Vụ chặn máy bay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Moscow.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đình chỉ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào tháng 2 và đe dọa rút hoàn toàn khỏi hiệp ước này trong sáu tháng. Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ký sắc lệnh đình chỉ sự tham gia của Moscow vào hiệp ước này.
Theo hiệp ước, cả hai bên bị cấm tạo ra tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km và dẫn đến việc loại bỏ gần 2.700 tên lửa tầm ngắn và tầm trung.
Mối quan hệ giữa Washington và Moscow cũng xấu đi vì những cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, dù chính phủ Nga cực lực bác bỏ mọi dính líu.