Nhiều thế kỷ TCN, chó là chiến thú dũng mãnh.
Thế kỷ XVI, chỉ 1 con Becerrillo với 10 lính Tây Ban Nha viễn chinh cũng đủ xé nát tuyến phòng thủ của hàng trăm chiến binh da đỏ, đè bẹp sự phản kháng bằng nỗi khiếp hãi không gì sánh nổi.
Từ chó săn thành chiến cẩu
Chúng ta quen với quan niệm, chó là bằng hữu trung thành nhất của loài người. Theo khám phá khảo cổ, con người đã thành công thuần hóa và sống chung với loài động vật này từ 50 nghìn năm trước. Con người nhờ chúng trông coi nơi ở, bảo vệ gia súc, lương thực, hỗ trợ săn bắt cũng như chỉ đơn giản coi là thú cưng.
Suốt hàng vạn năm, chó đồng hành và đóng vai vệ sĩ kiêm người bạn động vật tuyệt vời nhất của con người. Khoảng năm 600 TCN, Hoàng đế Alyattes (620 – 560 TCN) của Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng huấn luyện chiến cẩu, phục vụ chiến tranh. Ông dùng những con chó đã được đào tạo để tấn công con người, bảo vệ quốc thổ khỏi giặc ngoại xâm Cimmerian.
Sau Alyattes, việc huấn luyện và sử dụng chiến cẩu diễn ra khắp nơi. Ở khu vực Tiểu Á, quân sĩ kết hợp chiến cẩu với kỵ binh. Lính cưỡi ngựa vừa phi nước đại vừa dẫn theo chó chiến, lao thẳng vào hàng ngũ kẻ thù và thả ra, cho chúng nhào cắn tứ phía.
Năm 480 TCN, trong trận chiến xâm lược Hy Lạp (Nam Âu), Hoàng đế Xerxes I (519 – 466 TCN) của Ba Tư (Trung Đông) dẫn theo nhiều đàn chó chiến thuộc giống chó săn Ấn Độ. Nhiều thế kỷ sau, quân đội La Mã bắt chước và mở rộng chiến thuật này, xây dựng các đội chiến cẩu "khủng" với những loài chó to và hung dữ như Canis Molossus, Molossian… Họ còn đặc biệt lai tạo những giống chó hung dữ, dành riêng cho chiến trận.
Năm 55 TCN, Thống lĩnh Julius Caesar (100 – 44 TCN) của Hy Lạp ngấp nghé bờ cõi Vương quốc Anh. Các chiến binh Celtic khi đó dẫn đàn chó Mastiff hung hãn, thiện chiến đi tuần, nghênh ngang thách thức khiến Caesar không dám cho chiến thuyền cập bến.
Vũ khí sống
Năm 1492, Christopher Columbus (1451 – 1506, Tây Ban Nha) phát hiện châu Mỹ. Năm 1493, Columbus thả chiến cẩu, tấn công bộ lạc da đỏ ngụ cư trên đảo Hispaniola (Bắc Mỹ). Năm 1494, ông tiếp tục dùng chiến cẩu phá tuyến phòng ngự của thổ dân da đỏ ngăn mình tiến vào Jamaica (Caribee).
Ngày 27/3/1495, Columbus cùng anh trai là Bartholomew dẫn đội quân viễn chinh Tây Ban Nha bao gồm 200 binh sĩ, 20 kỵ mã và 20 chiến cẩu giống Mastiff tới đảo Hispaniola. Chỉ huy của chiến dịch này là Alonso de Ojeda (1468 – 1515), cao thủ dùng chiến cẩu.
Trước khi được giao nhiệm vụ chinh phạt Hispaniola, Ojeda đã bách chiến bách thắng tại Granada quê nhà. Nhờ ông, Vương triều Tây Ban Nha đè bẹp sự kháng cự của người Moor thiểu số.
Tại Hispaniola, Ojeda tận dụng triệt để kinh nghiệm dùng chó chiến từ Granada. Ông giữ chúng ở ngoài cùng cánh phải, chờ cuộc chiến lên đến đỉnh điểm mới thả chó lao vào.
Bị kích động bởi không khí giận dữ, đội chiến cẩu điên cuồng nhắm thẳng các chiến binh da đỏ đang hăng máu, nhào lên vồ lấy cơ thể trần như nhộng của họ, đè xuống và cắn, xé.
Thế kỷ XVI, châu Mỹ đẫm máu của thổ dân da đỏ. Những hung thần chinh phạt khét danh như Balboa, Velasquez, Cortes, De Soto, Toledo, Coronado, Pizarro… đua nhau dẫn theo chó chiến, mỗi chuyến viễn chinh đều đưa theo hàng trăm, thậm chí hàng nghìn con.
Ban đầu, chiến cẩu được người Tây Ban Nha ưa dùng hơn cả là Mastiff, giống chó săn nặng tới hơn 1 tạ, bộ hàm khỏe đến mức có thể nghiền vụn xương. Về sau, họ ngày càng "cuồng" Becerrillo – loài chó Bull to, lông màu lửa, dáng vẻ và tính nết cực kỳ hung tợn.
Lịch sử Tây Ban Nha tin rằng, chiến cẩu Becerrillo đầu tiên là con chó của Ponce de León (1474 – 1521). León có mặt trong cuộc chinh phạt Puerto Rico (Caribee), nhờ đút lót Diego (con trai Columbus) mà chiếm được ghế thống đốc đảo. Ông ta dạy con Becerrillo của mình phân biệt người Tây Ban Nha và người bản địa, sau đó dùng nó truy kích chiến binh da đỏ.
Becerrillo khét tiếng giỏi đánh hơi, truy sát và khủng bố tinh thần người châu Mỹ bản xứ. Sử gia Bartolomé de las Casas (1484 – 1566) ghi nhận, "Becerrillo tấn công kẻ thù trong cơn thịnh nộ điên cuồng và bảo vệ bằng hữu với sự dũng cảm tuyệt vời nhất". Ông cũng cho biết: "Người bản địa sợ 10 lính Tây Ban Nha với 1 con Becerrillo hơn cả đội quân hùng hậu hàng trăm người".
Năm 1512, Diego "lật ghế" León. Mất địa vị và cơ hội vơ vét, León quyết định ra khơi, nhắm hướng đảo Bimini được đồn giấu đầy vàng bạc, châu báu. Ông bàn giao đàn chiến cẩu Becerrillo cho Guilarte de Salazar và Sancho de Aragón quản lý. Một đêm, Salazar phát hiện có kẻ tấn công trại lính. Chỉ trong vòng 30 phút, ông ta đã chỉ huy đàn Becerrillo diệt gọn 33 chiến binh bản địa.
Kết thúc bi thảm
Trong khi chờ đợi thống đốc mới được bổ nhiệm tới, Salazar đóng trại bên ngoài khu dân cư Caparra, Puerto Rico. Buồn chán, ông ta gấp tờ giấy và đưa cho một bà lão, sai đem đến chỗ tân thống đốc. Khi bà lão lên đường, ông ta âm thầm dắt con Becerrillo theo rồi đột ngột ra lệnh cho nó lao lên, cắn chết bà.
Trước con chó to lớn đầy dữ tợn, bà lão nhũn chân, quỳ sụp xuống. Bà chắp tay, vừa khóc mếu vừa van lơn con chó hãy tha cho mình. Kỳ diệu thay, con Becerrillo dừng lại. Nó khẽ đánh hơi như thể dỗ dành bà lão rồi quay đầu, bỏ đi, mặc kệ tiếng quát mắng của Salazar. Biết chuyện, tân thống đốc lập tức nghiêm cấm mọi hành vi khủng bố người dân.
Năm 1514, người Carib (bản địa đảo Vieques) nổi dậy, chiếm được Sancho de Aragón. Trong trận chiến, họ tấn công và rút lui hợp lý bằng cano độc mộc. Thực dân Tây Ban Nha quen ỷ vào Becerrillo vấp phải khó khăn lớn nhất. Các chiến cẩu vừa không thể làm gì kẻ địch trên mặt nước, vừa thành bia nhắm bắn khổng lồ. Từng con lần lượt bị hạ dưới làn mưa tên, chết trong đau đớn.
Nếu với kẻ địch, Becerrillo là nỗi kinh hoàng thì với lính Tây Ban Nha, nó là người bạn thân thương nhất. Bất chấp thương tích đầy mình, nó che chắn, bảo vệ chủ nhân đến tận giây cuối cùng. Không có gì đau lòng hơn phút hấp hối. Người lính Tây Ban Nha thương tiếc Becerrillo không kém gì đồng đội, thầm lặng chôn cất và tưởng nhớ mãi không nguôi.
Thất bại của Becerrillo năm 1514 cũng chấm dứt thời đại chiến cẩu.