Sau bao nhiêu năm làm ăn xa quê, sang tận xứ người để buôn thúng bán mẹt, cuối cùng thì bố mẹ tôi cũng đủ điều kiện về Việt Nam ăn Tết. Từ lúc sinh ra tôi mới được về thăm nội, ngoại duy nhất 1 lần hồi 7 tuổi. Bây giờ 21 tuổi rồi, tôi thực sự ngỡ ngàng khi thấy quê mình thay đổi nhiều quá.
Xưa bố mẹ tôi nghèo, cưới nhau chỉ có đúng mỗi 2 chiếc nhẫn bạc làm vốn. Bố kể ông bà làm nghề xay ngô lúa, gom từng đồng cho con cái đi học. Nhà tận 7 miệng ăn nên cuộc sống gia đình cũng nhọc nhằn lắm, ông bà cứ ước ao con mình được ra nước ngoài làm giàu.
Chính bố tôi đã quyết định thực hiện ước mơ cho ông bà được toại nguyện. Vừa tròn 15 tuổi là bố đi xin chân chạy vặt khắp nơi, sáng học chiều làm để kiếm tiền đi xuất khẩu lao động.
Rồi bố quen mẹ tôi ở lớp học ngoại ngữ. 2 người cùng trải qua bao chuyện thăng trầm, nhà ngoại tôi còn phản đối không muốn cho mẹ cưới bố với lý do “nghèo rớt mồng tơi”. Ông bà ngoại chẳng giàu có lắm đâu, nhưng ít ra cũng thuộc tầng lớp trung lưu thời bao cấp.
Bố tôi định từ bỏ mối tình thanh xuân nhưng kết cục lại hùng hục lao đến quỳ trước mặt ông bà ngoại để xin cưới mẹ bằng được. Bố hứa sẽ phấn đấu cho mẹ một cuộc sống đủ đầy, không thể làm ông nọ bà kia thì cũng được 9 phần hạnh phúc. Thấy bố cũng hiền lành chăm chỉ nên ông bà ngoại đành gật đầu đồng ý.
Sau đám cưới bố mẹ tôi chắt chiu từng đồng vốn để cùng nhau ra nước ngoài. Họ mở một quán đồ Việt trong khu chợ dành cho người châu Á. Mẹ kể hồi ấy đặt kế hoạch đến khi nào kinh tế tạm ổn mới sinh con. Nhưng người tính không bằng trời tính, đùng cái tôi xuất hiện. Không có ông bà giúp đỡ chăm sóc, tiền với vật dụng gửi sang cũng khó khăn nên từ lúc mang thai đến khi sinh chỉ có bố mẹ tôi tự xoay xở với nhau. Nhiều lúc mẹ tôi cũng nản lắm, nhưng ông bà nội ngoại gọi điện động viên nên mẹ lại cố gắng lo toan.
Tới lúc em gái tôi chào đời thì bố mẹ đã mua được căn nhà nhỏ. Tổ ấm mới cách khu chợ khá xa, bố tôi lại cắn răng vay đồng hương để mua chiếc xế hộp. Cứ chăm chỉ làm mãi cuối cùng gia đình tôi cũng ổn định được như bây giờ.
Bố tôi bảo dù giàu hay nghèo thì ông luôn thấy may mắn. Bởi lẽ gia đình tôi sống hoà thuận vô cùng. Kể cả 2 bên nội ngoại ở quê, dù tôi không biết rõ ai với ai nhưng lúc nào bố mẹ gọi điện về cũng nói cười rôm rả. Chưa bao giờ thấy bố mẹ phàn nàn chuyện gì cả, chị em tôi còn được nghe vô số kỉ niệm vui của bố mẹ thời ấu thơ. Bố bảo anh em tôi phải thương yêu ông bà nhiều, vì 2 bên nội ngoại đều giúp đỡ gia đình tôi từ lúc trắng tay đến tận bây giờ.
Đáng yêu nhất phải kể đến bà ngoại. Bà vừa hiền vừa chu đáo, đều đặn mỗi năm mẹ tôi nhận không dưới 5 lần quà cáp bà gửi sang. Toàn đồ ăn ở quê với đặc sản mang hương vị Việt. Bà còn dặn bố mẹ tôi luyện cho các con nói tiếng mẹ đẻ thật sõi, dù đi đâu cũng không được quên gốc tích quê hương. Anh em tôi chỉ được về nước nghỉ hè 1 lần duy nhất, nhưng ông bà nội ngoại đều chiều chuộng vô cùng.
Tôi nhớ mãi những đêm được bà ngoại kể chuyện cổ tích, bà nằm cạnh vỗ lưng cho tôi. Một thế giới xinh đẹp huyền ảo với Thạch Sanh đánh chằn tinh cứu công chúa, chim ăn khế trả cục vàng, cô Tấm bước ra từ quả thị… Tất cả ru tôi vào giấc ngủ bằng giọng kể dịu dàng của bà.
Lần trở về năm nay tôi đã to cao đến mức nằm chật cả giường bà ngoại. Tóc bà bạc đi nhiều quá, đồi mồi chi chít cả 2 tay. Sức khoẻ bà yếu hẳn, phải chống gậy mới đi được. Xưa bà cõng tôi đi khắp làng còn bây giờ tôi cõng bà đi thăm ruộng đồng mộ tổ. Ngoại luôn nói cưng anh em tôi nhất, chỉ cần Bống - Bang thích thì cái gì bà cũng cho.
Nhưng thứ tôi trân trọng nhất chính là lì xì ngoại tặng mỗi dịp đầu năm mới. Tôi thích phong tục truyền thống này lắm, Tết mà có phong bao đỏ rực thấy may mắn làm sao. Ngoại hay chọn phong bao kiểu cũ với chữ Phúc đơn giản, bên trong là những tờ tiền mới tinh. Ngoại luôn mong gia đình tôi hoà thuận hạnh phúc, ai cũng tốt cũng thương và giúp đỡ lẫn nhau.
Hôm chiều 30 ngồi rảnh rỗi tâm sự với bà, tôi có hỏi tại sao khi xưa bà đồng ý cho mẹ lấy bố. Bà đăm chiêu nghĩ 1 lúc rồi cười bảo tôi ngốc. Có ai yêu chân thành mà không xứng có được người mình thương chứ! Bà cũng thương con gái lắm, nhưng bà biết bố mẹ tôi yêu nhau nên bà “ứng” trước niềm tin rằng con rể sẽ làm được mọi điều đã hứa. Và bố tôi kiên trì giữ lời hứa thật, ông đã cùng mẹ tôi xây tổ ấm viên mãn vô cùng.
Ngoại đối xử với bố tôi như con ruột. Đến hàng xóm còn tưởng mẹ tôi là con dâu vì Tết nhất về chơi thấy bố luôn ở cạnh ngoại, cười nói rôm rả vô cùng. Hình như bố hợp tính ngoại hơn mẹ. Thi thoảng còn thấy mẹ ghen tị hỏi bà “Ai mới là con do mẹ đẻ ra?”.
Bà tiết lộ với tôi rằng tháng nào bố cũng giấu mẹ gửi tiền cho bà tiêu. Bà chẳng tiêu gì hết, gom tất vào một cuốn sổ tiết kiệm. Tôi trêu bà tích của vậy cho cháu đi lấy vợ phải không, bà móm mém xoa đầu tôi rồi gật. Hoá ra bố không chỉ gửi tiền phụng dưỡng ông bà nội mà còn trọn đạo nghĩa với ông bà ngoại nữa. Tôi sẽ cố gắng sau này trở thành một người đàn ông vững chãi như thế, đủ sức làm chỗ dựa cho tất cả người thân.
Sau nửa tháng ăn Tết quê nhà thì gia đình tôi lại khăn gói về bên kia. Tôi mạnh dạn xin phụ huynh được định cư ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học. Ai cũng ngỡ ngàng còn ngoại tôi thì rơm rớm nước mắt. Tôi bảo muốn ở cạnh ông bà nhiều hơn, thay bố mẹ chăm sóc ông bà nội ngoại. Bố mẹ đồng ý ngay lập tức và hứa sẽ cho tôi một khoản tiền lập nghiệp.
Gần 1 ngày bay nối chuyến mệt nhoài, về đến nơi tôi chỉ muốn lăn ra ngủ. Nhưng tôi phát hiện ra bố ôm mẹ đứng trong bếp khóc nấc, hỏi có chuyện gì thì bố chỉ vào chiếc phong bao trên bàn. Chữ Phúc đỏ, nhìn thật quen. Tôi mở ra thấy bên trong là cuốn sổ tiết kiệm, kèm lá thư viết tay toàn nét chữ run run.
“Mẹ đến lúc gần đất xa trời, chẳng biết còn sống được bao lâu nữa. Cảm ơn con đã yêu thương Hà của mẹ và có những đứa cháu ngoan hiền. Các con làm lụng vất vả bao năm, mẹ không giúp gì được nên chỉ biết giữ hộ các con chút ít như này thôi. Luôn vui vẻ và trân trọng nhau nhé các con, các cháu”.
Nước mắt tôi lăn dài trên má. Ngoại lén bỏ món quà bí mật vào vali của bố lúc nào không biết. Con nhất định sẽ về sớm với ngoại, ngoại ơi!