Chùa Chuông thuộc Quần thể di tích Phố Hiến, nằm ở thôn Nhân Dục, xã Hiến Nam, TP. Hưng Yên. Chùa Chuông có tên tự là Kim Chung Tự - nghĩa là trong chữ có vàng, trong chuông có vàng.
Gọi là chùa Chuông, thoạt đầu nhiều người ngỡ rằng nơi đây có rất nhiều chuông. Tuy nhiên, tên gọi ấy gắn liền với truyền thuyết sự xuất hiện của quả chuông tại ngôi chùa .
Theo tích chùa, một năm nọ, có trận đại hồng thủy càn quét làm cho ngôi chùa bị phá hủy. Nhiều hiện vật trôi lạc trên sông Hồng, trong đó có một quả chuông. Quả chuông rất nặng nhưng kỳ lạ thay lại nổi và trôi đến bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục, tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên xưa (nay thuộc phường Hiến Nam, TP. Hưng Yên).
Chùa Chuông được chụp năm 1997. Ảnh: Chùa Việt
Quả chuông dập dềnh sóng nước tại khu vực này, nhiều nơi khác trong vùng thi nhau đến kéo về nhưng không được, dù trước đó đã làm lễ xin. Chỉ đến khi các bô lão làng Nhân Dục thực hiện mới kéo được chuông lên. Dân làng cho đó là điềm lành, và vốn đó cũng là chuông chùa nên đưa về chùa Chuông rồi góp công, góp của xây dựng thêm.
Từ ấy, cái tên Kim Chung Tự khiến người dân thêm tự hào khi nơi này có thêm quả chuông chùa đặc biệt. Ai cũng muốn được nhiều người biết đến chiếc chuông lạ quý hiếm, tiếng vang xa hàng vạn dặm được trời Phật ban tặng. Từ đó về sau, Kim Chung Tự được gọi ngắn gọn là chùa Chuông.
Chùa Chuông được chụp năm 1997. Ảnh: Chùa Việt
Như bao ngôi chùa khác, chùa Chuông có một quả chuông cao lớn và rộng trên dưới 1m.
Chuông được treo ở gác 3 Tam quan chùa, đây cũng là cổng chính của ngôi chùa. Trước khi vào chùa, du khách sẽ đi qua cây cầu đá dài 200m được xếp bởi những phiến đá to, dài 3m rộng 2m dày 0,5m. Phía dưới cầu là hồ sen, mỗi khi hè đến, những đóa sen nở rộ thơm ngát cả một vùng. Cây cầu được xây dựng năm 1702 (năm Chính Hòa thứ 23), bắc qua ao Mắt Rồng.
Ảnh: Đức Kin, Nguyễn Ngọc Tuấn
Gọi là ao Mắt Rồng là nương theo triết lý nhà Phật, hướng Đông và Tây. Giữa hai ao của chùa không có ngăn cách, tượng trưng cho ranh giới giữa chính và tà mong manh và con người phải vững tâm để giữ được điều thiện.
Hai bên đầu cầu là 4 nghê đá được tạc từ thời Hậu Lê. Tiếp đó là con đường độc đạo lát đá xanh dẫn thẳng đến tiền đường.
Chùa Chuông gồm các hạng mục nhà tiền đường, thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu và 2 dãy hành lang. Tiền đường kết cấu 5 gian 2 chái, kiến trúc kiểu con chồng đấu sen.
Ảnh: Dung Le
Ngay trước cửa Tam bảo có một cây hương đá, mặt chính diện có khắc dòng chữ Hán "Chính hòa thập nhi thập tam niên" (chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê). Chùa quay hướng Nam, trong quan niệm dân gian, đó là hướng của "Bát Nhã" (trí tuệ).
Thượng điện giống kết cấu với Tiền đường, mang đậm nét kiến trúc thời Hậu Lê. Hai dãy hành lang nối Tiền đường và nhà Mẫu dùng kèo cầu quá giang đơn giản.
Trong bản Chùa Chuông của tác giả Lê Hồng Thiện, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam có nói rõ chùa Chuông xây dựng theo kiểu chữ Quốc, rộng 1500m2.
Tác giả Lê Hồng Thiện có nhắc đến một chuyện xưa ở chùa Chuông. Trước kia, mỗi khi dịp Tết đến, người dân trong vùng nô nức đến chùa để "bói Bụt". "Mỗi người tính tuổi của mình rồi đếm theo dãy Bụt từ trái sang phải, sau đó nhờ người trụ trì ở chùa đoán tính nết, tiền vận của mình khi bước sang tuổi mới theo tiểu sử của Bụt".
Ở chùa còn có tượng Tứ Thiên Vương (vị thần bảo hộ bốn phương), Bát bộ Kim cương (các vị thần cai quản chốn Phật) và Thập Bát La Hán (18 vị La Hán). Mỗi vị La Hán đều thể hiện điệu bộ, nét mặt khác nhau, tựa như mong muốn tìm ra con đường cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh. Bộ 18 vị La Hán được làm bằng đất sét mộc tại chùa là một trong những bộ tượng đẹp nhất Việt Nam. Nhiều pho tượng còn nguyên vẹn ở đây (từ thế kỷ 13) đã thể hiện được tài hoa tạc tượng điêu luyện, tinh xảo của người xưa.
ảnh địa ngục trần gian với chó ngao rắn quấn hổ xé xác những kẻ độc ác gian tà để răn đe những kẻ vô lương, khuyên người ta làm điều lương thiện. Ảnh: Đặng Tú/ĐHXD.
Trong chùa Chuông còn có hai cung động, các dãy tượng được xếp sát nhau. Đầu tiên là động "Thập điện Diêm Vương" diễn tả cảnh con người phải trải qua nơi âm giới. Đó cũng là triết lý nhân quả của nhà Phật, con người từ khi sinh ra đến khi từ giã cõi đời đều phải trải qua 10 cửa ải để xét công và tội.
Ngoài ra, tại chùa vẫn còn tấm bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711) ghi tên những người công đức tu sửa chùa và cảnh đẹp của Phố Hiến xưa như phường Hàng Bè, Hàng Sũ, Thợ Nhuộm, Hàng Thịt - nơi chỉ còn trong dĩ vãng.
Ảnh: Vinh Đỗ
Với giá trị kiến trúc, lịch sử độc đáo như vậy, năm 1992, chùa Chuông được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Đồng thời, chùa Chuông cũng là di tích nổi tiếng và tiêu biểu trong Quần thể di tích "Quốc gia đặc biệt khu di tích Phố Hiến".
Hằng năm, chùa Chuông đón hàng trăm nghìn du khách trong lẫn ngoài nước về tham quan, chiêm bái, du xuân đầu năm.