Chiếm 8% thị phần xuất khẩu "vàng đen" toàn thế giới, doanh nghiệp Việt được định giá 320 triệu USD

Pha Lê |

Đây cũng là doanh nghiệp gây chú ý trên thị trường trong thời gian gần đây khi biến vỏ cà phê thành trà hảo hạng.

Phúc Sinh Group được quỹ ngoại định giá 320 triệu USD

Theo chia sẻ của ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, Phúc Sinh vừa được quỹ đầu tư nước ngoài định giá 320 triệu USD. Phúc Sinh đã ký kết thỏa thuận nhận vốn đầu tư từ quỹ đến từ châu Âu vào cuối năm 2023 vừa qua.

Dự kiến, quỹ đầu tư thực hiện rót vốn toàn bộ vào cuối tháng này với cam kết đồng hành ít nhất 7 năm. Số tiền huy động được dùng xây dựng hai nhà máy cà phê lớn. Theo đó, phía quỹ đầu tư sau khi xem xét các tiêu chí về phát triển xanh, bền vững của Phúc Sinh nên đã lựa chọn công ty theo hình thức chỉ rót vốn đầu tư chứ không tham gia điều hành công ty.

Theo ông Phan Minh Thông, đây là khoản đầu tư trực tiếp của một quỹ chuyên về phát triển bền vững đến từ châu Âu nên sẽ là tiền đề để Phúc Sinh tập trung vào phát triển các vùng nguyên liệu sạch, xanh theo hướng bền vững, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị cho cà phê, hồ tiêu Việt.

Chiếm 8% thị phần xuất khẩu "vàng đen" toàn thế giới, doanh nghiệp Việt được định giá 320 triệu USD- Ảnh 1.

Ông Phan Minh Thông. Ảnh: Phúc Sinh Corp.

Phúc Sinh Corp, tiền thân là Phúc Sinh International Ltd.. Doanh nghiệp này được thành lập vào năm 2001. Hiện tại, Phúc Sinh đã thành lập phòng thí nghiệm để kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tất cả các nhà máy của Phúc Sinh cũng được vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế: BRC, ISO, KOSHER, HALAL.Đến nay, Phúc Sinh đã phát triển thành công ty xuất khẩu nông sản hàng đầu tại Việt Nam.

Ban đầu, khách hàng của Phúc Sinh chỉ có ở Pháp, Đức, Ý, Thụy Sĩ và Mỹ. Nhưng hiện nay khách hàng của Phúc Sinh đang mở rộng ở nhiều quốc gia và khắp châu lục: Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ và Úc.

Từ năm 2007, Công ty Cổ phần Phúc Sinh đã phát triển trở thành công ty xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu của Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng được mệnh danh là "vua tiêu" khi chiếm 8% thị phần xuất khẩu trên toàn thế giới và giữ vị trí này cho đến ngày nay.

Mới đây, Cổng thông tin hỗ trợ xuất khẩu nông sản (SFV-Export) cũng công bố, Phúc Sinh tiếp tục dẫn đầu về doanh số xuất khẩu gia vị của cả nước với mức tăng trưởng khoảng 18% so với năm 2022. Riêng công ty xuất khẩu gia vị tăng thị phần từ 8,4% trong năm 2022 lên 15,1% tại thị trường châu Âu.

Gần đây, công ty đẩy mạnh sang ngành cà phê với thị trường xuất khẩu chủ yếu ở châu Âu. Phúc Sinh cũng mở chuỗi quán cà phê K Coffee với 10 cửa hàng. 9 tháng đầu năm 2023, Phúc Sinh ghi nhận doanh thu hợp nhất khoảng 6.500 tỷ, lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng.

Phúc Sinh cũng là doanh nghiệp thời gian gần đây gây chú ý trên thị trường khi biến vỏ cà phê thành trà hảo hạng. Trà túi lọc của công ty này xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Úc… với giá xấp xỉ 1,5 triệu đồng/kg, cao gần gấp đôi loại cà phê đặc sản mà công ty này đang bán trên thị trường.

"Vàng đen" Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nước ngoài

Hồ tiêu là một mặt hàng quan trọng của nền nông nghiệp Việt Nam. Sản phầm này còn được ví như là "vàng đen".

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 267.000 tấn hạt tiêu, giá trị ước đạt 912 triệu USD, tăng 16,6% về lượng nhưng giảm 6% về giá trị. Trong cơ cấu xuất khẩu, tiêu đen chiếm đến 71,2%, còn lại là hạt tiêu trắng, hạt xay.

Nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu giảm là do giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam giảm 19,4% so với năm 2022, đạt khoảng 3.420 USD/tấn trong năm 2023.

Chiếm 8% thị phần xuất khẩu "vàng đen" toàn thế giới, doanh nghiệp Việt được định giá 320 triệu USD- Ảnh 3.

Châu Á là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 chiếm 52,7% thị phần. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc chiếm 22,8% thị phần xuất khẩu, đạt 60.135 tấn, tăng 174% so với năm 2022.

Khu vực châu Mỹ đứng thứ 2 về thị phần xuất khẩu chiếm 22,8% và xuất khẩu tăng 0,3%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của hồ tiêu Việt Nam đạt 54.271 tấn, chiếm 20,5% giảm 0,8% so với năm ngoái.

Xuất khẩu hồ tiêu năm 2024 được dự báo sẽ thuận lợi, giá tăng do sản lượng giảm, tồn kho hiện ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Việt Nam đã xuất khẩu hết sản lượng hồ tiêu thu hoạch trong năm 2023, một phần xuất khẩu được lấy đi từ lượng nhập khẩu cũng như tồn kho từ năm trước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại