Cách trung tâm Thủ đô 25 km, làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) nổi tiếng với nghề mây tre đan hơn 400 năm. Sản phẩm của làng thời xưa có tác phẩm thư pháp chữ Hán đan bằng mây hiện được lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.
Về Làng Phú Vinh những ngày "đổ lửa", chúng tôi được nghe câu chuyện gia đình nhà ông Trần Văn Khá và bà Nguyễn Thị Tiến tự sáng tạo ra chiếc lồng bàn đắt nhất Việt Nam. Mới nghe đến giá 30 triệu đồng, chúng tôi khá ngạc nhiên, một chiếc lồng bàn tại sao lại có giá "trên trời" như vậy? Để kiếm chứng, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của ông Khá và Bà Tiến.
Ông Trần Văn Khá (75 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Tiến (72 tuổi), hai vợ chồng là "cha sinh, mẹ đẻ" của chiếc lồng bàn đắt nhất Việt Nam
Chiếc lồng bàn đắt nhất Việt Nam
Ngôi nhà hai ông bà sinh sống là một căn nhà cấp 4, bên trong chứa đầy nguyên liệu mây tre để làm các sản phẩm thủ công. Vừa bước tới cổng, chúng tôi đã nghe thấy những tiếng "roẹt, roẹt,..". Ông Khá đang tỉ mỷ vót từng sợi mây tre, bà Tiến ngồi đối diện bện thành những hoa văn trang trí cho sản phẩm thủ công.
Đôi vợ chồng cho ra đời chiếc lồng bàn thủ công độc đáo
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nhiều đời gắn với mây tre, bà Tiến đã làm nghề từ khi lên 6. Sản phẩm bà làm ra được công nhận đẹp nhất vùng nên thường được đặt làm hàng mẫu. Ông Khá cười nói: "bà nhà tôi thời trẻ còn vô địch làng vì tốc độ đan nhanh gấp hai, ba lần người bình thường."
Khi được hỏi về nghề thủ công cũng như biệt danh "ông vua lồng bàn", ông Khá vui vẻ, chia sẻ về những ngày đầu hình thành ý tưởng: "Năm 1969, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, tôi lập gia đình và bắt đầu chuyển sang làm mây tre đan cùng vợ là bà Phạm Thị Tiến (73 tuổi). Ngày trước, tôi cũng như bao người làng, làm những sản phẩm thủ công từ sợi mây, khi các con đã có cuộc sống ổn định, gánh nặng cơm áo gạo tiền cũng vơi đi nhiều nên vợ chồng tôi nghĩ đến việc làm sao cho ra một sản phẩm để xứng danh với cái nghề truyền thống cha ông để lại."
Một đêm nọ vào năm 2003, bà Tiến tâm sự với chồng về chiếc lồng bàn, vì trong làng chưa ai sản xuất mặt hàng này, hơn hết chiếc lồng bàn gắn bó thân thuộc với các gia đình người dân Bắc Bộ, nhà ai cũng phải có một chiếc và nếu là lồng bàn sẽ giữ được rất lâu. Ông Khá không suy nghĩ, ngay lập tức ủng hộ ý kiến vợ mình.
Nói là làm, ngay sáng hôm sau ông Khá tìm mua mây đạt tiêu chuẩn, bà Tiến lên ý tưởng cho chiếc lồng bàn tâm huyết. Sau nhiều ngày tháng, vợ chồng ông bắt đầu làm ra những chiếc lồng bàn thủ công đầu tiên và được nhiều người đặt hàng.
Chiếc lồng bàn có giá lên đến 30 triệu được làm từ hơn 1200 sợi mây nhỏ như chỉ, trọng lượng chỉ 290 gram
Nhớ lại những ngày đầu tiên thực hiện, ông Khá nói: "Thời điểm đó, chúng tôi ngày đêm ngồi đan, tôi thì cứ chuốt sợi mây, xong sợi nào lại đưa ra hỏi bà "Như vậy đã được chưa", bà lắc đầu tôi lại chuốt lại. Hơn 1 tháng lặp đi lặp lại, tôi và bà cũng hoàn thành những sản phẩm đầu tiên. Khi đưa ra thị trường, mọi người rất đón nhận.
"Nếu tập trung, trong một tháng vợ chồng tôi chỉ làm được hai chiếc. Thời điểm đó khách đặt phải 5-6 tháng mới đến lượt, giá cũng khoảng 6 triệu đồng/chiếc. Dần dần, nhiều người truyền tai nhau đến đặt mua nhưng họ không dùng đậy mâm cơm mà trưng bày trong nhà." Ông Khá nói.
Mỗi lần làm, hai vợ chồng ông Khá đều cải thiện thêm về tính hoàn mĩ của sản phẩm, đến nay vợ chồng ông rất tâm đắc về những chiếc lồng bàn thủ công này. "Năm 2003, chúng tôi chỉ đan từ 300 sợi mây dọc, người làng chúng tôi vẫn gọi là công. Về sau sợi mây được chuốt mỏng hơn nên lên tới 1.200 công. Chỉ tính riêng làm chiếc núm lồng bàn đã mất 3 ngày, làm mâm mất 7 ngày và thêm 7 ngày đan khung. Cho đến nay, hai vợ chồng tôi đã cho ra đời được hơn 400 chiếc lồng bàn, với mỗi chiếc là 30 triệu đồng." Ông Khá cho hay
Liên tay vót, chuốt,.. những sợị mây, ông Khá chia sẻ kinh nghiệm để tạo ra một chiếc lồng bàn bằng mây đẹp, đạt tiêu chuẩn thì cần trải qua nhiều công đoạn từ việc mua mây, cạo vỏ, chẻ nan,... rồi đến việc tìm ra cách để làm nên một chiếc lồng bàn đúng theo ý muốn.
Trước khi chuốt mây, ông Khá phải quấn tay bằng những sợi vải để tránh đứt, xước tay
Ông Khá chuốt sợi mây cho mỏng, mịn như tờ poluya và nhỏ như sợi chỉ để đan lồng bàn. Những sợi mây đều được bà Tiến kiểm tra cẩn thận
Cận cảnh chiếc lồng bàn đan mây thủ công có giá lên đến 30 triệu đồng
Nhờ nghề mây tre đan, gia đình đủ tiền nuôi 5 con ăn học, lo nghề nghiệp, dựng vợ gả chồng. Khi con cháu đã có cuộc sống ổn định, cặp vợ chồng luống tuổi trăn trở phải làm một sản phẩm thật độc đáo để làm rạng danh nghề truyền thống của làng.
Đưa sản phẩm vươn tầm quốc tế
Nhờ cái tâm với nghề, những chiếc lồng bàn thủ công độc đáo của vợ chồng ông Khá dần lọt vào mắt của khách hàng trong và ngoài nước, có doanh nghiệp đã tìm đến tận nơi để đặt hàng.
Ông Khá giới thiệu về những kỉ niệm và những thành tựu đạt được nhờ chiếc lồng bàn thủ công do hai vợ chồng sáng tạo làm ra
Sản phẩm của hai ông bà cũng đã vươn ra tầm quốc tế, đầu năm 2010, chiếc lồng bàn của ông bà được Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VIETCRAFT) mang đi triển lãm. Sản phẩm được chú ý đến nỗi một vị khách Nhật nhất quyết đòi được gặp người làm ra.
Theo chia sẻ của bà Tiến, từ 2012 đến 2014, ông bà được mời ra nước ngoài giao lưu, biểu diễn tay nghề. Tại một hội chợ ở Chiết Giang, Trung Quốc, mỗi khi cặp vợ chồng Việt "chuốt sợi như kéo đàn, đan nan mà như múa", người xung quanh bỏ hết công việc, túm lại xem.
Gần đây nhất, tại Việt Nam, năm 2020, sản phẩm lồng bàn của vợ chồng ông Khá từng giành giải nhất tại hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam.
Niềm trăn trở của những nghệ nhân
Thành công là vậy, hiện tại, dù nghề mây tre đan này vẫn còn tồn tại nhưng trong gia đình ông Khá, các con ông lại không có ai theo nghề. Đây cũng là nỗi trăn trở của hai ông bà khi tuổi ngày càng cao.
Nhiều người đến học vợ chồng ông Khá làm lồng bàn nhưng đều chưa có ai làm được
"Nhà tôi đông con cháu mà không ai theo nghề. Nhiều người trong làng đến học, chúng tôi cũng tận tình chỉ dạy mà đến nay cũng không có ai đan được lồng bàn kiểu này. Có người đến học còn nói với chúng tôi: "Cháu xin đầu hàng, bởi để làm những chi tiết của chiếc lồng bàn thực sự là quá khó, không biết lối nào mà đan". Nay hai vợ chồng tôi đã có tuổi, tôi rất sợ sản phẩm này sẽ đi vào lãng quên nên đã làm cho mỗi người con một chiếc để lưu mãi về sau." Ông Khá trầm lặng.