Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Việt Nam trong tháng 9 đã về mức 50,5 điểm, giảm 0,9 điểm so với cùng kỳ tháng trước. Điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh chỉ cải thiện nhẹ và mức cải thiện là yếu nhất kể từ tháng 2/2016.
Theo các nhà phân tích, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng chậm lại vào cuối quý III với mức tăng yếu nhất từ tháng 8/2016. Người trả lời khảo sát cho biết nhu cầu khách hàng đã yếu đi.
Đây được xem là tình trạng chung trên thị trường quốc tế khi lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng chậm lại.
Lượng đơn đặt hàng mới yếu đi đã dẫn đến sản lượng giảm nhẹ, đây cũng là lần giảm đầu tiên từ tháng 11/2017. Lượng nhân công cũng giảm vào cuối quý III, kết thúc thời kỳ tăng việc làm kéo dài 3 tháng.
Số liệu cũng cho thấy tỷ lệ tồn kho của cả hàng mua và hàng thành phẩm cũng tăng nhẹ. Tốc độ tăng chi phí đầu vào cũng chậm lại trong tháng 9. Giá cả đầu ra cũng giảm ở tháng thứ 10 liên tiếp.
Các doanh nghiệp được khảo sát cũng cho thấy mức độ lạc quan đã giảm, và đây là lần giảm thứ 2 trong tháng 9.
Những người trả lời khảo sát cho rằng lo lắng về nhu cầu thị trường là nguyên nhân đứng sau việc giảm mức độ lạc quan.
Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI Việt Nam, ông Andrew Harker, Phó Giám đốc tại IHS Markit nói rằng những dấu hiệu ban đầu của tình trạng giảm tốc đã được củng cố thêm trong tháng 9 khi nhu cầu tiếp tục yếu đi.
Các nhà sản xuất phản ứng với số lượng đơn đặt hàng mới tăng chậm thông qua việc chấm dứt thời kỳ tăng sản lượng mới đây và thể hiện sự ngần ngại trong việc thuê mướn thêm nhân công và mua hàng hóa đầu vào. Những lo ngại về tình trạng nhu cầu cũng được thể hiện trong dữ liệu về mức độ lạc quan thấp.
Tuy nhiên, ông cho rằng kết quả chỉ số PMI mới nhất cho thấy, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam là một trong những lĩnh vực có kết quả hoạt động tốt nhất thế giới những tháng gần đây, tình trạng giảm tốc trong thương mại toàn cầu cùng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực lên các công ty khi bước vào quý cuối năm 2019.