Bạn đang tập cho con mình ăn dặm song song với sữa mẹ ở tháng thứ 5, thứ 6 và tin rằng mình đang nuôi con theo khoa học hiện đại? Thực ra từ hàng chục, và có thể hàng trăm ngàn năm trước, một loài người khác đã chăm sóc trẻ em theo cách y hệt.
Câu chuyện về thế giới của những đứa trẻ Neanderthals được tiết lộ qua nghiên cứu gây ngạc nhiên về 3 chiếc răng sữa được tìm thấy từ vùng Đông Bắc nước Ý, niên đại từ 45.000-70.000 năm tuổi.
Một trong những chiếc răng sữa Neanderthals - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Nhóm khoa học gia đứng đầu bởi nhà nhân chủng học Alessia Nava từ Đại học Kent (Anh) đã cắt lớp những mẫu vật đặc biệt này để xem xét các vòng tăng trưởng, sau đó lại tái tạo lại hình dáng nguyên thủy. Răng có các vòng tăng trưởng y hệt như thân cây, trong đó ghi lại những thông tin tinh vi về quá trình phát triển và chế độ ăn uống.
Kết quả cho thấy sự phát triển thể chất và bộ não dường như trùng khớp hoàn toàn giữa loài Homo sapiens chúng ta và loài người cổ Neanderthals. 6 tháng là quãng thời gian mà sự phát triển đòi hỏi đứa trẻ Neandethals được cung cấp nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng phong phú hơn những gì chúng nhận được từ sữa mẹ.
Nghiên cứu cũng hé lộ quá trình thai nghén của 2 loài cũng rất giống nhau, nhưng người Neanderthals với bộ gene tốt hơn cho việc sinh sản, thường sinh con nhiều hơn. Điều này từng được chứng minh qua các nghiên cứu ở châu Âu, ở đó nhiều phụ nữ một biến thể gene Neanderthals được truyền từ các cuộc hôn nhân dị chủng hàng chục ngàn năm trước, họ có khả năng sinh sản tốt và thai kỳ bình yên hơn hẳn Homo sapiens "thuần chủng".
Kết quả này đi ngược lại giả thuyết cho rằng phụ nữ Neanderthals cho cho con bú lâu dài nên giảm tỉ lệ sinh sản, dẫn đến sự thua thiệt về số lượng so với Homo sapiens và dẫn tuyệt chủng. Vì vậy, các nhà nhân chủng học sẽ phải đi tìm một con đường khác để lý giải vì sao một loài giống chúng ta đến kinh ngạc, thậm chí được đánh giá là ưu việt hơn về thể chất và phát triển trước một số kỹ năng như bện sợi, lại tuyệt chủng.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học PNAS.