Chìa khóa để giải quyết tình trạng lạm phát ở Mỹ?

Minh Khôi |

Tổng thống Mỹ Biden đang xem xét lại mức thuế quan người tiền nhiệm Trump áp đặt lên Trung Quốc trong bối cảnh nguy cơ lạm phát cao của nền kinh tế Mỹ.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên tới 25% với một số mặt hàng của Trung Quốc. Ảnh: DW.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên tới 25% với một số mặt hàng của Trung Quốc. Ảnh: DW.

Mỹ có thể dỡ thuế quan áp đặt với Trung Quốc?

Tháng trước, ông Biden cho biết chính phủ đang cân nhắc sẽ xóa bỏ thuế suất mà chính quyền Trump đang áp đặt lên Trung Quốc từ tháng 7/2018. Những biện pháp này được thực thi theo khoản 310 của Đạo luật thương mại 1974, trong đó yêu cầu "sự cần thiết của việc xét lại" mỗi 4 năm.

Nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đã kêu gọi ông Biden cắt thuế nhập khẩu nhằm đối phó với lạm phát trong nước - vốn là tổng hòa của nhiều yếu tố, bao gồm sự phục hồi sau đại dịch, đứt gãy chuỗi cung ứng, và xung đột Nga-Ukraine.

Trong tháng 5, tỉ lệ lạm phát tại Mỹ đã đạt đỉnh 40 năm với mức tăng 8,6%, trong đó giá cả hàng hóa tới nhiên liệu đều tăng mạnh và gây áp lực lớn lên các gia đình Mỹ.

Tuần trước, ông Biden đã đổ lỗi cho các công ty dầu mỏ và Nga, khi cho rằng giá dầu tăng là yếu tố lớn tác động tới lạm phát, trong khi cuộc xung đột Nga-Ukraine là nguyên nhân chính.

Tại một hội nghị ở Los Angeles, Tổng thống Mỹ đã chỉ trích các tập đoàn dầu mỏ, bao gồm Exxon Mobil, khi không tăng sản lượng dầu.

"Nếu Mỹ điều chỉnh thuế, đó sẽ không phải là để giúp Trung Quốc, mà là chính nước Mỹ", Shang-Jin Wei, chuyên gia kinh tế tại trường Đại học Columbia nói. "Với mỗi 100 USD mua hàng của Trung Quốc, khoảng 40 USD là các cấu phần cho các công ty Mỹ, còn 60 USD là cho các hộ gia đình. Việc giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí sản xuất cho các công ty Mỹ và chi phí tiêu dùng của các hộ gia đình, ông Wei nói.

Trong giai đoạn chiến tranh thương mại, chính quyền Trump đã áp đặt thuế suất 25% lên hàng hóa Trung Quốc, bao gồm hàng trăm tỉ USD hàng tiêu dùng.

Việc giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí ở một số lĩnh vực, ví như nguyên vật liệu thô, nhưng các chuyên gia cho rằng nó sẽ không giúp giảm lạm phát tới con số kì vọng.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết việc giảm thuế không phải là "giải pháp thần kỳ" trước lạm phát.

"Tôi nghĩ việc giảm thuế có thể giúp hạ giá thành một số mặt hàng, nhưng đó không phải là giải pháp lâu dài", bà nói.

Tuy nhiên, điều này cũng không có nghĩa rằng thuế suất nên tiếp tục duy trì, nhất là khi chính sách này thực tế đã không mấy hiệu quả, các chuyên gia nói.

"Tôi không nghĩ rằng việc áp đặt thuế đã thay đổi cung cách hành xử của Trung Quốc theo hướng tích cực", David Sacks, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, nói. "Vấn đề chính của Mỹ là muốn thay đổi cách hoạt động phi thị trường của các công ty quốc doanh Trung Quốc, tôi không nghĩ rằng thuế suất sẽ giúp giải quyết vấn đề mang tính nền tảng này".

Lựa chọn của chính quyền Tổng thống Biden Biden

Robert Handfield, giáo sư tại trường đại học North Carolina, cho biết chính quyền Biden sẽ tính toán thận trọng việc giảm thuế ở những lĩnh vực khác nhau. Trong đó, các dự án năng lượng mặt trời sẽ được ưu tiên, bởi hầu hết các tấm pin mặt trời đều đến từ Đông Nam Á và Trung Quốc.

Hiện Washington đã công bố việc tạm dừng kéo dài hai năm đối với thuế nhập khẩu mặt hàng tấm pin mặt trời đến từ 4 quốc gia Đông Nam Á nhằm thúc đẩy sự phát triển của điện mặt trời tại Mỹ.

Trong khi đó, một số tổ chức vốn có ảnh hưởng lớn tới giới chính khách tại Mỹ, đã phản đối việc dỡ bỏ thuế suất.

Hiệp hội lao động ngành thép với 1,2 triệu thành viên ở Bắc Mỹ và là thành viên của Ủy ban Tham vấn Lao động về Chính sách Thương mại, một nhóm cố vấn cho Nhà Trắng, ngày 6/6 đã gửi thư lên Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ và kêu gọi chính quyền Biden không dỡ bỏ thuế suất.

Hiệp hội này cho rằng chính sách thương mại hiện nay của Trung Quốc đang tác động tiêu cực lên các công ty Mỹ.

"Những thuế suất mà Mỹ đang áp dụng là nhằm đối phó với những chính sách thương mại của Trung Quốc, cũng như tác động mà nó mang lại đối với nền kinh tế, các công ty và người lao động Mỹ", Thomas Conway, chủ tịch Hiệp hội nói.

Trong bối cảnh nước Mỹ đang tiến dần tới cuộc bầu cử giữa kỳ vào mà thu và nguy cơ đảng Dân chủ có thể sẽ mất ghế tại Quốc hội, ông Biden đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn: duy trì mức thuế nhập khẩu như hiện tại và đối mặt với chỉ trích do giá cả hàng hóa tiếp tục tăng, hay xóa bỏ các chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc và thể hiện sự yếu thế trước Bắc Kinh.

Các chính trị gia ở cả hai đảng đã kêu gọi tiếp tục duy trì lãi suất, bao gồm Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rob Portman, Sherrod Brown từ Ohio, Mitt Romney từ Utah, hay Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren từ Massachusetts.

"Việc xóa bỏ thuế quan sẽ làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các chính trị gia, và tôi cho rằng Đảng Cộng hòa sẽ ví điều này như sự yếu thế của chính quyền Mỹ trước Trung Quốc", Sacks từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói.

Ngoài cuộc xung đột Nga-Ukraine và đại dịch Covid-19, Handfield cho rằng vấn đề cốt lõi của lạm phát tăng cao nằm ở cơ sở hạ tầng cho chuỗi cung ứng. Đại dịch đã làm suy yếu dòng chảy thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng, qua đó làm tắc nghẽn những cảng lớn nhất của Mỹ như Los Angeles và Long Beach.

"Tôi không nghĩ trong ngắn hạn chính phủ có thể thay đổi điều gì. Một số giải pháp như tăng lãi suất có thể làm giảm nhu cầu đối với một số mặt hàng, nhưng chuỗi cung ứng vẫn tắc nghẽn, và đó là những lý do hoàn toàn độc lập với chính sách của chính phủ".

"Có lẽ sẽ cần ít nhất là 2 năm để các chuỗi cung ứng trở lại bình thường", Handfield nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại