"Người trẻ và kỹ năng xin việc" - đề tài có lẽ đã không còn hiếm trong những năm gần đây. Những câu chuyện xoay quanh đề tài này thường xuyên xuất hiện trên khắp các diễn đàn hội nhóm lớn nhỏ trên MXH mỗi ngày và thu hút được rất nhiều sự quan tâm.
Trong thời đại ngày nay, không cần lên tận công ty để xem thông tin tuyển dụng, ứng viên chỉ cần ngồi nhà, lên website chính thức hay theo dõi các trang tìm việc sẽ chọn lọc được nơi mình ưng ý. Sinh viên năm cuối với một chút kinh nghiệm cũng muốn lên đây xem để tìm cho mình những công việc phù hợp.
Mới đây, trên MXH xôn xao vì bài chia sẻ của một nhà tuyển dụng của mình khi anh bày tỏ sự thất vọng với một ứng viên sinh năm 2003. Cụ thể anh viết:
"Em sinh viên sinh năm 2003 nộp CV ứng tuyển vào vị trí mình đang tìm kiếm nhưng ngoài tiêu đề mail và CV, em không viết thêm bất cứ một dòng giới thiệu hay chào hỏi nào.
Nghĩ có thể em quên mất, lỡ tay bấm gửi mà không biết, mình cũng lịch sự phản hồi lại em bằng tất cả sự chân thành. Ngay sau đó mình ngã ngửa khi nhận được mail phản hồi từ em với nội dung vỏn vẹn: 'Dạ chê' kèm những icon khó hiểu.
Không biết có nhà tuyển dụng hay công ty nào từng gặp phải tình huống trớ trêu như mình chưa. Thấy các bạn trẻ bây giờ ai cũng năng động, tài giỏi và cầu tiến. Lần đầu gặp phải một bạn ngang ngược như vậy luôn đó trời".
Bài đăng của nhà tuyển dụng về cách trả lời mail của ứng cử viên 2k3 gây xôn xao cõi mạng
Có thể thấy dù ứng viên giỏi cỡ nào thì với việc tỏ thái độ trong cách trả lời email sẽ khó lòng được HR chấp nhận. Từ tiêu đề email cho đến nội dung CV đính kèm, ứng viên này còn không có đôi dòng giới thiệu họ tên hay ảnh cá nhân.
Những gì HR biết được vỏn vẹn chỉ có tiêu đề mail và CV. Đây là một trong những lỗi sai kinh điển của nhiều ứng viên khi không chịu đầu tư vào "bộ mặt" email xin việc. Đây là cái mà nhà tuyển dụng đọc đầu tiên, cũng là cái để quyết định xem người đó có đến được các vòng tiếp theo không. Với một chiếc email cụt lủn, không chỉ thể hiện kỹ năng mềm yếu kém mà còn cho thấy sự không tôn trọng với bên tuyển dụng.
Dưới bài đăng, nhiều người đã góp ý cho chiếc email xin việc có 1-0-2 này:
"Bạn này còn chưa ra trường thì nộp CV chắc đi làm thêm, chưa được hướng dẫn cụ thể. Có lẽ do mải học quá nên quên mất mấy cái hình thức viết một email đơn giản. Các bạn HR nên quan trọng tìm được người phù hợp công việc, thử cho người ta cơ hội thứ 2 xem, biết đâu lại là nhân tài đấy", bạn L.C chia sẻ.
"Cách thể hiện thái độ và cách trả lời email đối với nhà tuyển dụng là cực kỳ quan trọng. Sau bạn này sẽ phải hối hận vì cách ứng xử như này đó", bạn N.S góp ý.
"Em đồng năm 2k3 đây, nói thật nhiều khi em còn chán với một số bạn cùng lứa nữa ạ. Nhiều khi gửi email mà rất bức xúc luôn. Dù không biết cách viết email chuyên nghiệp thì ít nhất cũng thể hiện thái độ tôn trọng đối phương một chút", bạn T.H bình luận.
Ảnh minh họa (Nguồn: Pinterest)
Nếu muốn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, bạn nên viết nội dung thư trả lời phỏng vấn một cách ấn tượng như sau:
1/ Lời chào trang trọng
Đây là phép lịch sự tối thiểu, góp phần giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Bạn có thể sử dụng: "Dear Ms./Mr." cùng với tên của người đã viết thư đến bạn hoặc "Kính gửi công ty …" hay "Chào anh/chị,…".
Kèm theo đó, đừng quên gửi lời cảm ơn nhà tuyển dụng về lời mời phỏng vấn và thể hiện sự quan tâm muốn tìm hiểu thêm về công việc ứng tuyển.
2/ Lý do viết thư
Đây là một phần không thể thiếu của email. Phần này cần trình bày trực tiếp vấn đề và không nên nói miên man. Bạn cần cảm ơn và xác nhận lịch hẹn phỏng vấn hoặc từ chối để nhà tuyển dụng nắm rõ. Nếu nhà tuyển dụng yêu cầu bạn lựa chọn thời gian phỏng vấn thì cần chọn và nêu rõ thời gian.
Một số gợi ý cho bạn: "Cảm ơn vì cơ hội phỏng vấn.." , "Tôi viết thư này nhằm xác nhận lịch hẹn phỏng vấn vào…".
3/ Lời cảm ơn
Luôn đảm bảo khi trả lời mail mời phỏng vấn đều phải có lời cám ơn như lời kết thúc. Đây là một câu kết thay cho phép lịch sự không nên bỏ qua.
Nếu ở phần đầu thư bạn viết lời cảm ơn rồi thì không sao. Nhưng nếu quên thì có thể bổ sung lời cảm ơn ở phần cuối thư. Ở phần này, bạn có thể kèm theo lời hứa sẽ đến đúng giờ. Ví dụ: "Em cảm ơn và sẽ đến phỏng vấn đúng giờ ạ". Hoặc nếu muốn trang trọng có thể kết bằng vài từ sau: "Trân trọng", "Thân mến"…
4/ Chữ ký cuối mail
Bạn tạo chữ ký cuối mail vì đây là một thông tin khá hữu ích khi bạn sử dụng Email. Chữ ký có thể ghi tên bạn hoặc tên trường bạn đang học (nếu có), địa chỉ, số điện thoại và email.
Trong trường hợp có bất kỳ vấn đề gì phát sinh, nhà tuyển dụng có thể gọi điện thoại trực tiếp cho bạn. Vì vậy, phần chữ ký cuối có địa chỉ và số điện thoại là vô cùng cần thiết.