Chỉ với một cây bút, Tổng thống Biden muốn 'đảo ngược' di sản của người tiền nhiệm

Mình Đức |

Theo AP, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden và các cố vấn bày tỏ thái độ không hài lòng trước ý kiến cho rằng, chính quyền mới đang dựa quá nhiều vào các sắc lệnh hành pháp.

Chỉ trong vòng hơn một tuần sau khi nhậm chức, ông Biden đã ký hơn 30 sắc lệnh và chỉ thị hành pháp (ảnh: Getty)

Chỉ trong vòng hơn một tuần sau khi nhậm chức, ông Biden đã ký hơn 30 sắc lệnh và chỉ thị hành pháp (ảnh: Getty)

Chỉ trong vòng hơn một tuần sau khi nhậm chức, ông Biden đã ký hơn 30 sắc lệnh và chỉ thị hành pháp liên quan tới đối phó đại dịch COVID-19 và loạt vấn đề khác bao gồm môi trường, chính sách nhập cư…

Tổng thống Mỹ cũng tìm cách thông qua các sắc lệnh để xóa bỏ các sáng kiến chính sách nền tảng của người tiền nhiệm Donald Trump như dừng xây dựng bức tường biên giới Mỹ-Mexico hay gỡ bỏ lệnh cấm phần lớn người chuyển đối giới tính phục vụ trong quân đội…

Hôm thứ Năm (28/1), Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell tuyên bố, việc ông Biden ngay lập tức đưa ra các sắc lệnh hành pháp đã đi ngược với cam kết của Đảng Dân chủ về một ứng viên tổng thống hướng tới xây dựng sự đồng thuận. Cùng ngày, Tờ New York Times đăng tải một bài bình luận có tựa đề "Hãy giảm bớt các sắc lệnh hành pháp đi Joe".

Về phần mình, Tổng thống Biden coi các chỉ thị hành pháp mới nhất của mình là một nỗ lực để "sửa chữa những thiệt hại mà chính quyền Trump đã gây ra" chứ không phải là "đặt ra luật pháp mới". Chia sẻ với báo giới tại Phòng Bầu dục sau khi ký thêm hai sắc lệnh vào hôm thứ Năm, ông Biden cho hay, ông đang cố gắng thúc đẩy Quốc hội thông qua gói cứu hộ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Khi được hỏi liệu ông có sẵn lòng phân nhỏ gói cứu trợ ra không, Tổng thống Mỹ trả lời: "Không ai đòi hỏi tôi phải làm bất kỳ điều gì".

Trước đó trong ngày, thông qua Twitter, giám đốc truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield đã bác bỏ những chỉ trích về các sắc lệnh của Tổng thống Biden. "Tất nhiên chúng tôi đang theo đuổi một chương trình nghị sự thông qua lập pháp. Đó là lý do tại sao, để bắt đầu, chúng tôi làm việc rất chăm chỉ để Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ được thông qua".

Có mặt tại Thượng viện ngày 28/1, Thượng nghị sỹ McConnell nhắc lại một phát biểu dễ gây hiểu lầm của ông Biden khi còn tranh cử, "anh không thể lập pháp bằng các hoạt động hành pháp trừ khi anh là một kẻ độc tài".

Trên thực tế, hồi tháng 10 năm ngoái, trả lời phỏng vấn ABC News về biện pháp thúc đẩy kế hoạch tăng thuế lên các tập đoàn và người giàu Mỹ, ông Biden nói, có một số thứ "anh không thể thực hiện chỉ với các chỉ thị hành pháp trừ khi anh là một kẻ độc tài".

Ông Biden và các cố vấn (bao gồm cả các chuyên gia kinh tế hàng đầu Nhà Trắng) từng nói, các lệnh hành pháp chỉ là một sự thay thế "mờ nhạt" cho các hoạt động lập pháp. Cùng lúc, họ lại biện hộ rằng, việc liên tục đưa ra các sắc lệnh hành pháp ngay trong những ngày làm việc đầu tiên của chính quyền mới, là sự cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế công tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ qua, đồng thời đảo ngược một số chính sách của cựu Tổng thống Trump.

"Có những bước đi mà mà ông ấy [Biden] không thể đợi được, bao gồm cả nỗ lực thay đổi một số hành vi bất lợi của chính quyền trước, và đó là chính là những điều tân tổng thống đã thực hiện", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết.

Mặc dù ngay lập tức ký kết nhiều sắc lệnh hành pháp hơn so với những người tiền nhiệm, nhưng ông Biden không phải là vị tổng thống duy nhất vấp phải sự phản đối từ đảng đối lập vì làm vậy.

Trong hai nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Bill Clinton đã đưa ra 364 lệnh hành pháp, George W. Bush ký 291 lệnh trong 8 năm cầm quyền và Barack Obama ký 276. Bản thân ông Trump cũng ban hành 220 chỉ thị chỉ trong một nhiệm kỳ.

Thượng nghị sỹ McConnell cáo buộc, trong tuần đầu tiên tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden "đã ký hơn 30 lệnh hành pháp đơn phương và khiến người dân lao động Mỹ rơi vào thế chờ thi hành án". Cũng chính McConnell từng chỉ trích Tổng thống Obama là "đơn phương áp dụng ý chí của mình" thông qua các sắc lệnh hành pháp và biên bản ghi nhớ.

Mặc dù vậy, chắc chắn nghị sỹ 78 tuổi là người hiểu rõ hơn ai hết quyết định của Tổng thống Trump khi sử dụng các lệnh hành pháp để "đối phó" với Quốc hội tại nhiều thời điểm trong suốt 4 năm qua.

Ví dụ, hồi tháng Tám năm ngoái, sau khi quá trình đàm phán cứu trợ virus corona mới bị đổ vỡ, ông Trump đã ký một loạt các sắc lệnh hành pháp trì hoãn thu thuế cho những người Mỹ có thu nhập dưới 100.000 USD/năm, tạm ngưng trả nợ của sinh viên, mở rộng các phúc lợi đã hết hạn cho người thất nghiệp…

"Kể từ khi Đảng Dân chủ phá hủy các cuộc nói chuyện hậu trường với những đòi hỏi lố bịch không hề giúp ích gì cho người dân lao động, tôi ủng hộ Tổng thống Trump theo đuổi các lựa chọn của ông ấy nhằm đem lại phúc lợi cho người thất nghiệp và những hình thức hỗ trợ khác cho những người cần chúng nhất", ông McConnell tuyên bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại