Chia sẻ của anh công nhân khiến cả hội trường nín lặng: Đại biểu khóc khi xem clip

Bảo Bình |

"Tôi cho rằng lỗi người dân là một, thì lỗi người quản lý là mười", đại biểu HĐND TP.HCM nói về thực trạng rác thải của thành phố.

Sáng nay (11/7), kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa IX tiếp tục với phiên thảo luận tại hội trường.

Trong buổi làm việc, theo ghi nhận của báo Tuổi trẻ, nhiều đại biểu đã xúc động nhắc lại câu chuyện của anh công nhân vệ sinh Ngô Chí Hùng khiến cả hội trường lặng đi trong chương trình Lắng nghe trao đổi hôm 1/7 vừa qua. 

"Nhiều khi đang làm mà chất dơ rơi vô đầu cổ...". Và hãi hùng nhất là: "Có những hôm lần mò trong cống đạp phải kim tiêm tứa máu, đau đến thấu tim, nhưng vì công việc, chúng tôi phải làm cho xong rồi mới lên xử lý", những chia sẻ nghẹn ngào, xót xa của anh Hùng trong chương trình.

Những chia sẻ gây "bão mạng" của anh Hùng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú nói, khi xem clip chia sẻ của anh Hùng, bà không thể cầm được nước mắt. 

"Ngồi xem qua truyền hình, nhưng tôi không cầm được nước mắt khi thấy hình ảnh anh Ngô Chí Hùng. Một trong những nguyên nhân gây ngập nước chính là việc bỏ rác xuống cống, ngăn dòng thoát nước, gây ngập nước trên địa bàn TP", báo Zing.vn ghi lời đại biểu Tú tại phiên thảo luận.

Bà Tú góp ý nên làm cho các anh một bộ trang phục bảo hộ, tránh tiếp xúc trực tiếp với các chất dơ bẩn.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết (giám đốc Bệnh viện Hùng Vương) cho rằng, TP.HCM là thành phố lớn nhất nước, dân số đông nhất nên vấn đề rác là không nhỏ. Nếu biết tận dụng sẽ đem lại nguồn lợi lớn. Ngược lại xử lý không tốt sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, sức khỏe người dân và gây nghẹt cống, ngập phố.

"Tôi từng đi học thạc sĩ tại Mỹ 20 năm về trước, người Mỹ đã biết phân loại rác từ nguồn và đến nay, họ cũng luôn chú trọng nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác", báo Dân việt ghi lời đại biểu Tuyết.

Bên cạnh đó, theo bà Tuyết, thành phố cũng cần xử lý nghiêm người xả rác nơi công cộng.

Nói riêng về rác thải bệnh viện, đại biểu Tuyết cho biết những năm qua chất thải rắn y tế được bao cấp, các bệnh viện không phải trả phí xử lý rác y tế. 

Nhưng sắp tới, xử lý rác y tế sẽ được xã hội hóa, gây khó khăn rất lớn cho ngành y tế TP. 

Nếu vậy, Bệnh viện Hùng Vương sẽ phải trả hơn 10 tỷ đồng để xử lý rác y tế, nên rất cần sự quan tâm của lãnh đạo TP.

Chia sẻ của anh công nhân khiến cả hội trường nín lặng: Đại biểu khóc khi xem clip - Ảnh 3.

Hình ảnh một công nhân vớt rác dưới cống đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh). Ảnh: Lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề về cán bộ quản lý trong xử lý rác thải. Bà đặt câu hỏi các công nhân khổ cực như vậy là do đâu?

"Là do ý thức xả thải của người dân. Tuy lỗi người dân nhưng lỗi nhà quản lý cũng nhiều. Chúng ta tuyên truyền theo phong trào, xử phạt cũng vậy...

Cán bộ phải làm gương cho người dân trong việc phân loại nguồn rác, bên cạnh đó, cũng cần chăm lo về thu nhập của công nhân dọn rác, hiện thu nhập quá thấp… Vai trò quản lý cũng chưa tròn trách nhiệm. Ngoài ra, nhiều dự án xử lý rác chưa tốt", báo Dân việt ghi lời chia sẻ của bà Trâm.

Còn đại biểu Trần Thanh Trì cho rằng hiện nay việc thu gom rác đã có nhưng chưa tốt. 

"Một số loại rác lớn như chai lọ, bàn ghế, chăn, gối… tổ thu gom không thu vì không phải là rác sinh hoạt và phải trả phí nên người dân tìm khu vực vắng để bỏ. Để giảm ngập nước, hệ thống kênh, rạch cần được nạo vét và nghiên cứu cải tiến kỹ thuật để đưa rác lên", ông Trì đề xuất.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại