Big Mac Index là chỉ số được tạp chí kinh tế nổi tiếng The Economist xây dựng và đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào năm 1986, được sử dụng như một thước đo đánh giá một đồng tiền có đang ở mức giá trị phù hợp hay không.
Cơ sở của chỉ số Big Mac là học thuyết ngang giá sức mua (PPP), cho rằng trong dài hạn tỷ giá phải dịch chuyển về mức mà tại đó giá của một giỏ hàng hóa dịch vụ (trong trường hợp này là chiếc bánh kẹp Big Mac của cửa hàng McDonald’s) ở hai quốc gia bất kỳ phải ngang bằng nhau.
Ngoài đồng USD, còn có 4 đồng tiền khác là Euro, Yên Nhật, Bảng Anh và Nhân dân tệ được sử dụng để làm đồng tiền cơ sở cho Big Mac Index.
Ví dụ, mức giá trung bình của một chiếc Big Mac ở Mỹ tại thời điểm tháng 7/2016 là 5,04 USD, ở Trung Quốc nó chỉ có giá 2,79 USD (tính theo tỷ giá hiện hành). Do đó, chỉ số Big Mac cho thấy đồng Nhân dân tệ đang được định giá thấp hơn 45% so với giá trị thực.
Tương tự, mức giá trung bình của một chiếc Big Mac ở Việt Nam tại thời điểm này là 2,69 USD (tương đương 60.000 VNĐ). Do đó, chỉ số Big Mac cho thấy VNĐ đang bị định giá thấp hơn 46,6% so với giá trị thực.
Như vậy, nếu muốn Big Mac ở Việt Nam có mức giá bằng với giá ở Mỹ, thì tỷ giá giữa tiền đồng Việt Nam và USD phải ở mức 11.905 VND/USD.
Trước đó vào tháng 7/2015, một chiếc Big Mac ở Việt Nam vẫn có giá 60.000 VNĐ (tương đương 2,67 USD theo tỷ giá thời điểm đó) trong khi giá ở Mỹ là 4,93 USD.
Như vậy chỉ số Big Mac cho thấy VND đang bị định giá thấp 45,8%.