Trong kết luận điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu”, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cáo buộc trong số 54 bị can bị đề nghị truy tố, có 21 bị can phạm tội “Nhận hối lộ”.
Số này có cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, nhận 21,5 tỷ đồng của đại diện các doanh nghiệp. Đổi lại, ông Dũng đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước cách ly, thu lợi nhuận lớn.
Cùng ông Dũng, bị can Vũ Hồng Nam, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao với vai trò là Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao nhận hối lộ 60.000 USD và 450 triệu đồng (tương đương hơn 1,8 tỷ đồng).
Các bị can Chử Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận hối lộ số tiền hơn 2 tỷ đồng; Trần Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) nhận 6 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Quang Linh, nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất Phó Thủ tướng Thường trực phê duyệt chuyến bay cho cơ quan, tổ chức. Quá trình thực hiện công vụ, ông Nguyễn Quang Linh đã giúp Công ty Lữ Hành Việt được phê duyệt 18 chuyến bay; giúp Công ty ATA, Investco được phê duyệt chuyến bay khi chưa có sự thống nhất, đề xuất của Tổ công tác 5 Bộ. Kết quả điều tra xác định, ông Linh đã nhận hối lộ của Công ty Lữ Hành Việt và bị can Nguyễn Mai Anh (chuyên viên Vụ QHQT VPCP) với tổng số tiền 180.000 USD và 100 triệu (tương đương hơn 4,2 tỷ đồng).
Công dân về nước trên một chuyến bay giải cứu.
Ngoài những quan chức cấp cao nêu trên, cơ quan An ninh điều tra cáo buộc bị can Nguyễn Thanh Hải với vai trò Vụ trưởng Vụ QHQT, nhận hối lộ của Đại diện Công ty Bluesky, Công ty Lữ Hành Việt, hơn 3,6 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 2,3 tỷ đồng; bị can Nguyễn Tiến Thân , nguyên chuyên viên vụ QHQT Văn phòng Chính phủ nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng.
Bị can Phạm Trung Kiên, thư ký, giúp việc cho thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ tới hơn 42 tỷ đồng.
Bị can Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng, hưởng lợi cá nhân hơn 22 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) bị cơ quan điều tra cho rằng, đã tiếp xúc, gặp gỡ những doanh nghiệp lớn, “thân cận” hoặc những doanh nghiệp có mối quan hệ với lãnh đạo các cấp. Bà Lan không tiếp xúc, gặp gỡ và gây khó khăn với doanh nghiệp nhỏ hoặc không thân quen. Từ hành vi “can thiệp” của bà Lan, có 8 đại diện doanh nghiệp liên hệ đưa hối lộ bà này hơn 20 tỷ đồng và 210.000 USD, tổng cộng hơn 25 tỷ đồng.
Bị can Vũ Sỹ Cường, nguyên cán bộ Phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đã nhận hối lộ hơn 9,3 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 5,5 tỷ đồng.
Bị can Đỗ Hoàng Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao bị xác định nhận hối lộ hơn 6,3 tỷ đồng và hơn 254.000 USD, tổng cộng hơn 12 tỷ đồng.
Bị can Lưu Tuấn Dũng, Phó Phòng bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 527 triệu đồng.
Bị can Nguyễn Hồng Hà, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản có vai trò, nhiệm vụ bảo hộ công dân, nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng.
Bị can Nguyễn Mai Anh, nguyên chuyên viên Vụ QHQT, Văn phòng Chính phủ nhận hối lộ 3 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 2,8 tỷ đồng
Bị can Lê Tuấn Anh, nguyên Chánh văn phòng Cục Lãnh sự dù không trực tiếp yêu cầu, đòi hỏi nhưng đại diện các doanh nghiệp liên hệ đưa 938 triệu đồng và hơn 36 ngàn USD, tổng cộng hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó hưởng lợi hơn 1,3 tỷ đồng.
Bị can Ngô Quang Tuấn, nguyên chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GTVT nhận hối lộ hơn 1,7 tỷ đồng.
Bị can Vũ Hồng Quang, nguyên Phó Trưởng phòng vận tải Hàng không, Cục hàng không Việt Nam nhận hối lộ hơn 1,9 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 1,7 tỷ đồng.
Bị can Trần Văn Dự, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận hối lộ hơn 7,6 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng.
Bị can Lý Tiến Hùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam Tại Liên Bang Nga, nhận hối lộ 18.900 USD (tương đương hơn 437 triệu đồng)
Bị can Vũ Ngọc Minh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Angola, nhận hối lộ 864 triệu đồng.
Như vậy, tổng số tiền các cá nhân bị cáo buộc nhận hối lộ nêu trên, lên tới hơn 140 tỷ đồng. Trong đó, người nhận cao nhất là bị can Phạm Trung Kiên, thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hơn 42 tỷ đồng; cựu cán bộ nhận thấp nhất cũng lên đến hàng chục nghìn USD.