Tham vọng khó thành hiện thực: Bắc Kinh "vỡ mộng", phanh không nổi đà kinh tế xuống dốc

Tất Đạt |

Đà tăng trưởng giảm sẽ khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc đạt được một số mục tiêu và tham vọng kinh tế đề ra trong năm 2020.

Bloomberg cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 10, cho thấy những kế hoạch khuyến khích thúc đẩy phát triển của các nhà hoạch định chính sách đã thất bại giữa bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ chưa hạ nhiệt và nhu cầu tiêu thụ trong nước không cải thiện.

Đầu tư tại Trung Quốc đã chạm ngưỡng thấp nhất từ năm 1998, khi các công ty tư nhân bắt đầu rút lui khỏi các thị trường. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ cũng chững lại so với dự đoán, cho thấy nhu cầu trên khắp nền kinh tế Trung Quốc đã giảm rõ rệt.

Các chỉ số phát triển của Trung Quốc đã bắt đầu chậm lại từ năm 2011. Trong quý 3 năm 2019, lần đầu tiên chỉ số tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống mức 6,0%, chỉ số thấp nhất kể từ năm 1992.

Chính phủ và ngân hàng trung ương Trung Quốc không lựa chọn cách bơm nguồn hỗ trợ kích thích kinh tế mà đưa ra những điều chỉnh nhỏ nhằm giúp kinh tế tăng trưởng mà không làm gia tăng các khoản nợ khổng lồ.

Những con số báo động

Tổng sản phẩm công nghiệp Trung Quốc tăng 4,7% so với năm ngoái, trong khi theo dự báo con số này là 5,4%. Doanh số bán lẻ chỉ tăng 7,2% - kém hơn mức 7,8% theo dự báo.

Đầu tư bất động sản chỉ còn 5,2% trong 10 tháng đầu năm, kém hơn con số dự báo 5,4%.

Đây là những con số thấp tương đương với số liệu từ năm 1998. Đầu tư cho ngành sản xuất chỉ cao hơn ngưỡng thấp kỉ lục một chút trong tháng 9, trong khi tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng tiếp tục chững lại quanh con số 4%.

Julia Wang, một nhà kinh tế học tại HSBC Holdings ở Hong Kong, cho biết: "Xu hướng tăng trưởng chậm lại chưa dừng tại đây. Xét tới việc sự tăng trưởng chậm lại một cách rõ nét như thế, nó có thể ảnh hưởng tới thị trường lao động trong năm sau và khiến nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm theo".

Phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc Liu Aihua cho biết, mặc dù tăng trưởng đã chậm lại, nhưng cấu trúc nền kinh tế đang cải thiện. Mặc dù không thể đánh giá thấp những thách thức hiện có, nhưng đà phát triển tổng thế vẫn chưa thay đổi.

Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc và một vài quan chức Mỹ cho biết họ đã chấp thuận gỡ bỏ một số thuế quan nếu hai bên đạt được thỏa thuận giai đoạn 1.

Tuy nhiên, ngay sau đó tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông chưa đồng ý chuyện này. Chiến tranh thương mại đã kéo dài hơn 1 năm qua và gây ra tổn hại lớn cho kinh tế thế giới. Bất kì động thái tăng thuế mới nào trong tương lai cũng sẽ làm dao động tâm lí nhà đầu tư.

SCMP dẫn thông báo từ Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NIFD) hôm 13/11 cho biết tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ còn 6,1% trong năm nay và 5,8% vào năm 2020, thấp hơn cả mức đáy được chính phủ đề ra trong ngưỡng 6,0-6,5%.

Dự đoán này cũng tương tự như số liệu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra, cho thấy Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu gấp đôi GDP trong năm 2020 so với mức của năm 2010.

Theo NIFD, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực trong khoảng thời gian dài giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại