Chiều 28/7, sau khi nghe trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 và Báo cáo thẩm tra phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Điều vô lý trong báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, ĐB Ngô Văn Minh chia sẻ: "Trong báo cáo (báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 - PV) có một điều rất khó hiểu và vô lý.
Kiểm toán bảo là đến giờ này chưa có báo cáo của Bộ Tài chính để xác định số nợ công đến ngày 31/21/2014 cho nên không đủ cơ sở để xác định số nợ công.
Làm sao lại có việc lạ kỳ như thế được. Bây giờ đã là quý 3 năm 2016 rồi. Trách nhiệm đó thuộc về ai? Và con số báo cáo Quốc hội (nợ công năm 2014 là 58,02% so với GDP) là đúng hay sai?"
Ngay trước đó, liên quan đến quyết toán ngân sách nhà nước 2014, phát biểu tại hội trường, ĐB Ngô Văn Minh đã nêu ra con số hơn 26.169 tỷ đồng chi vượt dự toán mà theo ông đây là việc làm "tiền trảm hậu tấu" sai pháp luật, không đúng quy định. Uỷ ban Tài chính đã đề nghị QH chấp thuận cho đưa vào dự toán và quyết toán.
Song theo ĐB này, đây là việc làm không chấp hành kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, cần phải có giải trình đầy đủ, làm rõ trách nhiệm chứ không thể nói rồi cho qua hoặc chỉ dừng lại ở rút kinh nghiệm.
ĐB Ngô Văn Minh cũng nhắc về việc quản lý xe công. "Ở Quốc hội, ĐBQH chuyên trách thì xe giỏi lắm "1.8", "2.0" còn Bộ, ngành thì toàn xe "2.4" và "3.0". Tiền ở đâu?", ông đặt ra câu hỏi.
Vấn đề quản lý xe công một lần nữa lại được nhắc đến ở Quốc hội (Ảnh: Tiền Phong)
Sai phạm lặp đi lặp lại thì phải xử lý bằng pháp luật
Cũng tại phiên họp thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, ĐB Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh, lần đầu tiên bà nêu kiến nghị trước QH, đề nghị Chính phủ cho kiểm tra, thanh tra những đơn vị đã được nêu trong Báo cáo kiểm toán vi phạm vấn đề về chấp hành pháp luật trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước.
Bởi từ tước đến nay, theo vị ĐB này, báo cáo kiểm toán cứ nêu, các đại biểu QH đồng ý thực hiện theo kiến nghị nhưng sai phạm vẫn lặp đi lặp lại. Nếu không xử lý bằng pháp luật thì sẽ không nâng được hiệu quả quản lý sử dụng ngân sách.
Trước việc bội chi NSNN 2014 vượt hơn con số được QH phê chuẩn là 5,3% GDP và nợ công năm 2014 là 58,02% so với GDP, ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) lần đầu tiên phát biểu trước QH đã bày tỏ quan ngại.
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Ảnh: Đại Đoàn Kết)
Cụ thể, cấp độ nợ công tăng nhanh. So với 2013, cấp độ tăng là 17,1 %. Trong khi đó chất lượng hiệu quả công tác quản lý nợ công còn nhiều hạn chế như quản lý còn phân tán, thiếu sự đối chiếu, thống nhất trước khi tổng hợp báo cáo.
Ngoài ra, theo vị Đại biểu này, Bộ Tài chính chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng để xác nhận số dư nợ công đầy đủ. Một số cử tri quan ngại chỉ số 58,02% so với GDP của nợ công có vẻ không sát thực tế.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh chưa thực hiện biện pháp giảm thiểu rủi ro về lãi suất, tỷ giá, sử dụng vốn không hiệu quả, gây khó khăn trong trả nợ. Một số địa phương vay nhưng không lập kế hoạch vay và trả vốn vay, không bố trí đủ dự toán trả nợ và không có khả năng trả nợ. Như vậy, tất cả "trăm dâu đổ đầu tằm", đổ lên Chính phủ phải lo toan trả nợ.
Trên cơ sở đó, ĐB Nguyễn Quang Tuấn đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tìm ra giải pháp cụ thể để hạn chế nợ công, phát huy nội lực theo khía cạnh phát huy nguồn tiền còn tồn đọng trong dân để đầu tư, giảm thiểu rủi ro, sức ép về tỷ giá, về lãi suất...
Còn ĐB Trần Hoàng Ngân thì trích dẫn trong các báo cáo về tình trạng hầu hết các bộ, cơ quan TƯ, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn và định mức.
"Trong bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ "chúng ta phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội...
Tôi đồng tình và mong Chính phủ sẽ thực hiện đúng một số kiến nghị mà cử tri gửi đến, đặc biệt là tôn trọng, thực hiện nghiêm minh kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách", ông Ngân phát biểu.