Hậu quả là nhiều người đã bỏ ra tiền tỷ để mua thẻ cào nhưng không nhận được hàng, còn Giám đốc Trần Quốc Bảo thì “ôm” hàng chục tỷ đồng của các nạn nhân rồi… biến mất.
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Điện lực TP Hồ Chí Minh, Bảo không về quê mà ở lại TP Hồ Chí Minh thuê nhà, bán trà sữa kiếm sống.
Do muốn làm giàu nhanh, Bảo chuyển sang bán thẻ cào ĐTDĐ bằng cách huy động vốn bằng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.
Sau khi tìm được nguồn cung thẻ cào là một DN ở quận Gò Vấp, Bảo thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Viễn thông Tin học Miền Nam (Công ty Viễn thông Tin học Miền Nam) do Bảo làm Giám đốc, một mặt Bảo bán hàng trực tiếp tại công ty, mặt khác Bảo nhờ mẹ ruột ở quê tìm mối giúp.
Bảo “quảng cáo” là cùng bạn bè làm việc tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Viễn thông (Mobifone), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Vinaphone)... nên mua được thẻ cào ĐTDĐ giá rẻ.
Bảo cam kết sẽ bán ra cho khách hàng giá gốc, đơn hàng đặt số lượng càng lớn thì chiết khấu càng cao.
Tuy nhiên, do không có vốn để kinh doanh, Bảo đã nghĩ ra cách “mua cao, bán thấp” và “lấy khách hàng nuôi khách hàng”.
Tức là, Bảo mua thẻ cào ĐTDĐ giá 94.500đồng/thẻ (mệnh giá 100.000 đồng), nhưng bán lại cho khách hàng thấp hơn từ 4% đến 6,5%, mục đích là để khách hàng thấy lợi cao, giao tiền cho Bảo.
Khi khách đặt hàng, Bảo yêu cầu người mua hàng chuyển tiền trước 3 ngày để chiếm dụng tiền người này mua thẻ cào đưa cho người trước.
Trong số các nạn nhân tố bị Bảo lừa tiền qua việc mua thẻ cào thì chị Võ Thị Tố Trinh (SN 1966, ngụ huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) là người bị Bảo chiếm đoạt tiền nhiều nhất.
Theo chị Trinh, sau khi nghe mẹ của Bảo giới thiệu Bảo bán thẻ cào ĐTDĐ, do tin tưởng mẹ con Bảo là người cùng địa phương, hơn nữa Bảo chào giá hết sức hấp dẫn, thấp hơn hẳn các mối chị đang lấy.
Cụ thể, tất cả các loại thẻ loại mệnh giá 100 ngàn đồng được Bảo bán cho chị Trinh 90.000 đồng/thẻ, chiết khấu 10%.
Nếu đơn hàng trên 1 tỷ đồng, giá bán chỉ còn 88.000 đồng/thẻ và chiết khấu tăng lên 12%. Vì vậy, nên chị Trinh đồng ý “làm ăn” với Bảo.
Thời gian đầu, do chưa thật sự tin tưởng, chị Trinh chỉ mua của Bảo số lượng thẻ cào chỉ có trị giá dao động từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/đơn hàng, khi nào bán hết mới dám đặt đơn hàng mới.
Sau 3 tháng “làm ăn” với nhau, thấy Bảo giữ uy tín, giao hàng đúng hẹn, vì vậy chị Trinh đã không ngần ngại tăng số lượng và trị giá đơn hàng.
Thấy “mồi” đã cắn câu, Bảo tung ra chiêu khuyến mãi “mua 100 thẻ tặng 5 thẻ”, chị Trinh đã huy động vốn từ người thân, bạn bè để đặt hàng số lượng lớn.
Tháng cao nhất, chị Trinh đặt 27 đơn hàng với tổng trị giá 106,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do cứ xoay vòng, số tiền đơn hàng sau bị rút để bù vào đơn hàng trước nên bị hụt dần, nên Bảo nhận tiền nhưng không giao hàng cho chị Trinh. Khi chị Trinh cần gặp thì Bảo nại ra đủ lý do như đi công tác, hội nghị khách hàng.
Số tiền chị Trinh bị chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng. Tương tự, với thủ đoạn trên, Bảo chiếm đoạt của ông Dương Đình Bình (ngụ TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) hơn 2 tỷ đồng, ông Đặng Xuân Thiện (ngụ huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) hơn 2,4 tỷ đồng, bà Tôn Nữ Khánh Tiên (ngụ huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) 945 triệu đồng và ông Phan Văn Dũng (ngụ huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) hơn 320 triệu đồng.
Sau khi lừa tiền của các nạn nhân, Bảo bỏ trốn. Tháng 12-2016, Bảo bị Đội 8 Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và Tham nhũng (PC46) - Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ theo Lệnh truy nã khi đang lẩn trốn tại TP Đà Nẵng. Xác minh tại Chi cục Thuế Gò Vấp được biết, công ty do Bảo làm Giám đốc không báo cáo thuế phần kinh doanh thẻ cào.
Ngày 13-6, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TP Hồ Chí Minh truy tố Trần Quốc Bảo tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.