Người "tài xế" đặc biệt ngày 2 buổi đưa đón các em nhỏ học sinh mầm non ở xã Thanh Khai (Thanh Chương, Nghệ An) là anh Văn Đình Ngọc (34 tuổi; trú xóm Chùa). Anh Ngọc bị dị tật bẩm sinh nên đi lại khó khăn, giọng nói cũng bị ảnh hưởng.
Từ tháng 11/2015 đến nay, mỗi ngày 2 buổi, anh Ngọc đều đánh chiếc xe trâu kéo tự chế của mình đưa đón con, cháu trong gia đình cùng hơn 15 cháu trong xã đến trường mầm non cách nhà khoảng 2km.
Buổi sáng bắt đầu từ khoảng 6h10', anh Ngọc dậy cho trâu ăn, chuẩn bị xe để đúng 6h30' bắt đầu đưa 2 đứa con cùng 2 đứa cháu đến trường để đi học.
Những vị khách đầu tiên của anh Ngọc khi trời còn tờ mờ sáng là con và cháu của mình. Đến 4h chiều hàng ngày, anh Ngọc đã có mặt tại cổng trường mầm non của xã để đón các cháu từ trường về nhà.
Anh Ngọc cho biết, trước đây anh phải đạp xe đưa 2 con đi học nhưng do bị tàn tật nên thường xuyên ngã. Nghĩ tội con nên anh Ngọc suy nghĩ và quyết định dùng con trâu của gia đình rồi mua thêm xe kéo để đưa đón con đến trường cho an toàn.
Ban đầu anh Ngọc để nguyên xe trâu kéo rồi đưa con đến trường. Nhưng sau để an toàn hơn nên anh Ngọc thuê thợ hàn thêm khung sắt có cửa chốt với chi phí 550 nghìn đồng.
Anh Ngọc cũng hàn thêm bậc lên xuống để các cháu có thể tự trèo lên xe.
Phía trên anh Ngọc cho làm mái tôn và bọc thêm lớp bạt để tránh mưa, nắng.
Xung quanh, anh Ngọc cẩn thận giăng kín những tấm rèm kèm theo nilon để tránh mưa, gió tạt vào các em nhỏ.
Từ việc chỉ đưa con, cháu đến trường, dần dà những hàng xóm xung quanh thấy hay nên đã gửi con cho anh Ngọc đưa đón. Dần thành quen, hàng ngày anh Ngọc đón khoảng 19 cháu nhỏ trên cung đường từ nhà mình tới trường.
Anh Ngọc cho biết, việc làm của mình hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên nhiều người hàng xóm gửi con thường xuyên thỉnh thoảng vẫn cho anh người dăm ba chục, có người 100 nghìn đồng để góp cho anh tu sửa xe mỗi lúc hỏng hóc.
"Con trâu của gia đình tôi đã nuôi 4 năm, tôi dạy cho nó tự nâng ách càng lên và tự hạ xuống mỗi khi xong việc. Đi trên đường nó đều nghe lời tôi nên rất an toàn. Ở mỗi điểm dừng đón trẻ, nó đều biết để dừng", anh Ngọc nói về con trâu của gia đình dùng để làm xe kéo.
Để đỡ buồn trên đường đưa đón trẻ, các phụ huynh đã góp người vài chục mua cho anh một chiếc đài để nghe nhạc. Anh rất quý và trân trọng nó.
Như thường lệ, cứ đúng giờ đã định các hàng xóm đều đưa con đứng trước cửa nhà chờ xe anh Ngọc đi qua rồi an tâm giao con cho anh Ngọc đưa đến trường.
Nhiều đứa trẻ đã quá quen nên tự đứng chờ sẵn ở cổng nhà và khi xe trâu của anh Ngọc dừng, chúng tự mở cửa trèo lên rồi đóng cửa lại để tiếp tục hành trình.
Ở trong xe có 3 hàng ghế để các cháu có thể ngồi và vịn tay vào những thanh sắt xung quanh.
Ông Hoè (68 tuổi; trú xóm Chùa) vui vẻ khi đưa cháu nhờ anh Ngọc đưa đến trường học. "Việc làm của anh Ngọc giúp chúng tôi đỡ công ngày 2 buổi đưa đón cháu đến trường. Tuy là người tàn tật nhưng anh ấy rất siêng năng và hiền lành, tốt bụng".
Đều đặn ngày 2 buổi, dù nắng hay mưa anh Ngọc vẫn điều khiển chiếc xe trâu tự chế đưa đón con và các cháu trong xã đến trường.
Có lúc đông xe anh Ngọc chở khoảng hơn 20 cháu nhỏ.
Anh Ngọc rất quan tâm chăm sóc con trâu của gia đình. Anh Ngọc cho biết, con trâu này rất có tình cảm, nó rất giỏi và hiểu được mọi lời anh nói.
Anh Ngọc dừng xe trâu trước cổng trường mầm non.
Đã quá quen với việc này, mỗi lần xe Ngọc đến các cô giáo lại vội chạy ra mở cửa để đón các cháu nhỏ vào trường.
Anh Ngọc bên những đứa trẻ thường ngày mình đưa đến trường.
Cô Võ Thị Hương (Phó Hiệu trưởng trường mầm non xã Thanh Khai) vui vẻ khi tâm sự về công việc anh Ngọc thường ngày đưa đón trẻ đến trường giúp các phụ huynh. Cô Hương cũng tin tưởng và an tâm vì nhiều lần chứng kiến những xe lớn khác khi thấy xe anh Ngọc đều nhường đường để anh Ngọc đi an toàn.
Anh Ngọc cho biết, anh sẽ làm việc này thêm khoảng 3 năm nữa rồi nghỉ. Bởi lúc đó con của anh cũng đã hết học mầm non nên anh sẽ dừng công việc quen thuộc này.
"Công việc này tôi thích nên tôi làm và sẽ nghỉ khi con tôi hết học mầm non. Nếu có điều kiện, tôi sẽ làm lại ghế ngồi cho các em thành các dãy xung quanh xe bên trong và có thắt dây an toàn cho đảm bảo", anh Ngọc nói về mong ước của mình.