Theo Popular Mechanics, Flex-Plane lấy cảm hứng từ cánh máy bay thương mại của Boeing. Chiếc drone này là sản phẩm của kỹ sư điện tử Ran D. St. Clair hiện đang sống tại California.
Flex-Plane được cấu tạo từ chín động cơ cánh quạt ráp lại với nhau. Drone di chuyển bằng cách uốn cong phần thân và động cơ cánh quạt. Điều thú vị ở chỗ Flex-Plane có thể bay trên không trung ngay cả khi trời gió lớn. Sở dĩ có tên gọi là Flex-Plane cũng vì nó có khả năng uốn dẻo cơ thể.
St. Clair cho biết, anh mới chỉ bắt đầu nghiên cứu Flex-Plane nên chưa thể nói trước điều gì. Clair khẳng định, Flex-Plane được mô hình hóa từ chiếc máy bay Odysseus, chạy bằng năng lượng mặt trời của Boeing. Nhờ nguồn nhiên liệu sẵn có từ mặt trời nên Odysseus có thể bay ở độ cao 30,4km trong nhiều tháng mà không cần tiếp nhiên liệu.
Tuy nhiên ý tưởng của Clair là tạo ra những đôi cánh linh hoạt hơn giúp giảm sự cứng nhắc cho các mô-đun động cơ.
Chia sẻ về cơ chế hoạt động của Flex-Plane, Clair cho biết đó là một hệ thống phức tạp nhưng lại sử dụng phần cứng đơn giản. Bản thân máy bay được cấu tạo từ những thứ rất đơn giản và rẻ tiền. Để có thể bay được, chiếc drone đặc biệt này cần tới hệ thống thu-phát tín hiệu gắn trên từng cánh quạt.
Clair tiết lộ thêm, đây mới chỉ là chuyến bay đầu tiên và vẫn còn nhiều thiếu sót. Trong tương lai, Clair sẽ tiếp tục cải tiến chức năng giúp tăng khả năng giảm xóc ngay cả không khí bị xáo trộn mạnh.