Vụ sập nhà 43 Cửa Bắc, Hà Nội xảy ra sáng 4/8 đã làm 2 người chết và 5 người bị thương, trong đó 3 người đang điều trị tại bệnh viện.
Theo báo cáo nhanh của Công an phường Trúc Bạch (Hà Nội), nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ sập nhà hàng ăn uống tại số 43 Cửa Bắc được xác định là do nhà xây dựng đã lâu, móng hầu như không có, gia đình tại số nhà 41 đang sửa chữa, đào móng, có khả năng gây ảnh hưởng.
Nhiều người dân sống xung quanh ngôi nhà 4 tầng bị sập cho biết, hoạt động đào móng xây dựng của nhà số 41 Cửa Bắc bắt đầu vào đêm qua (3/8), có sử dụng máy xúc.
Nhà số 43, Cửa Bắc được xây dựng từ thời Pháp, lúc đầu là nhà cấp 4, sau đó chủ nhà xây thành nhà 4 tầng trên nền móng và tường cũ.
Khi thấy các công nhân đào móng nhà 41, có dùng máy xúc, người dân đã cảnh báo là làm như thế không ổn, vì nhà số 43 họ xây lâu năm, móng nhà nông, như thế này thì sập mất.
"Tôi cảnh báo nhưng họ không nghe rồi cứ thế làm tiếp. Vừa về nhà được 15 phút thì nghe thấy tiếng đổ sầm", bà Nguyễn Thị Lưu, một người dân chứng kiến cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, liên quan đến việc xây dựng của nhà bà Nguyễn Thị Vân ở số 41 Cửa Bắc, ngày 2/8/2016, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình đã ký văn bản số 1123/UBND-QLĐT gửi bà Vân về việc chấp thuận khôi phục lại nhà cũ.
Trong văn bản này, UBND quận cho biết, ngày 16/6/2016, quận có nhận được hồ sơ đề nghị khôi phục lại nhà cũ của bà Nguyễn Thị Vân tại địa chỉ số 41 phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch.
Xem xét báo cáo của Phòng quản lý đô thị ngày 28/7/2016 về kết quả kiểm tra thực tế vị trí đề nghị khôi phục nhà cũ của bà Vân, báo cáo kiểm định chất lượng công trình do Công ty CP Tư vấn và kiểm định xây dựng Gotta Việt Nam thiết lập và hồ sơ đề nghị khôi phục lại nhà cũ do Công ty CP Quản lý và đầu tư xây dựng đô thị lập năm 2016, trong đó có bản vẽ hiện trạng nhà đã được UBND phường Trúc Bạch xác nhận.
Đối chiếu các quy định hiện hành của Nhà nước và UBND Thành phố, UBND quận Ba Đình chấp thuận cho bà Vân khôi phục lại nhà cũ.
Văn bản của Chủ tịch UBND quận Ba Đình gửi bà Vân.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình nêu rõ, văn bản chấp thuận khôi phục lại nhà cũ này sẽ không thay thế giấy phép xây dựng đối với công trình của bà Vân.
Đồng thời, Chủ tịch UBND quận cũng yêu cầu bà Vân khi thực hiện khôi phục lại nhà cũ phải tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động xây dựng, quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ, quản lý trật tự xây dựng, an toàn và vệ sinh môi trường của Nhà nước và Thành phố.
Không xây dựng trên không gian ngõ đi chung bên cạnh nhà và không gian chung phía sau nhà. Trước khi tiến hành khôi phục lại nhà cũ phải khảo sát hiện trạng các công trình liền kề.
Chủ đầu tư công trình cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với việc gây hư hỏng các công trình liền kề, công trình ngầm trên mặt đất và trên không, cây xanh công cộng có liên quan nếu nguyên nhân được xác định do công trình gây ra.
Cùng với đó, bà Vân phải gửi văn bản thông báo khởi công, văn bản cho phép khôi phục nhà cũ kèm hồ sơ thiết kế được Phòng Quản lý đô thị xác nhận cho UBND phường Trúc Bạch và Đội Thanh tra xây dựng quận Ba Đình để theo dõi và quản lý theo quy định.
Thực hiện đúng nội dung đơn ngày 7/7/2016 đề nghị khôi phục lại nhà cũ và sẽ không được yêu cầu đền bù phần kinh phí đầu tư khôi phục lại nhà cũ nếu cơ quan thẩm quyền xác định quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất không thuộc của bà.
"Nếu bà Nguyễn Thị Vân không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận khôi phục lại nhà cũ của UBND quận Ba Đình và hồ sơ đề nghị khôi phục lại nhà cũ được Phòng quản lý đô thị xác nhận kèm theo thì văn bản này không có giá trị, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật đối với công trình xây dựng không phép", văn bản nhấn mạnh.
Về việc xây dựng của nhà bà Nguyễn Thị Vân ở số 41 Cửa Bắc (Hà Nội), ngày 2/8/2016, UBND phường Trúc Bạch lập Bản xác nhận sử dụng đất ở ngày 7/6/2016, UBND quận Ba Đình thẩm tra kết quả xác nhận với nội dung:
Nguồn gốc đất thuộc bằng khoán điền thổ số 536 (gốc cũ), chủ sở hữu là ông Đỗ Văn Chiu và bà Ngô Thị Đồi, ông Chiu và bà Đồi đã chết, không để lại di chúc.
Theo bản án Giám đốc thẩm số 372 ngày 21/9/1995 của Tòa án nhân dân tối cao: "Thừa kế di sản để lại của bà Đồi chưa xác định". Bà Nguyễn Thị Vân là người đang thuê nhà.
Diện tích đất đang sử dụng là 33,6m2. Công trình trên đất có nhà cấp 4, tường gạch, mái lợp ngói. Hiện trạng công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp được UBND phường Trúc Bạch xác nhận tại văn bản số 153/UBND ngày 21/7/2016.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư đã tháo dỡ toàn bộ mái công trình và giữ nguyên các bức tường bao quanh ngôi nhà.
Để tạo điều kiện về chỗ ở, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho gia đình bà Nguyễn Thị Vân, UBND quận Ba Đình chấp thuận cho bà Nguyễn Thị Vân được thực hiện:
Trên diện tích đất 33,6m2 đã được UBND phường Trúc Bạch lập Bản xác nhận sử dụng đất ở ngày 7/6/2016, UBND quận Ba Đình thẩm tra kết quả xác nhận, bà Nguyễn Thị Vân được phép khôi phục lại nhà cũ.
Phạm vi xây dựng: Nằm trong ranh giới khu đất đã được UBND phường Trúc Bạch lập Bản xác nhận sử dụng đất ở ngày 7/6/2016.
Diện tích xây dựng tầng 1: 33,6m2; diện tích gác lửng làm bằng vật liệu nhẹ: 22,4m2. Tổng diện tích xây dựng 56m2.
Chiều cao công trình 6,13m tính từ cốt hiện trạng hè phố Cửa Bắc đến đỉnh mái dốc của công trình.
Số tầng: 1 tầng (tại cốt 2,33m có sàn gác lửng bằng vật liệu nhẹ)