Theo lời nhiều người già, việc cây vạn tuế nở hoa là chuyện hiếm. Vì vậy người xưa mới có câu "Thiên niên thiết thụ liễu hoa", nghĩa là "Nghìn năm vạn tuế đơm hoa" nên nhiều người ví gọi đây là loài cây "ngàn năm" mới nở hoa là vậy.
Theo lời ông Tâm, cây vạn tuế này được mang về trồng trước sân nhà của gia đình được gần 20 năm, khi thân mới bằng cổ tay.
Cách đây khoảng hơn 1 tháng, ông Tâm và người thân của mình không khỏi ngỡ ngàng và vô cùng thích thú khi nhìn thấy trên ngọn cây vạn tuế bắt đầu nở và hoa ngày càng lớn, hiện đã to cỡ bằng quả dứa trưởng thành.
"Ban đầu tôi cũng không biết đó là hoa hay trái. Mãi nhiều ngày sau, khi tìm hiểu mới biết đó là hoa", ông Tâm bày tỏ.
Không riêng gì chủ nhân của cây vạn tuế đặc biệt này mà nhiều người cao tuổi trong vùng cũng xác nhận: "Lần đầu tiên mới thấy hoa vạn tuế".
Hoa của cây vạn tuế
Qua quan sát cây vạn tuế của ông Tâm cao khoảng hơn 1m, phần thân hình trụ, to khoảng 60cm; tán lá có đường kính khoảng 1,5m.
Hoa vạn tuế có màu vàng cam, phần đầu phía trên tum tròn lại, với cấu trúc là những mắt nhỏ và dẹp, kích cỡ như ngón tay út xếp sát đều nhau trông rất đẹp, lạ mắt.
Theo một số tài liệu thì cây vạn tuế có tên khoa học là Cycas revoluta, với chiều cao khi trưởng thành từ 2-3m, lá hình lông chim, dài đến cả mét, mọc thành vòng và dày đặc ở đỉnh. Cây vạn tuế được trồng khá phổ biến ở nước ta với mục đích để làm cảnh trong sân vườn nhà, hoặc công viên, nơi công cộng... Vòng đời của vạn tuế lên đến hàng trăm năm.
Hoa vạn tuế nhìn từ phía trên, ngang và gốc của hoa
Dù được trồng nhiều, thế nhưng không phải ai cũng được nhìn thấy hoa của loài cây này. Thế nhưng trên thực tế tùy theo điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu có thích hợp hay không thì cây vạn tuế mới nở hoa, hoặc không bao giờ nở hoa.
Người dân trong vùng đến chiêm ngưỡng hoa vạn tuế
Theo các chuyên gia cây cảnh ở TP Quảng Ngãi, thông thường nếu được trồng trong điều kiện thích hợp và biết chăm sóc thì khoảng 15-20 năm là cây vạn tuế có thể ra hoa.