"Chiến binh diều hâu" phía sau cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung: Luôn thúc giục TT Trump cứng rắn với TQ

An An |

Navarro là người có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh và ông là một trong những người đầu tiên gióng hồi chuông cảnh báo về Trung Quốc từ nhiều năm trước trong chính quyền TT Trump.

"Chiến binh" cứng rắn với Trung Quốc

Khi Tổng thống Donald Trump triệu tập các cố vấn thương mại cấp cao tại Nhà Trắng để quyết định có nên đạt được thỏa thuận với Trung Quốc hay không, cố vấn thương mại "diều hâu" Peter Navarro - người có quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh - đã chuẩn bị sẵn loạt lập luận để phản đối điều này,.

The New York Times (NYT - Mỹ) cho biết, trong một cuộc họp vào hai tuần trước, ông Navarro cho rằng, nếu hai nước đạt được thỏa thuận thì việc hủy bỏ bất kỳ mức thuế quan nào đối với Trung Quốc đều sẽ khiến nước Mỹ suy yếu. Theo một quan chức Nhà Trắng có mặt tại thời điểm đó, ông Navarro đã chỉ trích mạnh mẽ những người ủng hộ việc xóa bỏ thuế quan này.

Lập luận của ông Navarro vốn không lạ lẫm. Trong ba năm qua, ông đã khuyến khích Tổng thống Trump khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và tác động rất lớn đến các quyết định áp thuế của ông chủ Nhà Trắng.

Tuy nhiên, lần này Tổng thống Trump không bị thuyết phục. Khi cuộc bầu cử năm 2020 đến gần, Tổng thống Mỹ chọn đạt được thỏa thuận sơ bộ với Trung Quốc, giảm thuế đối với các sản phẩm của nước này, để đổi lấy cam kết Bắc Kinh mua thêm các sản phẩm của Mỹ, nhằm giải quyết các vấn đề khác của Mỹ.

"Thỏa thuận với Trung Quốc là một thỏa thuận rất lớn", ông Trump nói trong một sự kiện tại Nhà Trắng vào tuần trước.

Trong ba năm qua, ông Navarro, năm nay 70 tuổi, được coi là một chiến binh thương mại, liên tục kêu gọi Tổng thống Trump viết lại thỏa thuận thương mại để chúng có lợi hơn cho người lao động Mỹ.

Theo NYT, trước đây, nhiều đồng sự của ông cảm thấy khó chịu vì thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc nên đôi khi cố gắng ngăn ông tiếp cận Tổng thống. Tuy nhiên, quan điểm của Navarro dầncó tác động sâu sắc. Ngay cả những người không đồng ý với ông về chính sách kinh tế và các vấn đề Trung Quốc đang ngày càng nhận ra rằng, ông đã lãnh đạo cuộc tranh luận chính trị.

"Bất chấp những lời chỉ trích khác nhau từ nhóm ủng hộ tự do thương mại đảng Cộng hòa, ông là một trong những người đầu tiên rung hồi chuông cảnh báo về Trung Quốc nhiều năm trước", ông Stephen Moore, một nhà kinh tế tại Quỹ Di sản nói. Ông này cũng là cố vấn cho cuộc bầu cử năm 2016 của Tổng thống Trump. "Giờ đây, tôi cho rằng, bao gồm cả bản thân tôi, rất nhiều người tin rằng chính sách thương mại của Trung Quốc thực sự mang tính chất săn mồi và có hại cho nền kinh tế".

Bây giờ, Tổng thống Trump đang hành động để giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc, các thỏa thuận thương mại với Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã được hoàn thành, và Navarro đang ở ngã tư đường để tìm kiếm cuộc chiến mới.

Navarro đã và đang ủng hộ các dự án nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Nhiều diều hâu Mỹ cũng cho biết, họ thiếu sự tin tưởng về thỏa thuận với Trung Quốc.

"Tôi nghi ngờ về bất kỳ thỏa thuận lớn nào đạt được", Greg Autry, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Marshall, Đại học Nam California, nói. Ông và Navarro là đồng tác giả của tác phẩm Chết bởi Trung Quốc. "Nếu bạn dành một chút thời gian để quan sát người Trung Quốc, bạn biết họ không tuân theo thỏa thuận."

Chiến binh diều hâu phía sau cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung: Luôn thúc giục TT Trump cứng rắn với TQ - Ảnh 1.

Navarro có vị thế quyền lực trong Nhà Trắng và thường tham dự các sự kiện lớn, bao gồm cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Buenos Aires năm ngoái. Ảnh: NYT

Luôn tìm cách kiềm chế Trung Quốc

NYT cho biết, sự hoài nghi của Navarro bắt đầu vào những năm 1970 khi ông là tình nguyện viên của Peace Corps, chịu trách nhiệm xây dựng và phục hồi các ao cá ở Thái Lan. Ông đi khắp châu Á và nói rằng ông đã quan sát thấy tác động tiêu cực của Trung Quốc đối với nền kinh tế của các nước láng giềng.

Kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, ông ngày càng không hài lòng với tác động của các hoạt động thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ, đặc biệt là khi nhiều sinh viên của ông phàn nàn rằng họ thất nghiệp vì sự cạnh tranh của Bắc Kinh.

Quan điểm của Navarro nhanh chóng trở nên cứng rắn và ông bắt đầu xuất bản một loạt các tác phẩm chống Trung Quốc, bao gồm Chiến tranh sắp tới với Trung Quốc và Chết bởi Trung Quốc. Năm 2011, Tổng thống Trump coi là chúng là một trong những tác phẩm về Trung Quốc mà ông thích nhất.

Trong sách, Navarro và Autry đã lên án gay gắt Trung Quốc vì những hành vi kinh tế bị oi là "vô đạo đức" và các sản phẩm nguy hiểm của họ, như quần yếm trẻ em dễ cháy và thuốc viagra giả. Hai ông cũng đổ lỗi cho các công ty đa quốc gia như Walmart đã nhập nguồn hàng giá rẻ từ Trung Quốc, điều này đã khiến các nhà sản xuất Mỹ phá sản.

Quan điểm của Navarro đã thu hút sự chú ý của ông Trump, người lúc đó là ứng cử viên Tổng thống. Ông Trump có quan điểm tương tự về tác động của Trung Quốc đối với ngành sản xuất của Mỹ và đang tìm kiếm các chuyên gia phù hợp với quan điểm của mình. Năm 2016, Navarro tham gia chiến dịch của ông Trump với tư cách là cố vấn kinh tế và nhanh chóng nhận được sự tin tưởng.

Thực tế, vào đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, ảnh hưởng của Navarro chưa thực sự chắc chắn.

Ông đã đề xuất một mức thuế nhằm bảo vệ các ngành công nghiệp trong nước và được Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross ủng hộ. Tuy nhiên, cựu Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary D. Cohn, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cựu Thư ký Nhà Trắng Robert Porter thường bác bỏ những quan điểm này, bởi theo họ thuế quan sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, và cơ hội tái cử tổng thống của ông Trump.

Để bảo vệ quan điểm của mình, Navarro đã tạo ra một biểu đồ ba màu đỏ, đen và vàng, phác thảo về sự tấn công của kinh tế Trung Quốc, bao gồm gián điệp mạng và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Ông cảnh báo Tổng thống Trump rằng, Trung Quốc từ lâu đã không thực hiện lời hứa về thay đổi hành vi và cho rằng thuế quan là cách hiệu quả nhất để buộc Bắc Kinh thay đổi.

Vào năm 2018, khi Tổng thống Trump khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, tầm nhìn chống Bắc Kinh của Navarro đã trở thành hiện thực. Sau mức thuế 25% ban đầu đối với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tháng 7/2018, cuộc chiến thương mại đã sớm leo thang lên mức thuế trị giá 360 tỷ USD và lời đe dọa đánh thuế gần như tất cả hàng hóa Trung Quốc.

Áp lực kinh tế đẩy Bắc Kinh đến bàn đàm phán và cuối cùng hai nước đồng ý với thảo thuận thương mại giai đoạn một, giảm một số thuế quan và hủy áp thuế bổ sung, đổi lấy Trung Quốc mua thêm các sản phẩm nông nghiệp Mỹ và tạo nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Trung Quốc của các công ty Mỹ. Tuy nhiên, quan điểm về cải cách cơ cấu của Navarro đã không được đưa vào. Tổng thống Trump đã nói rằng những vấn đề này sẽ được giải quyết trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Trung Quốc.

Navarro vẫn cố gắng tìm ra những cách khác để ngăn chặn Trung Quốc. Ông yêu cầu tăng cường kiểm tra các bưu kiện của Trung Quốc ở các bến cảng để chống lại nạn hàng giả và tham gia dự án tái tạo các nhà máy đóng tàu Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại