Hai bộ xương cá voi lần lượt dài 22m và 28m, cao gần 4m. Mỗi bộ có 50 đốt xương sống, đường kính đốt sống trên 40cm; 28 xương sườn, mỗi xương sườn dài gần 10m; xương đầu dài 4m, xương ngà dài 4,7m. Lâu nay, các bộ xương đã được người dân trên đảo bảo quản và thờ cúng.
Để phục dựng lại hai bộ xương cá voi "khủng" nhất Việt Nam, đơn vị thi công đã huy động 10 kỹ thuật viên bám đảo Lý Sơn hơn 2 tháng để thi công khung đỡ, xử lý xương mục, sơn phủ bóng phần xương.
Tuy nhiên, do trải qua hàng trăm năm cùng với công tác bảo quản không được đảm bảo khiến hai bộ xương cá voi bị hỏng hóc khoảng 40%. Đơn vị thi công đã sử dụng phương pháp nhựa hóa một số phần xương mục và tôn tạo toàn bộ lại phần đầu cá bằng nhựa composite.
Hai bộ xương cá voi lần lượt dài 22m và 28m, cao gần 4m.
Xương cá voi được phục dựng bằng cách nhựa hóa ở những chỗ phần xương bị mục, hư hỏng. |
Anh Đặng Trung Hiếu, chuyên gia chế tác mẫu vật - phụ trách việc phục dựng cho hay, hai bộ xương cá voi có nhiều chỗ bị hư hỏng do độ ẩm và nhiệt độ ở đảo cao. Vì vậy phải dùng phương pháp nhựa hóa phần xương bị mục và lắp ghép những phần xương mục đó lại với nhau bằng inox bên trong và mình trám trét lại cho đẹp.
Theo người dân địa phương, hai bộ xương cá voi được phục dựng có niên đại từ 250 – 300 năm tuổi. Đây là hai bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam và được phong tước Đồng Đình Đại Vương và Đức Ngư nhị vị tôn thần.
Ông Nguyễn Thành Châu, một bậc cao niên ở đảo Lý Sơn cho biết, bà con rất phấn khởi khi cơ quan chức năng phục dựng hai bộ xương cá voi.
Ở đảo Lý Sơn hiện có 7 lăng thờ cá voi, mỗi nơi có hàng chục bộ xương hay còn gọi là "ngọc cốt" có niên đại từ vài chục năm đến hơn 300 năm tuổi. Hai bộ xương cá voi ở di tích Lăng Tân được phục dựng đầu tiên ở Quảng Ngãi, đáp ứng được nguyện vọng người dân trên huyện đảo.
Các công nhân dựng khung sắt đỡ cho bộ xương cá voi. |
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc khôi phục bộ xương cá voi có ý nghĩa quan trọng với ngư dân vùng biển, đặc biệt là ngư dân huyện đảo Lý Sơn. Ngư dân quan niệm cá voi như là vị thần thường xuyên giúp đỡ ngư dân khó khăn trên biển. Nhà trưng bày đi vào hoạt động sẽ phục vụ tốt nhu cầu của du khách.
Theo ông Ninh, dự án khôi phục bộ xương cá voi tại di tích Lăng Tân có tổng mức đầu tư hơn 14 tỷ đồng. Đây là điểm du lịch mới khi Lý Sơn đón khách du lịch trở lại và nhà trưng bày bộ xương cá voi là nơi gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa tâm linh để phục vụ nghiên cứu và phát triển du lịch trên huyện đảo.
Được biết, cá voi được cư dân miền biển và đảo Lý Sơn ví như vị thần Nam Hải cứu người gặp nạn giữa biển khơi. Bởi vậy khi phát hiện ông “lụy”, các vạn chài miền biển đều tổ chức nghi lễ chôn cất, thờ cúng long trọng để tỏ lòng thành kính.