Chi tiết ám ảnh trong phòng giam ông Thăng và câu hỏi khó cho người nhà các bị cáo

Bùi Hải |

Nếu nước mắt, bằng cách nào đó che mờ được công lý, thì khi nào chúng ta mới có một xã hội pháp quyền?

Phòng giam không phải là khách sạn

Có một chi tiết khá ám ảnh trong phần tự bào chữa của ông Đinh La Thăng, đó là lời kể về nơi giam giữ.

Ông Thăng nói rằng mình ở chung phòng với 2 người, một sinh năm 1952, một sinh năm 1977, bị giam vì tội buôn bán ma túy và cưỡng đoạt tài sản.

Phòng giam lạnh và chật, một người phải nằm xuống lối đi để nhường chỗ nằm cho ông Thăng.

Phải thú thật rằng, đây là một trong những chi tiết đã tạo nên sự thương cảm của nhiều người với ông Đinh La Thăng. Họ ngậm ngùi vì tại sao ông Thăng, nguyên cán bộ cao cấp, lại phải sống trong điều kiện "khổ đến như vậy".

Trong làn sóng thương cảm đó, có ai dừng lại một phút để hỏi rằng: Nếu một phạm nhân bình thường bị giam trong điều kiện như vậy, thì có được dư luận có xót xa thương khổ?

Quân pháp bất vị thân. Những người tỉnh táo sẽ thấy rằng: Khi phạm tội, thì thường dân cũng như đại thần, đều được đối xử công bằng như nhau.

Phòng giam không phải là khách sạn. Cho nên việc ông Đinh La Thăng phải ở trong căn phòng chật và lạnh như bao phạm nhân khác, nếu nghĩ kỹ, lại cho thấy tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật trong một vụ án trọng điểm không có vùng cấm.

Xét về khía cạnh con người, việc thương xót cho ông Đinh La Thăng khi nhìn ông dưới góc độ một người cha, người con, là hoàn toàn có thể hiểu được. Bởi ai cũng có gia đình, có trách nhiệm và tình thương yêu máu mủ.

Nhưng nếu sự xót thương và nước mắt lại che mờ cả cán cân công lý, làm lung lay sự nghiêm cẩn của pháp luật, thì sự xót thương dành cho một vài người đó sẽ làm hại biết bao người khác.

Trong một xã hội, nếu tồn tại đặc quyền, đặc lợi cho một số ít người, thì hiển nhiên phần còn lại (chiếm đại đa số) sẽ chịu thiệt thòi, uất ức.

Ai sẽ can gián Trịnh Xuân Thanh?

Những ngày này, dư luận đang rất quan tâm đến tâm sự của một số người thân các bị cáo. Ai cũng hiểu, ngoài nhân vật phải vướng vòng lao lý, thì máu mủ ruột rà chính là những người đau đớn nhất.

Nhưng có một câu hỏi: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Có khi nào chính những người thân ấy đã can gián, ngăn trở những việc làm "bất thường" khi chồng/con/bố mình đang ở thời kỳ "vượng phát"?

Tôi có một chị bạn thân. Chồng chị là một quan chức. Mỗi khi anh có cơ hội thăng tiến, anh lại kể với chị. Chị bảo: "Em không ngăn cản anh, nhưng em chỉ nhắc anh thế này: Nếu anh làm to hơn mà anh thấy hạnh phúc, thanh thản và cả nhà mình cũng hạnh phúc, thanh thản, thì sự lựa chọn ấy đúng.

Còn nếu anh lên chức mà hội họp, đi công tác suốt ngày, không có thời gian dạy con, chăm sóc vợ, đau đầu vì đấu đá, thì em không ham. Anh cứ nghĩ mà xem, khi anh gặp vấn đề, người chia sẻ với anh không phải là cái ghế, mà luôn là những người ruột thịt. Việc lựa chọn nhân nào sẽ cho mình quả ấy".

Chồng chị, trong nhiều lần tụ tập với bè bạn, đều kể về thái độ ấy của người vợ như một nhắc nhớ quan trọng để anh không bon chen, ham hố. Tuy chiếc ghế không cao chót vót, nhưng anh sống vô tư, hào sảng, không luồn cúi và dĩ nhiên thanh thản.

Tôi cứ tự hỏi không rõ ông Trịnh Xuân Giới, nguyên Phó ban Dân vận TƯ có can gián con mình là Trịnh Xuân Thanh, khi thấy Thanh giàu bất thường, chi tiêu bất thường hay không?

Nếu có can gián, thì tại sao trong quỹ đen của cty mà Thanh làm Chủ tịch lại có những ghi chú gây sốc "Chi 550 triệu cho sinh nhật bố sếp Thanh ở Tổng cty"?

Nếu có can gián, tại sao trong những khối tài sản được cho là Trịnh Xuân Thanh đã biến hóa ở Tam Đảo, lại đứng tên công ty do ông Giới một thời là giám đốc?

Trong vụ tham ô dẫn đến tội tử hình của Giang Kim Đạt, bố của Đạt - ông Giang Văn Hiển đã bị phạt tù 12 năm vì rửa tiền bẩn cho con trai. Giang Kim Hiển có bao giờ ngăn con và tự cảnh báo chính mình trước tiền tấn mà họ chiếm đoạt?

Tôi biết một bác sĩ ở bệnh viện lớn trung ương. Anh là người cực kỳ cẩn trọng trong ăn uống. Anh chỉ ăn những thực phẩm biết rõ nguồn gốc mua ở nơi tin cậy.

Nhưng vợ anh lại xuề xòa, dễ dãi. Chị bảo, cả nước ăn rau thịt ở chợ, có sao đâu. Không thuyết phục được vợ bằng lý lẽ, anh dùng hành động.

Anh không ăn và khuyên con không ăn bất cứ thức ăn nào không rõ nguồn gốc vợ mua về. Anh nói với vợ, rất nhẹ nhàng: "Thôi thì bản thân em cứ ăn những thực phẩm đó, nhưng em có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của anh và các con bằng cách để bố con anh ăn thực phẩm sạch anh mua".

Mềm mại và nhẫn nại, cuối cùng thì anh thành công trong việc thuyết phục vợ. Sau này, chính chị là người hăng hái nhất trong việc nói không với ăn bẩn.

Chi tiết ám ảnh trong phòng giam ông Thăng và câu hỏi khó cho người nhà các bị cáo - Ảnh 1.

Ngày xưa, những ông vua anh minh thường để cạnh mình một chức quan "gián nghị đại phu". Bên cạnh vua bao giờ cũng có nịnh thần, chúng luôn dâng sàm tấu để lũng đoạn, trục lợi. Gián nghị đại phu có trách nhiệm khuyên can vua đừng làm chuyện xằng bậy, hại dân hại nước và hại chính mình.

Nhiều gián nghị đại phu thà chết vì nói thẳng, nói thật chứ không chịu ngậm miệng, không chịu ăn tiền đút lót.

Nếu bố mẹ, vợ chồng, con cái của những bị cáo đều có tâm thế "gián nghị đại phu", có nguyên tắc sống, biết băn khoăn trước những món quà bẩn, tiền bẩn thì chắc chắn họ sẽ ít gặp phải nỗi đau thấy người thân của mình nằm trong một căn phòng chật và lạnh, rồi lại nghẹn ngào xin pháp luật khoan hồng.

Nhiều người lễ bái sao ít người tin nhân quả?

Không ít ý kiến bảo rằng, đặt ra vấn đề nhân quả, cảnh tỉnh, can gián chỉ là giải pháp cải lương vì guồng quay của quyền lực, kim tiền có quán tính rất lớn, hấp lực rất lớn.

Luận điểm này khiến tôi nhớ đến phát biểu của một phụ nữ rất thẳng thắn ở cơ quan có vai trò rất lớn trong việc đưa củi khô, củi tươi vào lò công lý. Đó là bà Phạm Thị Thanh Ngà, ủy viên Ủy ban KT TƯ.

Khi đề cập tham nhũng và sự trơ trẽn của một số quan chức, bà Ngà nói: "Có một người nói vấn đề tâm linh nhiều khi cũng sợ đấy, nếu nhận ra vấn đề tâm linh từ sớm có khi cũng chưa chắc đã tham nhũng, bây giờ mới thấy nhân quả thì cũng đã muộn rồi"

Trong một xã hội có rất nhiều lễ hội, cầu cúng, lễ bái, xin xỏ, tại sao lại ít người tin vào luật nhân quả?

Tôi tin rằng, ở trong một gia đình tin tưởng và đề cao luật nhân quả, chắc chắc con người sẽ sống tử tế và cân nhắc hơn nhiều trước khi gây ra nghiệp xấu.

Làm giàu bất chính, hưởng thụ bất chính, làm thất thoát mồ hôi nước mắt của đồng loại, chính là nghiệp xấu nặng nề chắc chắn phải gánh quả, không thoát được.

Đáng buồn là trong cuộc sống có quá ít người làm được việc can gián vợ như anh bác sĩ nọ, nhưng lại luôn có quá nhiều những lời than khóc oán trách xã hội khi thấy người thân của mình phải đứng trước thanh gươm công lý.

Trong những vụ án tham nhũng kếch xù, không khó để nhận ra những cậu ấm cô chiêu biết cách đập phá thác loạn, những bà vợ nghiện hàng hiệu vô độ, những ông bố bà mẹ vênh vang khi thấy con mình giàu siêu tốc, thăng tiến siêu tốc.

Họ có bao giờ nghĩ rằng chính mình đã góp phần lát một viên đá trên con đường đi tới phòng giam của người thân yêu nhất?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại