"Chỉ thiếu ý thức thôi đã tốt, thiếu tri thức mới đáng sợ"

Bảo Nam |

Những hình ảnh chen chúc đáng xấu hổ ở sân bay, siêu thị của người Việt được quy vào tội thiếu ý thức công cộng. Tuy nhiên, thiếu ý thức đã… tốt, thiếu tri thức mới đáng sợ.

Trên Facebook lại đang xôn xao về bức ảnh so sánh giữa một bên là cảnh người Nhật Bản xếp hàng đều tăm tắm lên thang cuốn tại một ga tàu điện, bên còn lại là hình ảnh người Việt đứng lộn xộn trước cửa ra vào máy bay.

Thang cuốn là nơi công cộng, không có quy định phải xếp hàng. Người có ý thức cộng đồng thì đứng ngay ngắn về một bên, tạo điều kiện cho người bận rộn rảo bước thật nhanh.

Trong khi đó sân bay là nơi quy củ, văn minh, là nơi du khách nước ngoài phác họa nhanh cái nhìn về dân bản địa. Cũng chính vì vậy sự thiếu ý thức nơi đây sẽ không đơn thuần chỉ là thiếu ý thức nữa. Nó được nâng tầm lên thành thiếu tri thức.

Đã tới lúc chúng ta phải ngẫm cho thật kỹ khái niệm: Thế nào là thiếu ý thức. Người thiếu ý thức tức là người biết về quy định, nhưng không thực hiện đúng. Ví dụ pháp luật quy định đèn đỏ phải dừng, người cố tình vượt là thiếu ý thức.

Chỉ thiếu ý thức thôi đã tốt, thiếu tri thức mới đáng sợ - Ảnh 1.

Xếp hàng tại Nhật - chuyện thường ngày dễ thấy.

Vậy ở những nơi như sân bay, siêu thị, rõ ràng pháp luật không quy định phải xếp hàng. Chính tôi đã từng gặp một trường hợp hồn nhiên gỡ rào chắn chen ngang lúc làm thủ tục check-in, khi bị góp ý thì phản ứng: Pháp luật không quy định tôi phải xếp hàng.

Trong trường hợp này, cá nhân tôi nghĩ rằng đây là biểu hiện của sự thiếu tri thức cơ bản.

Thêm một ví dụ nữa: Thời gian sau khi thực hiện các thủ tục check-in, kiểm tra an ninh và vào phòng cách ly tới lúc lên máy bay thường kéo khá dài, từ 30 phút tới 1 tiếng.

Rất nhiều người Việt trong quãng thời gian này ngồi ghế ngáp ngắn ngáp dài, thể hiện sự mệt mỏi vì phải chờ đợi.

Nhưng khi lên tới máy bay là lập tức rút điện thoại ra gọi điện, chụp ảnh, check-in, thậm chí… live stream quá trình máy bay cất cánh, bất chấp quy định của ngành hàng không yêu cầu điện thoại phải tắt nguồn lúc máy bay cất và hạ cánh.

Trong trường hợp này có nên gọi là thiếu ý thức hay không, khi họ không hề biết về quy định phải tắt điện thoại, thậm chí không biết về việc phải ngồi đúng số ghế ghi trên vé. Đây là sự thiếu tri thức.

Chỉ thiếu ý thức thôi đã tốt, thiếu tri thức mới đáng sợ - Ảnh 2.

Hình ảnh người Việt khi lên máy bay

Lật lại vấn đề. Những người sống ở thành phố, được tiếp xúc với nền văn minh tiên tiến, hòa nhập được với đà phát triển chung của đất nước. Nếu họ biết về văn minh nhưng vẫn chọn cách sống thiếu văn minh, họ là những người thiếu ý thức.

Với nhóm người này xã hội vẫn có thể "cải tạo" được. Đã từng một lần khi tôi vừa giơ máy chụp một đám đông đang chen lấn trong siêu thị, lập tức có người tới ngăn tôi lại. Rõ ràng, họ có ý thức về việc đang tạo ra một sự hỗn độn kém văn minh.

Nhân viên siêu thị cũng rất biết thế nào là "First-come, first-served" (tức là người đến trước thì được phục vụ trước), nên từ chối tính tiền cho những người chen ngang. Vậy là chỉ một lúc sau, đám đông trở lại xếp hàng tuần tự.

Với những người thiếu ý thức, nếu chúng ta sử dụng thái độ quyết liệt, từ chối dung túng cho các hành vi kém văn minh, họ vẫn có thể giác ngộ ra sự kém văn minh của mình.

Chỉ thiếu ý thức thôi đã tốt, thiếu tri thức mới đáng sợ - Ảnh 3.

Cảnh tượng dừng đèn đỏ đầy lộn xộn trên đường.

Nhưng thiếu tri thức thì vô phương cứu chữa. Bởi những người thậm chí còn chưa biết thế nào là xếp hàng, chưa từng được tiếp xúc với văn minh, khi làm sai, họ thậm chí còn không biết mình làm sai thì "cải tạo" bằng cách nào?

Tôi thấy nhiều thanh niên vượt đèn đỏ, bị du khách nước ngoài giơ máy chụp ảnh còn… tạo dáng. Rõ ràng là họ thậm chí còn không biết vượt đèn là sai, và người ta chụp ảnh để mỉa mai mình chứ không phải để lưu giữ kỷ niệm.

Chúng ta khen người Nhật ý thức cao, xếp hàng ở mọi nơi, nhưng đã bao giờ tự hỏi: tại sao họ làm vậy? Vì họ được dạy từ khi mới chập chững bước chân vào ghế nhà trường. Họ được dạy: phải xếp hàng. Tri thức quyết định ý thức.

Trong khi nền giáo dục của chúng ta lại toàn dạy nhũng kiến thức cao siêu, còn văn hóa tối thiểu thì lãng quên, thờ ơ. Không tạo ra nền tảng tri thức thì đừng bao giờ đòi hỏi phải có ý thức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại