Quảng Ninh dẫn đầu, Hà Nội và TPHCM vươn lên
Ngày 2/5, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết quả cho thấy, giá trị trung bình chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 79,92%, không bộ nào có kết quả dưới 70%.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng với chỉ số cao nhất lên đến 92,36%, đứng thứ hai là Bộ TT&TT, ngay sau đó là Bộ Tài chính với thành tích trên 86% và 84%.
Ở chiều ngược lại, Uỷ ban Dân tộc đứng cuối bảng xếp hạng khi chỉ giành được 72,13%. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất phải là Bộ Y tế khi từ vị trí số 11 của năm 2016 đã “tụt không phanh” xuống áp chót, đứng thứ hai từ dưới lên, chỉ với 72,4%.
Cùng với đó, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng cũng nằm ở phía cuối bảng xếp hạng khi con số cũng chỉ đạt trên 72%.
Đối với các địa phương, năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng với số điểm đạt được 89,45 điểm. Cải thiện thêm một bậc, lần này Hà Nội đã vươn lên đứng ở vị trí thứ hai, kế tiếp là các tỉnh Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Tuy chưa lọt top 5, song TP HCM cũng có sự nỗ lực đáng kể khi từ vị trí thứ 15 vươn lên đứng thứ 10.
Trong nhóm 5 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng, Quảng Ngãi là đơn vị có chỉ số cải cách hành chính thấp nhất với 59,69 điểm. Đây cũng là đơn vị duy nhất trên bảng xếp hạng có kết quả đạt được dưới 60 điểm.
Khảo sát lựa chọn ngẫu nhiên 30 ngàn phiếu
Cùng ngày, Bộ Nội vụ cũng công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2017 (SIPAS 2017).
Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tại 63 tỉnh, thành trong cả nước qua việc lựa chọn ngẫu nhiên, với hơn 30 nghìn phiếu.
Theo Bộ Nội vụ, tình trạng người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc đã giảm đi đáng kể với trên 78% số người được hỏi khẳng định chỉ đi lại 1 – 2 lần, gần 17% nói phải đi lại 3 – 4 lần.
Tuy nhiên, tỷ lệ người dân bị “hành” vẫn còn xảy ra với 2,47% cho biết, họ phải đi lại 7 lần trở lên.
Đáng chú ý, có 3,35% số người được hỏi trong cả nước khẳng định công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình giải quyết công việc.
Cùng với đó, có 1,85% số người được hỏi khẳng định có tình trạng công chức gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí theo quy định.
Khi bị trễ hẹn trả kết quả, chỉ có hơn 32% nhận được thông báo. Trong đó, gần 89% không nhận được xin lỗi từ cơ quan chức năng về sự trễ hẹn.
Liên quan đến chỉ số hài lòng về công chức được Bộ Nội vụ công bố với những con số rất “đẹp” khi chỉ số hài lòng chung về công chức trên 81%.
Điển hình có tới hơn 82% số người được hỏi thấy hài lòng về công chức có thái độ giao tiếp lịch sự; hơn 80% hài lòng về công chức chú ý lắng nghe; gần 81% hài lòng về công chức trả lời, giải đáp đầy đủ.
“Tham ô, tham nhũng có hay không?”
Tại hội nghị, ghi nhận những kết quả các bộ, ngành, địa phương đã đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác cải cách hành chính thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
Đáng lưu ý, còn tình trạng ban hành các quy định thủ tục hành chính trái thẩm quyền, tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hẹn còn phổ biến ở một số bộ, ngành và địa phương; việc thực hiện quy định xin lỗi người dân khi giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn chưa nghiêm, chưa đầy đủ.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, tầng nấc, hiệu quả hoạt động chưa cao, trong khi đó cơ cấu số lượng lãnh đạo tại các cơ quan, tổ chức hành chính chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng số lượng lãnh đạo nhiều hơn công chức chuyên môn.
Thậm chí, một số nơi còn bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý khi chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí đánh giá cải cách hành chính, bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan và công bằng kết quả triển khai cải cách hành chính tại các bộ và các tỉnh.
“Cơ quan, tổ chức, đơn vị có làm tốt việc phòng ngừa lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, tiêu cực lãng phí không? Đặc biệt tham nhũng, tham ô, nhũng nhiễu có hay không?”, ông Bình nêu.
Chia sẻ kinh nghiệm khi trở thành "quán quân", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, những năm gần đây, Quảng Ninh luôn tiên phong trong việc triển khai thí điểm áp dụng các mô hình cải cách mới.
Quảng Ninh cũng là nơi đầu tiên trong cả nước nghiên cứu, đề xuất và được Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm thành lập trung tâm hành chính công.
Qua đó, các thủ tục hành chính được giải quyết ngay trong ngày tại trung tâm hành chính công, thay vì đưa về các sở như trước đây.
Để bám sát tình hình thực tế, lãnh đạo tỉnh còn thường xuyên đóng giả người dân xuống cơ sở xem việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức ra sao.